Mọi lứa tuổi đều cần hỗ trợ kiến thức về tâm lý
Chào chị, sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, đây có phải là nền tảng đưa chị đến với “sự nghiệp trồng người” hay không? Xin chị chia sẻ về công việc hiện tại của mình với độc giả DN & PL?
Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học nên ngay từ nhỏ đã mang trong mình mơ ước có thể đem những kiến thức học được chia sẻ cho cộng đồng, để mọi người ai cũng có một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn.
Được biết chị từng là một sinh viên xuất sắc được trao học bổng du học tại Pháp chuyên ngành Tâm lý học. Sau những ngày tháng “dùi mài kinh sử” tại nước bạn, chị đã thu thập được kiến thức, kinh nghiệm gì để đưa về Việt Nam?
Khi học năm thứ 2 Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi đã trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất được trao học bổng du học tại Pháp chuyên ngành Tâm lý học thực hành.
Sau những ngày tháng “dùi mài kinh sử” ở nước ngoài, trở về Việt Nam với khao khát được cống hiến, tôi đã tham gia nhiều dự án lớn phi chính phủ về Tâm lý thực hành, kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp…cho nhiều lứa tuổi. Với tấm bằng Thạc sĩ Tâm lý học và kinh nghiệm gần 15 năm trong lĩnh vực Tâm lý học thực hành, tôi đã hoạt động ở rất nhiều vị trí làm việc khác nhau như:
Chuyên gia tham vấn tâm lý, nhà trị liệu tâm lý, nhà đào tạo chuyên về kĩ năng…cho các tổ chức trong và ngoài nước. Đặc biệt, tôi còn được mời làm chuyên gia cho rất nhiều hội thảo, hội nghị có quy mô lớn.
Hiện tại, tôi đang phụ trách chính cho các dự án đào tạo phát triển con người ở Think Big Group như dự án Sinh trắc dấu vân tay, các chương trình huấn luyện, đào tạo kĩ năng bổ trợ như giao tiếp, tư duy đột phá...để phát triển những khả năng vượt trội của con người.
Ở nước ngoài, ngành Tâm lý học rất phát triển, trong khi đó ở Việt Nam người dân hình như vẫn còn “thờ ơ” với môn đào tạo này, chị có cảm thấy chạnh lòng về điều này không? Và những khó khăn chị gặp phải hiện nay là gì?
Ở nước ngoài tôi được tiếp cận với một nền tâm lý học vô cùng phát triển. Từ trường học, bệnh viện đến các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp…đều có mặt của các nhà tâm lý. Người dân của họ ý thức được tầm quan trọng của nhà tâm lý học và vai trò của nhà tâm lý trong cuộc sống. Họ đến gặp nhà tâm lý giống như đến gặp một bác sĩ chữa bệnh thông thường.
Tôi trở về Việt Nam với khao khát được cống hiến, được chia sẻ rộng rãi những giá trị tri thức đã được học để phần nào đó giúp ích cho sức khỏe tinh thần của người Việt. Tuy nhiên, khi triển khai công việc này ở Việt Nam tôi gặp phải rất nhiều khó khăn vì đây là một lĩnh vực rất mới ở nước ta.
Nhiều người chưa hiểu về tầm quan trọng và giá trị của Tâm lý học. Họ cho rằng nó là điều viển vông, không cần thiết. Nhưng họ không biết rằng phải có sức khỏe tinh thần thì mới có thể làm tốt những việc khác.
Tôi đã phải rất nỗ lực để biến kiến thức trừu tượng của tâm lý thành những ứng dụng mang tính thực tiễn cao và phù hợp với văn hóa, nhằm giúp cho mọi người trong cộng đồng hiểu được tầm quan trọng và giá trị của tâm lý.
Đâu là nguyên nhân khiến cho nhiều người Việt bị thiếu kĩ năng về giao tiếp, thực hành…, thưa chị?
Xã hội hiện đại, cùng với đó là nhiều áp lực gia tăng đối với mọi lứa tuổi. Bởi vậy các vấn đề về tâm lý từ đó cũng tăng lên, nhiều người không thích nghi được với cuộc sống vì thiếu kĩ năng. Có người vì sự nghiệp đã bỏ quên mất những người thân yêu của mình.
Đến khi thành công nhìn lại những đứa con của mình lại hỏng từ bao giờ. Người vợ, người chồng đã không còn là của mình nữa và lúc đó không biết thành công của mình có còn ý nghĩa hay không? Bởi vậy, mọi lứa tuổi đều cần được hỗ trợ kiến thức về tâm lý để có sức khỏe tinh thần thực sự tốt nhằm hướng tới một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn.
