Giải mã 'vùng tối' trong Tam Quốc diễn nghĩa

Một cảnh Viên Thiệu khiêu chiến Tào Tháo
Một cảnh Viên Thiệu khiêu chiến Tào Tháo
(PLO) -Kế hoạch trừ diệt hoạn quan do Viên Thiệu đề xướng rốt lại diễn biến thành cục diện “lưỡng bại câu thương”, cả hoạn quan lẫn ngoại thích đều bị suy yếu nghiêm trọng. Trong tình huống đó, các đạo quân trừ loạn từ khắp nơi kéo về đã tìm thấy một khoảng trống quyền lực. Cuối cùng, người cơ trí nhất trong số đó là Tinh châu mục Đổng Trác đã chiếm được đại quyền...

Dư luận đời sau thường chỉ trích Viên Thiệu vì đã không ngăn được Đổng Trác. Sử gia Lê Đông Phương còn phân tích rõ hơn, nói: Lúc Đổng Trác vào kinh, chỉ có ba ngàn quân. Viên Thiệu là Tư lệ Hiệu úy, chỉ cần kêu gọi các đội quân bảo hộ kinh thành khác trợ giúp là hoàn toàn có thể đè bẹp Đổng Trác. Nhưng Viên Thiệu đã không làm được điều đó.

“Tam quốc chí, Đổng Trác truyện” cho biết, Kỵ đô úy Bào Tín đã nói với Viên Thiệu: “Trác nắm giữ đám binh mạnh, có chí khác, nay ta chẳng sớm lo toan đi, sau này sẽ khó kiềm chế được. Lúc Trác mới đến đây hãy còn mỏi mệt, ta tập kích có thể bắt được”. Tuy nhiên, “Thiệu sợ Trác, không dám phát động binh lính”. Ngài Lê cho rằng: Viên Thiệu thực quá vô dụng.

Làm việc nửa vời

Trong khi Viên Thiệu không thể khống chế cục diện, Đổng Trác ngày càng lớn mạnh: Giết Chấp kim ngô Đinh Nguyên, thu phục Lữ Bố, tiếp nhận các đội tàn quân của Hà Tiến. Khi đã có được thế lực áp đảo, Đổng Trác liền bàn chuyện phế Thiếu đế Lưu Biện, lập Trần Lưu vương Lưu Hiệp. Đến lúc này, Viên Thiệu mới ra mặt phản đối Đổng Trác. 

Theo chính văn của “Tam quốc chí”, Đổng Trác nói việc này với Thiệu. Thiệu thoái thác, bảo rằng việc này nên bàn với Thái phó Viên Ngỗi (chú của Thiệu). Trác còn nói thêm, Thiệu không đáp, cầm đao vái chào Trác rồi bỏ đi. “Hiến Đế xuân thu” thì cho rằng Viên Thiệu đã lên tiếng phản đối, nói rằng: “Nay đế dẫu nhỏ dại nhưng chưa có điều không tốt truyền ra thiên hạ. Ngài muốn phế trưởng lập thứ, sợ rằng mọi người không theo lời ngài vậy”.

Trác nạt Thiệu: “Trẻ con! Việc của thiên hạ há chẳng do ta quyết? Nay ta làm việc, ai dám không theo? Ngươi bảo sức của Đổng Trác ta không mạnh sao!” Thiệu cũng đáp lại: “Kẻ mạnh trong thiên hạ, há chỉ có Đổng Công?” Nói xong, cầm ngang đao vái chào mà đi ra. Sau khi ra khỏi chỗ Đổng Trác, Viên Thiệu liền trốn đến Ký Châu, chuẩn bị đánh Đổng. Đổng Trác vì muốn an trí Viên Thiệu, nên nhân theo đó phong Thiệu làm Thái thú quận Bột Hải – một quận hẻo lánh bên bờ biển Bột Hải, thuộc Ký Châu.

