Công ty quản lý bến xe Hà Nội cho biết, đã có 10 doanh nghiệp (DN) vận tải gửi hồ sơ thông báo tăng giá vé xe khách trong đợt cao điểm Tết Quý tỵ 2013, với mức tăng đồng loạt từ 50% - 60%, các nguyên nhân được viện ra là do “chi phí quá cao như xăng dầu, trạm phí, rồi tiền mãi lộ, biếu xén...”
Giá vé tăng nhưng không doanh nghiệp nào dám đoán chắc không để xảy ra tình trạng nhồi nhét khách. Ảnh minh họa |
Theo thông tin từ Công ty quản lý bến xe Hà Nội, các tuyến sẽ tăng giá vé trong dịp Tết gồm: Hà Nội – Thanh Hóa (50%), Hà Nội – Ninh Bình (50%), Hà Nội – các huyện Ninh Bình (57%), Hà Nội – Buôn Ma Thuột (60%), Hà Nội - Đà Lạt (60%), Hà Nội - Vinh (60%), Hà Nội - Nghệ An (59%). Thời gian áp dụng vé tết của các tuyến Hà Nội - Ninh Bình từ ngày 26/1 đến ngày 24/2 (tức là từ 15 tháng Chạp đến 13 tháng Giêng), các tuyến còn lại sẽ tăng từ ngày 01/2 đến 21/02 (từ 21 tháng chạp đến 12 tháng Giêng), Riêng tuyến đường dài đi Đà Lạt, Buôn Mê Thuột thời gian bắt đầu tăng và kết thúc chậm hơn khoảng 6 ngày.
Dù ở các bến xe Phía Nam, chương trình tăng vé xe vào các dịp lễ tết đã trở thành thông lệ từ lâu, nhưng ở phía Bắc thì đây vẫn là chuyện “nhạy cảm” vì liệu trả giá vé cao thì khách hàng có thoát được cảnh bị nhồi nhét và được phục vụ chu đáo hơn không? Nhà xe có cam đoan tăng vé là tăng chất lượng phục vụ hay đây chỉ cách “chặt chém” hợp lý trong dịp làm ăn cuối năm? Tính trung bình cho đợt tăng vé này, hành khách sẽ phải trả giá vé ở mức 1.000 đồng/km.
Việc tăng giá vé trong điều kiện kinh tế người dân không khấm khá gì, thưởng tết bị cắt giảm, nhiều DN còn nợ lượng nhân viên tất sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại của người dân. Những năm trước đây, kinh tế chưa khó khăn mà các DN vận tải cũng chỉ đăng ký tăng từ 20 -30% giá vé so với ngày thường, và giá vé tết cũng chỉ áp dụng trong những ngày thật sự “nóng” của cả tháng cao điểm.
Theo lý giải của các DN vận tải, việc tăng giá vé từ 50 -60% vào dịp tết là điều tất yếu, mục đích để có thêm phí phụ thu bù lỗ cho một chiều chạy rỗng. Cách làm này đã được các DN ở phía Nam áp dụng từ nhiều năm nay.
Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Đàm Văn - Giám đốc Công ty du lịch Văn Minh cho hay, giá vé của DN vẫn không thay đổi cho dù là dịp tết hay lễ hội. Ngày tết ai cũng muốn về quê đoàn tụ cùng với người thân, nên DN luôn tạo điều kiện tốt nhất cho mọi người đoàn tụ cùng gia đình. Đây cũng là dịp để DN bày tỏ tình cảm, tri ân với khách hàng đã gắn bó với họ trong cả một năm, vì thế chủ trương của công ty là không tăng giá vé vào dịp tết mà tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, giữ an toàn cho hành khách. “Chúng tôi chấp nhận lỗ hàng tỷ đồng trong dịp tết này để phục vụ công chúng đi lại và bảo đảm không tăng vé” – ông Văn nói.
Về công tác bảo đảm trật tự ATGT và an toàn xã hội nhân dịp Tết Nguyên đán Quý tỵ 2013, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh, Bộ tiếp tục chỉ đạo các ngành đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy tăng cường công tác đảm bảo ATGT, chuẩn bị đầy đủ phương tiện phục vụ việc đi lại của nhân dân chu đáo, đảm bảo không để hành khách nào nhỡ tàu, nhỡ xe cũng như việc phối kết hợp với các lực lượng, các ngành chức năng để đảm bảo trật tự ATGT, phấn đấu giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.
“Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức vận chuyển hành khách, hàng hóa thông suốt, kịp thời trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và tăng cường kiểm soát chặt chẽ tại các bến tàu, bến xe, nơi tập trung hành khách đi lại để bảo đảm tối đa yêu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa và an ninh trật tự trong dịp tết; yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi chèn ép hành khách, nạn đầu cơ vé tàu, vé xe; thường xuyên bố trí lực lượng tại các địa bàn, vị trí giao thông trọng điểm để khắc phục ngay tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, xử lý nghiêm các vi phạm trật tự ATGT trong dịp tết” (Theo Công điện của Thủ tướng đôn đốc đảm bảo ANTT, ATGT trong dịp tết) |
Tuấn Ngọc