Nguồn tin của Pháp luật Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31/12/2012, khoản vay của PPC đối với EVN được xác định là 6.932 tỷ đồng. Điều đặc biệt, số tiền hơn 6 nghìn tỷ đồng mà EVN cho vay được lấy từ chính nguồn tiền mà Tập đoàn này vay từ một tổ chức tín dụng nước ngoài.
Khoản tiền mà EVN cho vay nói trên thuộc khoản vay được thực hiện bằng Yên Nhật Bản, theo Hợp đồng số 002/2006/HDCVL ngày 30/11/2006 về việc EVN cho PPC vay lại nguồn vốn vay của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) để đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2.
Thời hạn vay lại số tiền nói trên là 22 năm 6 tháng, gốc vay và lãi vay được trả mỗi năm hai kỳ với số tiền gốc bằng nhau cho mỗi kỳ là hơn 1,1 tỷ Yên Nhật Bản. Chi phí cho vay lại của EVN là 0,2%/năm. Kỳ trả nợ gốc cuối là năm 2028.
Mặc dù được EVN cho vay lại khoản tiền lớn như vậy nhưng trong một động thái khác, lãnh đạo PPC ra quyết định cho EVN vay lại 350 tỷ đồng, tính đến thời điểm 31/12/2012. Đây là khoản cho vay để EVN đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu. Hợp đồng có thời hạn là 15 năm và số tiền cho vay được hình thành do bù trừ khoản phải thu của PPC với công ty mua bán điện.
Với số tiền cho vay lại này, năm 2012 ENV đã nhận được khoản phí lãi vay 206 tỷ đồng từ bên nhận vay là PPC. Ngược lại, PPC cũng đã thụ hưởng hơn 329 tỷ đồng từ tiền thu lãi cho EVN vay.
Ngoài việc cho EVN vay 350 tỷ đồng, thời gian qua, PPC cũng đã đầu tư vào nhiều doanh nghiệp khác với số tiền lên đến 353 tỷ đồng, như Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, Công ty cổ phần EVN Quốc tế, Công ty cổ phần Phát triển điện lực Việt Nam, Công ty cổ phần Thủy điện Buôn Đôn.
Đặc biệt, việc đầu tư vào các công ty nói trên cũng đều có “liên quan” đến EVN. Đơn cử, theo giới thiệu, EVN là một trong 5 cổ đông chính của Công ty cổ phần Phát triển điện lực Việt Nam.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho biết, việc cho vay này có thể được hoặc có thể không. Tuy nhiên, theo ông Đức thì cần phải làm rõ điều kiện ràng buộc số tiền mà EVN đi vay ngân hàng Nhật Bản để làm gì.
“Đối với cơ quan chủ quản cũng phải yêu cầu huy động để làm gì, mục đích ra sao chứ không thể huy động xong rồi đi cho vay lại. Trừ trường hợp là nhà thầu, hoặc công ty mẹ - con cần phải hỗ trợ nhau để hoàn thành theo hợp đồng thì có thể có hợp lý” - ông Đức cho biết.
Cũng theo ông Đức, cách mà hai bên cho nhau vay và vay lại có thể là để “lách” điều gì đó, có thể là chênh lệch lãi suất phần trăm, hay chênh lệch gì đó. “Nhưng rõ ràng việc PPC tiếp tục cho EVN vay lại 350 tỷ đồng rõ ràng là vớ vẩn. Nếu trường hợp cho vay đi vay lại như vậy để ăn phần trăm hoặc đẩy giá hay làm trò gì thì rõ ràng là bất thường” - ông Đức bình luận.