Choáng váng khi so sánh giá nguyên liệu với sữa thành phẩm
Khảo sát trên thị trường, có thể thấy mức chênh lệch khác biệt về giá khi so sánh giữa giá nguyên liệu với sữa thành phẩm.
Qua đó, một thực tế, sữa nội – ngoại được tiêu thụ nhiều nhất trên thị trường Việt Nam là sữa nước gồm: Sữa tiệt trùng, được lấy bằng sữa tươi từ nguồn bò sữa trong nước và loại sữa thanh trùng.
Thứ 2 là sữa hoàn nguyên được pha chế từ sữa bột nhập khẩu. Dòng sữa hoàn nguyên chiếm phần lớn sản phẩm của các hãng sữa. Bởi hiện tại, Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% thị phần cung ứng nguyên liệu, hơn 70% nguyên liệu là nhập khẩu từ nước ngoài
Một thực tế, các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước đi theo hướng nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài về để sản xuất các nhãn hàng sữa nước hoàn nguyên
Theo báo giá từ tổ chức thương mại sữa toàn cầu, tổ chức đấu giá sữa quốc tế- Global Dairy Trade cho thấy, từ tháng 1/2014 đến nay, giá sữa liên tục giảm, thậm chí có thời điểm giá sữa bột giảm kỷ lục. Cụ thể giá tháng 1/2014 là 5.000 USD/tấn, trong tháng 1/2015 xuống dưới 2.500 USD/tấn.
Thời điểm này, sữa bột còn hơn 2.200 USD/tấn so với 4.500 USD/tấn cùng thời điểm trong năm 2014.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số cửa hàng sữa trên phố Tây Sơn, Chùa Bộc, Đội Cấn (Hà Nội), bước đầu ghi nhận cho thấy các DN đã thực hiện việc giảm giá sữa, nhưng mức giảm khá thấp.
Cụ thể: đối với sản phẩm của Công ty TNHH Mead Jonhson Nutrition Việt Nam: sữa Enfamil A+1 3600 Brain Plus loại 400 gram mức giá mới khoảng 223.343 đồng/hộp giảm 1% so với mức cũ. Tương tự, loại 900 gram giảm gần 1%. Đối với Enfamil A+2 3600 Brain Plus loại 400 và 900 gram mức giảm gần 0,99%.
Cụ thể: đối với sản phẩm của Công ty TNHH Mead Jonhson Nutrition Việt Nam: sữa Enfamil A+1 3600 Brain Plus loại 400 gram mức giá mới khoảng 223.343 đồng/hộp giảm 1% so với mức cũ. Tương tự, loại 900 gram giảm gần 1%. Đối với Enfamil A+2 3600 Brain Plus loại 400 và 900 gram mức giảm gần 0,99%.
Như vậy, thể thấy giá nguyên liệu đầu vào hiện nay so với những thời điểm trước đó đang ở mức thấp. Tuy nhiên, thực tế giá sữa trên thị trường trong nước vẫn ở mức rất cao.
Giá sữa trẻ em giảm từ 0,4 đến 4% là không hợp lý?
Tại một cuộc hội thảo, một đại diện lãnh đạo cục Thuế xuất nhập khẩu cho hay: giá một số sản phẩm sữa bột sau thông quan rơi vào khoảng từ 4-5 USD/hộp (tương đương với mức 80.000 - 100.000 đồng). Còn giá bán lẻ trên thị trường thực tế qua khảo sát là từ 20 - 25 USD/hộp (tương đương 400.000 - 500.000 đồng), tức là gấp 5 lần so với giá nhập khẩu. Chẳng hạn sữa Ensure nhãn vàng hộp 900g của hãng sữa Abbot, được bán với giá 700.000 đồng.
Tuy nhiên, vị này cũng đưa ra một hướng lý giải về mức chênh lệch này: Việc giá sữa bán lẻ cao gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu vì giá nhập khẩu chỉ là một yếu tố cấu thành giá sản phẩm. Bởi trên thực tế, sau khi làm thủ tục nhập khẩu và thông quan, còn rất nhiều chi phí phát sinh tiếp theo cho đến khi sữa được bán đến tay người tiêu dùng. Cơ quan hải quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ quản lý giá nhập khẩu cho đến khi hàng hóa được thông quan.
Trước đó, ngày 23/4, Cục Quản lý giá đã công bố thêm 42 sản phẩm sữa cho trẻ em tiếp tục được giảm giá. Trong đó, có 25 sản phẩm của Cty TNHH phân phối Tiên Tiến (nhà phân phối Mead Johnson Nutrition Việt Nam) đăng ký tại Bộ Tài chính, 11 sản phẩm của Vinamilk và 6 sản phẩm của Cty TNHH Danone Việt Nam đăng ký tại Sở Tài chính TPHCM.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: "Trong một năm qua, giá nguyên liệu đầu vào giảm 50 %, chi phí phục vụ cho quảng cáo theo quy định đối với sản phẩm sữa cũ là 10%, sản phẩm sữa mới là 15 %. Tuy nhiên trên thực tế, điều tra một số doanh nghiệp lớn tháng 4/2014, chi phí dành cho quảng cáo sữa là 386 tỷ đồng tương đương với 20 %. Theo nghị định 100 của Chính phủ vừa ban hành có hiệu lực từ ngày 1/3, loại bỏ các chi phí quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Như vậy, giá sữa chỉ giảm từ 0,4 đến 4% là không hợp lý”./.