Theo tôi, một cá nhân khó có thể làm tốt mà cần sự hỗ trợ từ nhiều ban ngành, các phương tiện truyền thông đại chúng giúp người dân nâng cao nhận thức về vấn đề này. Làm sao để họ có thể coi nhu cầu được chăm sóc về tinh thần giống như nhu cầu về cơm ăn, nước uống hàng ngày vậy.
Chị đã tổ chức rất nhiều hội thảo như: Giao tiếp để thành công, Quản lý Stress hiệu quả, Bí quyết để có gia đình Hạnh phúc và thịnh vượng, Nghệ thuật chinh phục lòng người, Bí quyết chinh phục người khác phái, Bạn là người làm chủ hạnh phúc…Cảm nhận của chị về các học viên thế nào? Họ có sẵn sàng để cập nhật các kiến thức này không?
Tôi đã thực hiện rất nhiều buổi chia sẻ kiến thức về tâm lý mang tính ứng dụng cao cho cộng đồng. Cảm nhận của tôi về các học viên tham dự ban đầu là rất mơ hồ về các giá trị tâm lý, chưa định vị được bản thân mình, mình là ai, ưu điểm và nhược điểm của mình là gì.
Mình thực sự mong muốn điều gì đối với cuộc sống này? Khi tôi đặt những câu hỏi trên, rất nhiều người thực sự lúng túng, thậm chí giật mình khi tìm các câu trả lời. Vì từ xưa đến nay chưa có ai hỏi như vậy.
Khi tham dự các buổi chia sẻ của tôi, sau khi giới thiệu bản thân mình trong bối cảnh ấm cúng, thân thiện, học viên mới nghiêm túc suy nghĩ và tìm câu trả lời. Họ bắt đầu nhận ra những điều tưởng như đơn giản nhưng thực sự quan trọng với cuộc sống của họ. Nó giống như "kim chỉ nam" định hướng đích đến của cuộc đời họ.
Sau những buổi chia sẻ tôi nhận thấy sự thay đổi tích cực của học viên và nhận được rất nhiều lời cảm ơn từ họ. Điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì có lẽ những hạt giống tâm hồn tôi gieo xuống đã có dấu hiệu nảy mầm và sinh sôi.
Kế hoạch phát triển Công ty và bản thân chị trong thời gian tới thế nào?
Tôi cùng các cộng sự đang nỗ lực để phát triển Công ty thành Học viện Think Big - chuyên đào tạo thực tiễn với lĩnh vực phát triển con người toàn diện, áp dụng những kiến thức tiến bộ thành các kĩ năng ứng dụng và tạo ra kết quả ngay khi học. Bản thân tôi sẽ hoàn thiện chương trình Tiến sĩ Tâm lý học để có thể đóng góp được nhiều giá trị hơn cho cộng đồng.
“Tôi rất hạnh phúc vì có một người chồng lý tưởng"
Theo chị, làm thế nào để người phụ nữ có thể “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong vòng xoáy hội nhập hiện nay?
Thời đại hiện nay, nam nữ bình đẳng, tuy nhiên để phát triển sự nghiệp thì phụ nữ cần nỗ lực nhiều hơn bởi vì mình còn có thiên chức làm vợ, làm mẹ. Tôi rất hạnh phúc vì có một người chồng lý tưởng. Bản thân anh không chỉ là một doanh nhân thành đạt mà còn là một người chồng tuyệt vời, một người cha mẫu mực.
Anh luôn là chỗ dựa vững chắc cho gia đình trong mọi tình huống. Mặc dù công việc bận rộn nhưng anh vẫn luôn dành thời gian cho gia đình. Chúng tôi đã kết hôn được 10 năm và có 3 quả ngọt là 2 cô công chúa và 1 chàng hoàng tử. Bất cứ khi nào rảnh anh đều tranh thủ đón con, dành thời gian nói chuyện và chia sẻ cùng con nên 3 em bé đều rất yêu và thần tượng bố.
Bí quyết của chị để có thể “giữ lửa” yêu thương trong gia đình?
Dù công việc có bận rộn đến mấy thì thỉnh thoảng hai vợ chồng tôi vẫn trốn con đi hẹn hò như những cặp tình nhân để luôn có cảm giác đang yêu. Và chúng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc không giận nhau quá 2 giờ đồng hồ, mỗi người tự nhận ra phần lỗi của mình để điều chỉnh, thay đổi.
Thời gian rất quý giá vì vậy chúng tôi luôn trân trọng từng giây, từng phút bên nhau.
Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), lời chúc của chị dành cho phụ nữ nói chung và các nữ doanh nhân nói riêng là gì?
Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), tôi xin gửi lời chúc hạnh phúc tới phụ nữ nói chung và các nữ doanh nhân nói riêng. Hãy luôn là những người phụ nữ thông minh, tỏa sáng trên thương trường và nồng ấm trong ngôi nhà của mình./.