Đầu năm Sơ Bình nguyên niên (189), liên minh Quan Đông hình thành, gồm có: Hậu tướng quân Viên Thuật, Ký châu mục Hàn Phức, Thứ sử Duyện châu Lưu Đại, Thứ sử Dự châu Khổng Du, Thái thú Hà Nội Vương Khuông, Thái thú Bột Hải Viên Thiệu, Thái thú Trần Lưu Trương Mạc, Thái thú Đông quận Kiều Mạo, Kỵ đô úy Bào Tín, mỗi đạo quân đều có vài vạn người. Viên Thiệu được tôn làm Minh chủ.

Ngoài ra còn có mấy đạo quân lẻ khác của Tào Tháo, Tôn Kiên. Viên Thiệu đóng quân ở Hà Nội, Trương Mạc, Lưu Đại, Kiều Mạo, Viên Di đóng ở Toan Tảo, Viên Thuật đóng ở Nam Dương, Khổng Du đóng ở Dĩnh Xuyên, Hàn Phức đóng ở Nghiệp Thành. Đổng Trác nghe tin này, liền dời Hiến Đế về Trường An, nhưng bản thân vẫn chia quân đóng giữ các nơi hiểm yếu ở miền Sơn Đông.

Hình tượng Đổng Trác
Hình tượng Đổng Trác 

Liên quân Quan Đông có thế lực lớn mạnh như thế, nhưng hầu như không hành động gì cả. Chỉ có cánh quân lẻ của Phấn Vũ tướng quân Tào Tháo ở quân thứ Toan Tảo và Trường Sa Thái thú Tôn Kiên ở quân thứ Nam Dương là có hành động thực tế để đánh Đổng. “Tam quốc chí, Vũ đế kỷ” có nói: Bấy giờ chư quân binh lực đông đến hơn chục vạn người, ngày ngày tụ họp uống rượu, chẳng có ý đồ tiến thủ gì. Cuối cùng, từ từ tan rã, quay sang cấu xé lẫn nhau. Đổng Trác thấy tình thế như vậy, cũng thu quân về Trường An. 

Trong thất bại của liên quân Quan Đông, Viên Thiệu có trách nhiệm lớn nhất. Viên Thiệu là minh chủ, nhưng không có hành động thực tế nào để tiến đánh Đổng Trác, thật khiến người ta khó hiểu. Cách giải thích phổ biến xưa nay là: Viên Thiệu là kẻ vô dụng, chí lớn tài sơ, làm việc nửa vời. Điều khiến ta khó hiểu nhất là Viên Thiệu hợp quân đánh Đổng, cuối cùng lại không đánh Đổng.

Sao mâu thuẫn thế?! Chỉ có hai cách giải thích: Một, Viên Thiệu vô dụng. Hai, Viên Thiệu có ý khác. Bản thân tôi cho rằng Viên Thiệu có ý khác. Nhiều người trách cứ Viên Thiệu không nhiệt tình với việc cứu nguy cho nhà Hán. Bản thân tôi lại nghĩ rằng trách cứ như thế khác nào trách Hạng Vũ không có lòng đối với nhà Tần.

Công lộ của Viên Thiệu

Bây giờ nhìn lại tiểu sử Viên Thiệu thì thấy: Viên Thiệu không có lòng với nhà Hán là việc đã nảy mầm từ lâu. “Anh hùng ký” nói, Viên Thiệu sau khi mẹ mất, từ bỏ chức Bộc Dương trưởng, về nhà chịu tang. Hết ba năm, lại để tang cha thêm ba năm nữa, tổng cộng sáu năm. Sau đó, Viên Thiệu ẩn cư ở Lạc Dương, rất thích làm du hiệp, cùng với bọn Trương Mạnh Trác, Hà Bá Cầu, Ngô Tử Khanh, Hứa Tử Viễn, Ngũ Đức Du qua lại, lại rất thận trọng trong việc giao kết tân khách. Triều đình mấy lần gọi Thiệu ra làm quan, Thiệu đều từ chối. 

