Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Ngụy Diên được La Quán Trung mô tả như một viên đại tướng “hùng tài đại lược” hàng đầu.
Chết bởi... Gia Cát Lượng đố kỵ
Ngụy Diên xuất hiện lần đầu ở Hồi thứ 41 “Lưu Huyền Đức đưa dân qua sông, Triệu Tử Long một ngựa cứu chúa” trong hoàn cảnh: “Lưu Tôn nghe Huyền Đức đến, sợ không dám ra. Sái Mạo và Trương Doãn lên thẳng chòi canh, thét quân sĩ bắn như mưa. Trăm họ ở ngoài thành đều trông lên chòi canh mà khóc.
Bỗng trong thành, có một tướng dẫn vài trăm quân lên thẳng lầu thành quát to: “Sái Mạo, Trương Doãn, những thằng giặc bán nước kia! Lưu sứ quân vốn người nhân đức, nay vì cứu dân đến đây, sao dám chống cự?”. Mọi người nhìn xem ai thì ra là Nguỵ Diên, tự là Văn Tràng, quê ở Nghĩa Dương mình cao tám thước, mặt đỏ như táo chín, mắt sáng tựa sao. Diên múa đao xông đến chém chết tướng sĩ canh cửa, mở toang cửa thành, bỏ cầu treo xuống, gọi to lên: Xin Lưu hoàng thúc mau mang quân vào thành cùng giết những thằng giặc bán nước”.
Qua đó có thể chứng minh đại tướng Ngụy Diên cũng như Triệu Vân đều tìm đến với Lưu Bị lúc ông đang khốn khó nhất. Chỉ có điều lần đó Lưu Bị đang vội chạy nạn nên không gặp được Ngụy Diên. Về sau, ở Trường Sa, nếu Ngụy Diên không giết hôn chủ Hạ Hầu Huyền thì Hoàng Trung đã bỏ mạng, việc Ngụy Diên dâng thành Trường Sa cho thấy ông đã muốn theo Lưu Bị từ lâu.
Tất cả mọi hành động đều chứng tỏ Ngụy Diên là một đại tướng dũng cảm, quyết đoán. Vậy mà Gia Cát Lượng lại có ác cảm với viên đại tướng mặt đỏ mắt sáng ấy, vừa gặp mặt đã muốn giết chết ngay. Sau đó Lưu Bị tự xưng Hán Trung Vương đã sắc phong “Ngũ Hổ đại tướng” và cho Ngụy Diên làm Thái thú Hán Trung.
Hình ảnh Lã Bố trên phim |
Cần chú ý là trong chính quyền Thục Hán khi đó về quan vị, thực tế Ngụy Diên là đại tướng đứng thứ 2, chỉ sau mỗi Quan Vũ . Điều này cho thấy Lưu Bị rất biết nhìn người, dùng người. Để bổ nhiệm Ngụy Diên vào chức vụ quan trọng đó, nhất định Lưu Bị đã tranh cãi kịch liệt với Gia Cát Lượng, nhưng bất chấp sự phản đối của Gia Cát, ông vẫn tin dùng Ngụy Diên.
Lưu Bị vốn thường nghe theo kế sách của Gia Cát Lượng, việc lần này ông kiên quyết giao trọng trách cho Ngụy Diên mặt nào đó đã chứng minh năng lực của Ngụy Diên. Một điều nữa, Hán Trung có vị trí đặc biệt trọng yếu, Lưu Bị tuyệt đối yên tâm về Ngụy Diên nên mới trao cho ông chức Thái thú.
Trong lúc đó, “Ngũ Hổ tướng” ở những đâu? Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu, là “phong cương đại quan”; Trương Phi giữ Lãng Trung, không phải nơi xung yếu, bốn bề là núi, 3 mặt là sông, dễ thủ khó công; Triệu Vân thì giao trấn thủ Miên Trúc (Đức Dương ngày nay) cũng là nơi chả có gì là quan trọng vì muốn đến được đó phải qua các ải Tân Đồng, Dương Bình đều đã có trấn giữ. Còn Mã Siêu và Hoàng Trung đều ở Thành Đô. Khi đó nếu Thục Hán có xảy ra sự kiện đột phát thì chỉ có hai tướng Quan Vũ và Ngụy Diên có quyền điều binh.
