Nóng, bởi mỗi ngày trung bình có 23 người chết vì tai nạn giao thông, liên tục các vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, vi phạm an toàn giao thông rất phổ biến, từ hành vi nhỏ như vượt đèn đỏ đến hành vi nghiêm trọng như lùi xe trên đường cao tốc, tranh đường, vượt ẩu, tài xế “ngáo đá”,...
Vấn đề bảo đảm trật tự giao thông, đào tạo lái xe, an toàn đường sá, việc chấp hành pháp luật của các cơ quan có nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông,... còn có nhiều góc khuất. Tuy nhiên, để thẳng thắn phơi bày một thực trạng giao thông có nhiều “điểm đen” đó và truy tìm nguyên nhân thì vẫn chưa ai làm được, đến cả cơ quan của Quốc hội, thực thi giám sát pháp luật trong lĩnh vực này cũng cho rằng đó là “vấn đề nhạy cảm, phức tạp” và việc tổ chức một phiên giải trình như thế hẳn là phải không ngại đụng chạm thì mới dám làm.
Trong nội dung của phiên giải trình, đặc biệt có yêu cầu đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giải trình những bất cập trong việc thu phí các BOT giao thông - một điểm nóng không chỉ trên dư luận xã hội mà ngay tại chính các trạm thu phí này. Giải trình chính là một bước tiệm cận sự minh bạch, chẳng hạn, người ta sẽ biết vì sao mà việc thu phí điện tử tự động lại chậm triển khai đến thế, hoặc thực tế số tiền thu phí được là bao nhiêu, nó đi đâu, về đâu. Có minh bạch thì sẽ có giải pháp đúng đắn và kịp thời.
Yêu cầu các cơ quan hoặc cá nhân có trách nhiệm giải trình cũng là thực thi chức năng giám sát và nếu làm được liên tục, thường xuyên sẽ tránh cho việc dân phải tự mình đứng ra đếm xe qua trạm thu phí - một sự giám sát của dân gây tranh cãi trong suốt tuần qua và những phản ứng của cơ quan quản lý BOT này bộc lộ những khuất tất trong việc thu phí này.
Bên ngoài phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp tổ chức thì đời sống pháp lý xảy ra nhiều chuyện lớn, nhỏ cần đến sự giải trình của cá nhân hay cơ quan. Ví dụ, xe công đi dự đám cưới ở Quảng Bình, thôi nôi ở Cà Mau hoặc ông Chủ tịch HĐND thành phố Kông Tum quan hệ tình ái với phụ nữ có chồng bị tố cáo, các trường hợp thầy giáo gạ tình nữ học trò của mình ở Thái Bình hay dâm ô với học sinh ở một số địa phương khác, cán bộ ở TP HCM đi nước ngoài hơn 100 ngày trong 2 năm, Giám đốc Sở Nội vụ “gửi” Trưởng phòng Giáo dục 2 biên chế không được quay ra trù dập khiến Trưởng phòng mất chức,...
Rất nhiều trường hợp cần phải giải trình, làm rõ và xử lý đến nơi, đến chốn thì đó chính là giải pháp!