Trung thường thị Đoàn Khuê từng nhận xét: “Viên Bản Sơ ngồi nơi hay đẹp, vậy mà không vâng lệnh gọi lại nuôi dưỡng kẻ đáng tội chết, không biết thằng này muốn làm điều gì đây?”. Lời của Đoàn Khuê điểm rất trúng. Viên Thiệu không phục vụ triều đình, lại âm thầm kết giao hào kiệt, rõ ràng là muốn mưu đồ đại nghiệp. Lúc lãnh đạo liên quân Quan Đông, Viên Thiệu cũng đã để lộ ý đó.

Viên Thiệu bắt được một cái ấn ngọc, lén hé cho Tào Tháo xem, còn hỏi Tào Tháo: Giả sử liên quân thất bại, nên lấy chỗ nào làm cứ? Viên Thiệu với Tào Tháo là chỗ thân tình, tất nhiên muốn Tào Tháo quy về dưới trướng. Tào Tháo ngược lại, “cho Thiệu là không ngay thẳng, có mưu đồ diệt đi”.

Sau khi phá được Công Tôn Toản ở U châu, Thiệu đã xúc tiến việc xưng đế, nhưng vì thuộc hạ phản đối, Thiệu mới tạm gác việc đó. Bây giờ xâu chuỗi lại các sự việc thì thấy, Viên Thiệu từ lâu đã chuẩn bị để tự lập, liên quân đánh Đổng chỉ là một bước trong kế hoạch lớn đó. Viên Thiệu cũng giống như Hạng Vũ, nhìn thấy xe kiệu của hoàng đế cũng thầm nghĩ: Có thể giết và thay thế hắn.

Thực ra ý nghĩ của Viên Thiệu không phải là việc lạ. Sử gia Lê Đông Phương từng chỉ ra, cuối thời Đông Hán, tôn giáo bí mật trong dân gian phát triển rất mạnh, Trương Giác, Trương Lương, Trương Bảo chỉ là một trong số đó. Tư tưởng “trời xanh đã chết, trời vàng nên dựng” không phải đơn độc, còn được hỗ trợ bởi vô số lời phù sấm, tiên đoán.

Người tin vào những lời huyền hoặc ấy không chỉ có ba anh em họ Trương và quân Khăn Vàng, các quan lại, quý tộc như Viên Thiệu, Viên Thuật, Công Tôn Độ đều tìm thấy ở những lời sấm đó một vài chi tiết phù hợp với mình. Kết quả, Viên Thiệu toan xưng đế, Viên Thuật thực sự xưng đế, Công Tôn Độ hùng cứ Liêu Đông, lập thành một lãnh địa riêng.

Viên Thiệu
Viên Thiệu

Chân tướng diệt loạn

Điều khiến Viên Thiệu khác với Viên Thuật và Công Tôn Độ chính là: Viên Thiệu không chỉ theo thời mà lên, mà còn tự tạo ra thời thế. Sau khi ý đồ của mình bị Đoàn Khuê đoán trúng, Viên Thiệu lại đồng ý nhận sự trưng tập của triều đình. Viên Thiệu lựa chọn theo về dưới trướng của Đại tướng quân Hà Tiến, leo dần đến chức Tư lệ Hiệu úy nắm giữ quân đội. Đến lúc này, Viên Thiệu bèn thuyết phục Hà Tiến tiêu diệt hoạn quan.

Viên Thiệu muốn diệt hoạn quan là vì nhà Hán? Chưa chắc. Triều Hán có ba trụ cột chính trị lớn: danh sĩ, hoạn quan và ngoại thích. Lực lượng danh sĩ đã gần như tiêu tan từ sau hai cái họa Đảng cố thời Hoàn Đế, chỉ còn lại hoạn quan và ngoại thích.

