Ảnh minh họa |
Hạt gạo thu về 3,5 tỷ USD
Ông Phạm Văn Bảy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến tháng 10 cả nước đã xuất khẩu 6.319.000 tấn gạo, thu về hơn 3 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và tăng gần 24% về giá trị. Dự kiến cả năm 2011, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,5 tỉ USD. Từ đầu năm tới nay, giá thu mua lúa bình quân là 6.280 đồng/kg, tăng cao so với trước đây, VFA nhận định, giá lúa sẽ tiếp tục giữ ở mức cao cho đến cuối năm. Hiệp hội này đã chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) tiếp tục thu mua lúa vụ thu đông và vụ mùa.
“Bà con hỏi nhiều về nhận định giá lúa gạo sắp tới, rất khó nói, bởi hiện nay, gạo 5% tấm của Thái Lan có giá 585-595 USD/tấn, tồn kho 100 triệu tấn; Ấn Độ bán gạo “giá rất bèo” 450-470 USD/tấn; gạo Việt Nam có giá 570-575 USD/tấn.
Gạo Việt Nam có những thị trường truyền thống rất ổn định, như Philippin, Indonesia, Bangladesh, Cuba…, tuy nhiên trong tình hình xuất khẩu gạo có nhiều diễn biến phức tạp, chúng ta vẫn phải theo dõi sát tình hình thu mua của Thái Lan và Ấn Độ (đặc biệt gạo thường). Ấn Độ bán gạo sang thị trường châu Phi với giá rất rẻ, chênh lệch khoảng trên 100 USD/tấn so với gạo của Việt Nam.
Đồng thời, chúng ta phải lưu ý, tồn kho của Ấn Độ hiện lên đến trên 20 triệu tấn gạo. Về kế hoạch, dự kiến, năm 2012, chúng tôi sẽ xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn gạo; ký hợp đồng cho đầu năm 2012 từ 600-800 nghìn tấn gạo và phải chuẩn bị dự trữ trong kho 800 nghìn -1 triệu tấn…”- ông Bảy cho biết.
VFA khuyến cáo bà con nông dân, trong thời gian tới nên xuống giống sớm, thu hoạch nhanh sẽ được giá. Dự kiến giá lúa gạo vẫn đứng giá cao, nhưng về dài hạn, “vụ hè thu chưa thể nói trước được”. Bên cạnh đó, ông Bảy khẳng định VFA sẽ tiếp tục bình ổn giá gạo, đảm bảo không để sốt giá vào dịp tết và đầu năm 2012. Hiệp hội này đề nghị Bộ Công thương xúc tiến sớm ký thỏa thuận với phía Indonesia, nâng lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này lên 1,5 triệu tấn /năm.
Nông dân vui, DN buồn?
Dù còn nhiều ý kiến thận trọng, nhưng nhận định chung là tình hình xuất khẩu gạo đang biến động theo chiều hướng thuận lợi cho Việt Nam. Người nông dân các tỉnh miền Tây đang vui mừng với việc trúng mùa lúa thu đông, giá bán cũng cao nhất từ trước đến nay. Nhiều vùng lúa ở Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Long An, nông dân vừa chở lúa tươi loại thường lên mặt lộ đê bao là có ngay thương lái mua với giá 6.800 đến trên 7.000 đồng/kg. Các loại lúa thơm được thu mua với mức giá cao hơn: 9.500 – 10.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, DN xuất nhập khẩu lúa gạo lại tỏ thái độ kém vui, cho rằng có hiện tượng tích trữ chờ giá tăng. Trong cuộc họp mới đây, giới DN xuất khẩu gạo than thở, giá lúa gạo nội địa đang cao hơn giá xuất khẩu nên giao dịch thương mại bị đóng băng. Thời điểm này, chỉ có đơn vị nào còn hợp đồng tập trung mới tổ chức thu mua, còn lại hầu như phải ngưng hoạt động. “Do giá tăng cao, khách hàng “nghe ngóng” chờ giá giảm, nên DN đành phải ngưng mua một thời gian chờ xem thị trường thế nào”- Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu cho biết.
Ông Nguyễn Thành Biên- Thứ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị các cơ quan chức năng và các phương tiên thông tin đại chúng đừng vội đưa ra nhận định giá lúa gạo sẽ “tăng vọt”. Thứ trưởng Biên lý giải, thị trường đang có nhưng diễn biến phức tạp, cần có sự phối hợp giữa các Bộ NN&PTNN, Công thương, Tài chính mới có thể đánh giá, nhận định giá gạo sát với tình hình thực tế.
Về kiến nghị của VFA, ông Biên thông tin, hiện Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Công thương Indonesia đã có thỏa thuận cung cấp gạo lên 1,5 triệu tấn/năm. Sắp tới, lãnh đạo hai Bộ sẽ chính thức ký kết. Tuần vừa rồi, Bộ Công thương đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, cho phép Tcty Lương thực Miền Nam là đầu mối bán gạo vào thị trường Malaysia.
Thông tin từ VFA cho biết, đến nay đã có 125 DN được cấp giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó, có 73 DN thuộc VFA, 52 DN ngoài VFA (trong đó có 29 DN lần đầu tiên tham gia xuất khẩu gạo). |