Thế nhưng một nhân vật lợi hại như thế vẫn liên tục bị Gia Cát Lượng bài xích, đè nén, đến mức về sau có lúc sinh ra tâm trí thất thường. Tuy nhiên khi ở thời khắc quan trọng, Ngụy Diên vẫn lớn tiếng chửi giặc Tào, không chịu đầu hàng. Sau khi Gia Cát Lượng chết, ông chỉ định giết Dương Nghi chứ không định đầu hàng, nhưng Ngụy Diên đấu không lại được với Gia Cát Lượng, phải bỏ mạng dưới lưỡi đao oan nghiệt của người đồng liêu Mã Đại…
Chết oan vì ...cứu nhầm Lưu Bị
Xem hồi thứ 19 “Thành Hạ Phì, Tào Tháo dùng binh; Lầu Bạch Môn, Lã Bố tuyệt mệnh”. Khi Lã Bố bị thủ hạ làm phản bắt nộp cho Tào Tháo rồi bị Tào Tháo giết trước mặt Lưu Bị. Trước đó, Lã Bố có ngỏ lời trách Lưu Bị: “Ông là khách trên ghế, tôi là tù dưới thềm, sao không nói giúp cho một lời?”, Lưu Bị gật đầu, nhưng khi Tào Tháo hỏi Lưu Bị có nên tha Lã Bố hay không thì Lưu Bị lại nhắc lại chuyện Lã Bố phản bội Đinh Kiến Dương và Đổng Trác, hàm ý bảo Tào Tháo nên giết. Lã Bố uất quá mắng Lưu Bị: “Thằng này thật bất tín! Quên mất công tao bắn kích ở Viên Môn rồi à?”
Trương Cáp |
Chỉ trách Lã Bố xưa không nên bắn kích cứu Lưu Bị để rồi nay lại bị họ Lưu mượn tay Tào Tháo sát hại. Chỉ một câu nói của Lưu Bị đã đủ Lã Bố toi đời khi tuổi mới ngoài 40.
Chết bởi Tư Mã Ý... mượn tay
Trong hồi thứ 101 “Ra Lũng Thượng, Gia Cát giả làm thần; Vào Kiếm Các, Trương Cáp bị trúng kế” kể chuyện Gia Cát Lượng ra Kỳ Sơn lần thứ 5 bị bại trận, Trương Cáp muốn đuổi theo, Tư Mã Ý lúc đầu can ngăn, nhưng Trương Cáp quyết tâm nên cho ông đơn độc mang quân truy kích, kết quả trúng kế mai phục.
Xét bề ngoài, đây là do lỗi của Trương Cáp quyết làm theo ý mình, chết cũng đáng; kỳ thực chính là Tư Mã Ý đã mượn tay Gia Cát Lượng để trừ bỏ Trương Cáp. Lý do là: thứ nhất, khi đó Tư Mã Ý đã nhìn thấu quỷ kế của Gia Cát Lượng, biết nếu đuổi theo tất trúng bẫy mai phục; khi đó Ý đang nắm quân quyền tuyệt đối, hoàn toàn có thể ra lệnh cấm truy đuổi; thứ hai, Trương Cáp là danh tướng của Ngụy, đã nhiều lần đánh bại Trương Phi, Ngụy Vương chưa bao giờ chê trách, Trương Cáp luôn tuyệt đối trung thành với Tào Ngụy, qua 3 đời họ Tào nắm quyền, Trương Cáp đều được tin tưởng tuyệt đối. Không khó để phân tích: nếu Trương Cáp không chết thì âm mưu thoán quyền của Tư Mã Ý khó mà thực hiện được. Trong số các tướng Ngụy khi đó, chỉ có Trương Cáp là trở ngại lớn nhất cho Ý nên rõ ràng ông đã bị chết một cách oan ức bởi “người nhà” là Tư Mã Ý.
Văn Sú trong phim Tam Quốc |
Mất mạng vì trúng tà?
Tại hồi thứ 26 trong “Tam Quốc diễn nghĩa” “Viên Bản Sơ hao binh tổn tướng; Quan Vân Trường treo ấn gói vàng”. Văn Sú thực lực không thua kém Nhan Lương, do sốt ruột vì muốn báo thù cho người anh em, Văn Sú đã tự dẫn quân xông đến trước trận, một mình đánh với cả Trương Liêu, Từ Hoảng mà vẫn thắng. Điều đó cho thấy thực lực của Văn Sú mạnh đến mức các tướng giỏi của Tào cũng đánh không lại.
