Là doanh nghiệp FDI thuộc “thế hệ đầu tiên” vào Việt Nam, đã báo lỗ tới gần 20 năm trong suốt thời gian hoạt động, mới đây, Cty Hualon Corporation (100% vốn nước ngoài từ liên doanh Malaysia, Đài Loan và British Virgin Island, hiện đang hoạt động tại KCN Nhơn Trạch 2, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, chuyên về sản xuất sợi và dệt vải) mới bị cơ quan chức năng phát hiện là một “đại gia” chuyển giá “khủng”.
Theo báo cáo của cơ quan thuế, thậm chí có trường hợp doanh nghiệp này kê khai đã nhập khẩu một bộ dây chuyền dệt vải từ bên liên kết nước ngoài với giá gần 16 triệu USD, tuy nhiên, sau đó bộ dây chuyền này được bán cho công ty khác với giá thấp hơn tới 40 lần, khoảng 400.000 USD.
Một “đại gia” chuyển giá “khủng” khác là Keangnam. Sau 5 năm vào Việt Nam, báo lỗ liên tục, mới đây “đại gia” Hàn Quốc đã “lộ sáng” hành vi vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng. Keangnam đã bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 95,2 tỷ đồng.
Đủ chiêu “rút lõi”
Thực tế cho thấy, chuyển giá chỉ có ý nghĩa đối với các giao dịch được thực hiện giữa các chủ thể có mối quan hệ liên kết, nên tất yếu trong quá trình toàn cầu hóa sẽ ngày càng có nhiều sự đa dạng và tinh vi hơn về thủ thuật chuyển giá.
Hành vi chuyển giá được nhận diện dưới hình thức doanh nghiệp thực hiện khai thuế tại những nơi có mức thuế thấp nhất để hưởng lợi nhờ chênh lệch mức thuế. Các công ty thường khai thuế theo cơ sở “hạch toán toàn ngành” tại nơi nào có mức thuế thấp nhất trong số các địa phương có trụ sở, chi nhánh hoặc nơi bán hàng của công ty; tăng chi phí khấu hao, giảm thu nhập chịu thuế trên cơ sở nâng giá trị tài sản cố định, máy móc, thiết bị hoặc giá trị chuyển giao các tài sản vô hình như công nghệ, bí quyết kỹ thuật, bản quyền, nhãn mác, kỹ thuật quản lý điều hành và các dịch vụ khác trong góp vốn đầu tư.
Theo kết quả kiểm tra mới đây của Bộ Công Thương, ít nhất 40 liên doanh đã sử dụng chiêu thức đơn giản này. Ví dụ, Cty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (BGI) định giá dây chuyền sản xuất bia của liên doanh BGI ở Tiền Giang là 30,85 triệu USD, nhưng sau đó công ty chuyên về giám định SGS thẩm định lại chỉ còn 23,55 triệu USD.
Các doanh nghiệp sẽ chịu lỗ hình thức nhằm làm giảm thu nhập chịu thuế và giảm số thuế phải nộp trên cơ sở nâng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nâng lãi suất, chi phí vay vốn, khai tăng chi phí trả lương, đào tạo, chi phí quảng cáo, bán hàng nhằm tăng chi phí, tăng giá thành, hoặc hạ giá bán sản phẩm đầu ra (thậm chí với giá thấp hơn giá thành sản xuất) cho một công ty liên kết trong nội bộ của tập đoàn, hoặc giữa hai công ty độc lập về hình thức pháp lý, nhưng hạch toán nội bộ chung. Trường hợp này thường xảy ra khi công ty mẹ hoặc công ty liên kết bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận phát sinh vào những doanh nghệp hiện đang hưởng chế độ ưu đãi thông qua các mối giao dịch liên kết.
Tầm soát gian lận
Đấu tranh với tình trạng này, Bộ Tài chính đã phê duyệt Chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012- 2015. Theo Tổng cục Thuế, từ năm 2013 Việt Nam bước đầu áp dụng thí điểm cơ chế thỏa thuận trước về xác định giá (APA) như giải pháp hữu hiệu trong chống chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI.
APA là thỏa thuận trước giữa cơ quan thuế và người nộp thuế về cơ sở tính thuế và phương pháp xác định giá trong các giao dịch. Theo đó, doanh nghiệp lỗ hay lãi thì khoản thuế phải nộp là không đổi theo mức giá tính thuế được thỏa thuận từ trước. Cơ chế này mới được áp dụng từ ngày 1/7 theo quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
Tuy nhiên, các chuyên gia ngành Thuế cho rằng, để sử dụng APA một cách hiệu quả, Việt Nam cần tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu để nắm rõ thông tin về hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, quy định doanh nghiệp cư trú hay không cư trú, nâng cao năng lực phân tích thị trường để có cơ sở đưa ra giá thỏa thuận hợp lý, khả thi.