Công ty Twitter Inc- một dịch vụ mạng xã hội trực tuyến- hôm 7/4 đã thành công trong việc từ chối cung cấp thông tin người dùng của tài khoản có tên @ALT_uscis - tài khoản thường xuyên chế giễu, chỉ trích các chính sách nhập cư của ông Trump.
Chính phủ Mỹ đã thu hồi một công văn mà cơ quan hải quan gửi đến Twitter hồi tháng 3 vừa qua yêu cầu công ty cung cấp danh tính của tài khoản này ngay sau khi Twitter đệ đơn kiện buộc tội Chính phủ vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ về tự do ngôn luận.
Vụ việc này đã vạch trần việc chính phủ Mỹ sử dụng quyền hạn để yêu cầu các công ty công nghệ cung cấp thông tin người dùng mà đôi khi không bị tòa án giám sát, cũng như tạo lập những phương thức bí mật ngăn không cho công chúng biết được Chính phủ đang tìm kiếm điều gì.
Twitter nhận được công văn yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng từ bộ phận điều tra tham nhũng và hành vi sai phạm thuộc Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP). Tuy vậy, ngay cả khi công văn này bị thu hồi, vẫn có một số nhà lập pháp thắc mắc về hành động của CBP.
Trong bức thư gửi đến Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ John Kelly hôm 7/4, hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa là Cory Gardner ở bang Colorado và Mike Lee ở bang Utah đã viết rằng: “CBP phải đảm bảo được rằng bất cứ cuộc điều tra hợp pháp nào cũng không thể coi nhẹ quyền tự do ngôn luận được ghi trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ”.
Các thượng nghị sĩ còn hỏi liệu rằng CBP đã bao giờ yêu cầu một công ty tư nhân tiết lộ danh tính khách hàng chỉ dựa vào “lời nói phi hình sự” hay chưa. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ron Wyden của bang Oregon đã yêu cầu một cuộc điều tra xem liệu rằng các đặc vụ hải quan có vi phạm luật pháp hay không, bởi họ đã có hành động trả đũa một nghị sĩ chuyên đưa ra những lời chỉ trích ở trong đảng này. Một quan chức hôm 7/4 cho hay Bộ An ninh Nội địa đang lên kế hoạch phản hồi trực tiếp đến các thượng nghị sĩ này.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về luật bảo mật, Nhà Trắng có thể thu thập thông tin từ các công ty Internet mà không cần sự chấp thuận của tòa án bằng cách sử dụng Đạo luật Bảo mật thông tin điện tử (ECPA). Các cơ quan hành pháp, chẳng hạn như Cơ quan thuế vụ Mỹ, có thể đưa ra các đề nghị yêu cầu cung cấp thông tin người tiêu dùng. Các công tố viên cũng có thể yêu cầu bồi thẩm đoàn tiến hành điều tra tội phạm để ban hành một trát hầu tòa.
Theo luật sư Paul Ohm thuộc Đại học Georgetown, một cơ quan có thể cáo buộc một tài khoản Twitter là lừa đảo và yêu cầu được cung cấp thông tin về tài khoản sử dụng biểu tượng logo của cơ quan này. Tương tự như vậy, một công tố viên cũng có thể yêu cầu bồi thẩm đoàn ban hành một lệnh triệu tập khi cho rằng một nhân viên liên bang, bị nghi ngờ là người ẩn danh chuyên chỉ trích chính quyền, đang thực hiện hành vi lạm dụng nguồn lực của Chính phủ.
Andrew Crocker, luật sư của Tổ chức Biên giới Điện tử (EFF), cho biết: “Điều quan trọng cần ghi nhớ là quyền hạn điều tra của Chính phủ có mức độ ghê gớm như thế nào”. Với trường hợp của tài khoản @ALT, Twitter cho biết họ không có ý định giữ bí mật về đề nghị của Chính phủ, đồng thời đã thông báo cho chủ tài khoản này biết về yêu cầu đó. Chủ tài khoản này sau đó đã tìm kiếm một đại diện pháp lý cho mình tại Hiệp hội Công dân Mỹ (ACLU).
Sau khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2017, những người dùng Twitter vô danh đã mượn tên và biểu tượng logo của hơn một chục cơ quan Chính phủ Mỹ. Họ đã thách thức quan điểm của ông Trump về vấn đề biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác, đồng thời tự gọi những tài khoản của mình là “alt”. Twitter cũng đã từ chối những yêu cầu của Chính phủ Mỹ trong việc tiết lộ danh tính những người hay chỉ trích ông Trump này…