Thế nhưng sau đó lại bị Quan Vũ dễ dàng chém chết khi đuổi theo. Đó là chuyện viết trong sách. Còn trong thực tế, Văn Sú một mình đánh với 2 tướng Tào, không hề sợ hãi, càng đánh càng hăng. Dù thế nào cũng không thể như La Quán Trung mô tả: vừa gặp Quan Vũ đánh chưa được ba hiệp đã thấy núng thế liền quay ngựa chạy.
Ngựa Xích Thố chạy quá nhanh, sấn kịp ngay sau lưng Văn Sú; Quan Vũ đưa một nhát đao, Văn Sú chết ngay dưới chân ngựa. Tổng hợp tất cả các nhân tố, có thể nói Văn Sú giống như trúng tà, chết một cách oan uổng.
Nhan Lương trong phim Tam Quốc |
Chết vì chủ quan nghe lời Lưu Bị
Hồi thứ 25, nếu chỉ xem qua hẳn nhiều bạn đọc “Tam Quốc diễn nghĩa” đều cảm thấy danh tướng Hà Bắc Nhan Lương “danh bất như thực” bởi bị Quan Vũ lấy đầu quá dễ. Kỳ thực trước đó, Nhan Lương đã xung trận chém chết hai tướng Tào là Tống Hiến, Ngụy Tục, đều từng là những danh tướng dưới trướng Lã Bố, tài năng không thua kém Trương Liêu; sau đó Từ Hoảng xuất trận đánh với Nhan Lương chưa được 20 hiệp đã thua chạy.
Cần biết, khi lần đầu tiên quân Tào Tháo gặp Từ Hoảng, Hứa Chử đã đánh suốt 50 hiệp mà bất phân thắng bại. Qua đó có thể thấy Nhan Lương thuộc hàng dũng tướng hiếm có thời Tam Quốc, tuyệt đối không thể loại người bị Quan Vũ chém chỉ sau một vài đường đao.
Trong sách có viết: trước khi Nhan Lương xuất trận, Lưu Bị khi đó đang ở trong quân Viên Thiệu có dặn: nếu gặp tướng mặt đỏ râu dài thì chính là nhị đệ của tôi, ông chỉ cần vẫy tay, Quan Vũ sẽ đầu hàng…Kết quả Nhan Lương không hề phòng bị nên đã bị Quan Vũ xộc đến chém, chết không nhắm được mắt. Hiển nhiên, Nhan Lương đã chết oan bởi tin lời Lưu Bị.
Tuy nhiên, những miêu tả trong sách cũng chỉ là thủ pháp của La Quán Trung muốn dùng cái chết của Nhan Lương cũng như Văn Sú để nâng tầm Quan Vũ mà thôi.
Phan Phụng |
Bỏ mạng vì chủ... tiến cử bừa
Trong hồi thứ 5, khi Tào Tháo khởi binh thảo phạt Đổng Trác, Hoa Hùng đến khiêu chiến, tướng của Viên Thuật là Du Thiệp xin ra, đánh được 3 hiệp đã bị chém chết. Các tướng đều sợ hãi, Thái thú Ký Châu Hàn Phức nói: “Tôi có Thượng tướng Phan Phụng có thể chém được Hoa Hùng”.
Phan Phụng vác búa xông ra, được một lát đã bị Hoa Hùng chém chết. Theo phân tích, có lẽ Phan Phụng tự biết mình không phải đối thủ của Hoa Hùng nên đã không chủ động xin ra đánh, nhưng do chủ tiến cử nên đã sớm bỏ mạng.
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” thường là khi quân hai bên dàn trận, chủ soái thường hỏi ai có thể ra nghênh địch. Có thể Phan Phụng khi bị điểm tên cũng rất hoảng, nhưng khi chủ đã ra lệnh thì biết chết cũng phải xông ra. Ông chết oan vì chủ không biết năng lực của thuộc hạ; nhưng cũng có thể thường ngày Phan Phụng huênh hoang quá mức về tài cán của mình, nếu thế thì chết không oan.../.