Viên Thiệu kích động hai trụ cột cuối cùng đó đánh nhau, bất kể kết quả thế nào thì triều đình Đông Hán cũng sẽ sụp đổ. Hơn nữa, Viên Thiệu đã tính toán trước, dùng ngoại thích để đánh hoạn quan. Hoạn quan là một tập đoàn, ngoại thích là một nhân vật (Hà Tiến).

Ngoại thích chiến thắng cũng đồng nghĩa với Hà Tiến độc chiếm đại quyền. Viên Thiệu còn thêm cho bức tranh này một ít màu sắc, bằng cách gọi thêm binh mã từ các địa phương. Hà Tiến cùng với Đinh Nguyên, Đổng Trác, Vương Khuông ở cùng một chỗ sẽ xảy ra chuyện gì? Thật khó nói trước. Có điều, Hà Tiến bị hoạn quan giết, tình thế lại diễn tiến có lợi.

Đổng Trác chiếm đoạt đại quyền, còn phi nghĩa hơn cả Hà Tiến. Viên Thiệu đã có danh nghĩa để chạy ra ngoài, kêu gọi các châu quận khởi binh...

(Mời xem tiếp số sau)

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Chuyện bí ẩn về bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh

Những câu chuyện xung quanh việc sáng tác chung của Đoàn Chuẩn và Từ Linh cho đến nay, vẫn còn là bí mật. (Ảnh: Vàng Son một thuở)
(PLVN) - Trong hầu hết các sáng tác của mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thường ký bút danh Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Về cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh có rất nhiều giai thoại. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không thể giải thích hay làm sáng tỏ được việc viết nhạc và lời của hai ông trong các sáng tác.

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ

Phận đời sầu thương của nhạc sĩ Đỗ Lễ
(PLVN) - Đỗ Lễ được nhiều người biết đến nhờ những bản tình ca buồn như: “Sang ngang”, “Mắt buồn”, “Ngày tạm biệt”... Những lời ca day dứt, đau thương đã vận vào cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa, bạc mệnh này.

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Những tài liệu quý về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Ảnh: Thùy Dương).
(PLVN) - Trong số tài liệu bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), khối tài liệu về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 là một trong những khối tài liệu phản ánh một phần lát cắt của lịch sử dân tộc vẻ vang, hào hùng giữa thế kỷ XX.

Cảm nhận nhạc Đỗ Bảo ở “Khung trời khác”

Cảm nhận nhạc của Đỗ Bảo giản đơn, mộc mạc, nhưng rất sâu lắng và tinh tế (ảnh NVCC).
(PLVN) - Khung trời khác, là cảm nhận của một chàng ca sỹ Hà Nội về những bài hát do chính một nhạc sỹ Hà Nội sáng tác. Vẫn là những ca khúc quen thuộc của nhạc sỹ Đỗ Bảo, nhưng lại rất mới, rất khác so với những bản thu âm mà khán giả từng nghe trước đó.

Còn mãi tiếng 'oanh ca' Ngọc Lan

Cuộc đời của bà cũng mong manh, bạc mệnh như đóa ngọc lan nhỏ bé. (Nguồn: Nhạc vàng online)
(PLVN) - Tháng 3 là mùa trăm hoa đua nở, nhưng cũng là ngày mất đi một danh ca nổi tiếng người Việt Nam mang tên Ngọc Lan. Bà thành danh ở tuổi 30, nhưng “tài hoa bạc mệnh”, người đẹp đã qua đời ở tuổi 45. Hai mươi năm sau ngày mất, nữ danh ca vẫn để lại tiếc nuối không nguôi trong lòng người hâm mộ.

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?

Có gì ở bom tấn “Godzilla x Kong: Đế chế mới”?
(PLVN) - Sau thành công của phần phim “Godzilla Đại chiến Kong”, đạo diễn Adam Wingard và ê-kíp sẽ trở lại trong màn hợp sức của hai siêu quái trong “Godzilla x Kong: Đế chế mới” với một quy mô đồ sộ hơn.