Tòa án nhân dân thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “bắt giữ người trái pháp luật”. Bị cáo trong vụ án là một người phụ nữ, 55 tuổi, ngụ tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trước khi có hành vi vi phạm pháp luật, bị cáo là một người phụ nữ đơn thân, một mình nuôi hai đứa con. Bị cáo là người trông con thuê cho bị hại, với mức tiền công là 100 nghìn đồng/1 ngày.
Bị cáo vốn là người giữ con thuê cho bị hại, mối quan hệ giữa hai bên ngày càng thân thiết, nên bị hại mượn tiền, vàng của bị cáo. Sau này, do không có chổ ở ổn định, nay đây mai đó, nên bị hại không gửi con ở chổ bị cáo nữa. Mà số tiền bị hại mượn bị cáo, thì mãi vẫn không chịu trả. Bị cáo nhiều lần đòi nợ, nhưng bị hại không trả, đồng thời còn lẫn tránh.
Chiều hôm đó, trong lúc đi chợ Đông Ba (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), bị cáo bắt gặp bị hại đang bế con ở đây. Bị cáo liền đòi nợ, nhưng bị hại vẫn tỉnh bơ trả lời “chưa có tiền trả”. Bị cáo bức xúc, yêu cầu bị hại về nhà mình để nói chuyện. Bị hại miễn cưỡng đi theo về nhà.
Khi về nhà, bị cáo liền bế con bị hại sang nhà người thân bên cạnh để nhờ trông giúp. Bị cáo khóa cổng lại và tiếp tục đòi nợ. Bị hại lại “trơ” mặt, tiếp tục bảo chưa có tiền.
Bức xúc vì bị hại mượn tiền đã lâu nhưng vẫn chưa chịu trả, thấy bị hại cầm điện thoại để gọi điện nên bị cáo liền giật lấy, ném xuống nhà, đồng thời dùng tay đánh một cái vào mặt bị hại (không gây thương tích). Trong cơn giận dữ, bị cáo đã kéo bị hại ra trói vào hàng rào trước nhà, đe dọa, đồng thời cắt tóc của bị hại. Công an phường nhận được tin báo của người dân địa phương đã cấp tốc đến hiện trường, thuyết phục, yêu cầu bị cáo bỏ kéo xuống, mở cổng nhà.
Chưa ý thức được hành vi của mình là trái pháp luật, bị cáo tiếp tục hành vi vi phạm pháp luật của mình. Bị cáo bế cháu bé con của bị hại về nhà mình, khóa cổng, khóa cửa nhà, chửi bới và không cho bị hại tiếp cận con. Lực lượng công an thành phố Huế đến vận động, thuyết phục giao cháu bé cho công an nhưng bị cáo không chịu, vẫn giữ cháu bé, la hét, thách thức lực lượng chức năng, đòi bị hại phải trả đủ số tiền, vàng đã mượn mới thả cháu bé. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng lực lượng chức năng đã khống chế được bị cáo, giải cứu cháu bé.
Tại buổi xét xử, chủ tọa phiên tòa đã phân tích, bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, phải biết và nhận thức được rằng, mọi hành vi xâm phạm quyền tự do của người khác một cách trái pháp luật đều bị pháp luật nghiêm cấm và trừng trị. Đáng ra, để đòi lại khoản tiền, bị cáo nên lựa chọn khởi kiện bằng pháp luật dân sự, chứ không phải tiến hành bắt giữ, đe dọa bị hại và con của bị hại. Đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, trực tiếp xâm phạm đến quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân được pháp luật bảo vệ.
Chủ tọa phiên tòa cũng “nhắn nhủ” những người dự khán, vụ án là lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi người luôn phải chấp hành đúng pháp luật, đừng để xảy ra những điều đáng tiếc, đau lòng không thể vãn hồi.
Tuy nhiên, tòa cũng xem xét nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo là do bị hại nợ tiền. Mặc dù bị cáo đã nhiều lần yêu cầu trả tiền, nhưng bị hại không những không trả mà còn cố tình trốn tránh việc trả nợ làm cho bị cáo bức xúc. Bị cáo không có trình độ học vấn, là người không biết chữ (bị hại cũng không biết chữ), không được học hành đầy đủ nên nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế, do đó hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét cho bị cáo khi quyết định hình phạt. Bị cáo còn được xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác như: có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị hại có yêu cầu xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo…
Tuy nhiên, do bị cáo đã phạm vào tội “bắt giữ người trái pháp luật” với tình tiết tăng nặng định khung hình phạt là phạm tội đối với 2 người trở lên và phạm tội đối với người dưới 18 tuổi (cháu bé con bị hại), do đó phạt bị cáo 2 năm tù. Nghe mức án, hai mắt bị cáo bỗng chốc đỏ hoe. Nước mắt cứ lăn dài trên gò má sạm nắng. Nhưng dù có ân hận mấy, cũng đã muộn.