Dư luận “dậy sóng”
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (TĐKTTƯ) vừa công bố danh sách 42 trường hợp được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong năm 2015 vì những thành tích xuất sắc. Trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, EVN, Công ty Dịch vụ viễn thông VinaPhone, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Đại học Quốc gia TP.HCM...
Cá nhân có các ông Trần Đình Thanh, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng cty Điện lực miền Trung; ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Duy Khuyến, nguyên Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao...
Điều khiến dư luận và công luận đang hết sức quan tâm là việc EVN có tên trong danh sách lần này, bởi gần đây ai cũng biết ngành Điện bị người dân kêu rất nhiều; tính công khai, minh bạch thấp và một số bê bối trong hoạt động sản xuất kinh doanh như đầu tư ngoài ngành gây lỗ lớn…
Đáng nói, sau khi thông tin nói trên được Ban TĐKTTƯ công bố, trên một số trang mạng dư luận đã “dậy sóng” với những phản ứng không đồng tình, thậm chí cho rằng EVN chưa xứng đáng để nhận danh hiệu cao quý này. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng nên bình tĩnh nhìn nhận cả quá trình và những đóng góp của ngành Điện cho sự nghiệp phát triển của đất nước.
Về quá trình thẩm duyệt hồ sơ xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động đối với đơn vị này, ông Kiều Sơn, Vụ trưởng Vụ I, Ban TĐKTTƯ, cho biết: Theo quy trình thì EVN đề nghị lên, trên cơ sở kết quả đạt trên 90% số phiếu của thành viên Hội đồng TĐKT cấp cơ sở, kèm theo ý kiến của Đảng ủy, cấp ủy đơn vị đó đề nghị. Sau đó trình lên Bộ Công Thương. Ở Bộ, tương tự kết quả cũng phải đạt trên 90% số phiếu của Hội đồng đồng ý, có ý kiến Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương sau đó gửi lên Ban TĐKTTƯ.
Sau khi danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động có tên EVN được công bố, có rất nhiều ý kiến phản đổi, Ban đã tiếp nhận và xử lý thông này như thế nào?
- Đây mới chỉ là danh sách Ban TĐKTTƯ đưa ra để xin ý kiến các cơ quan liên quan đến hoạt động của đơn vị đó. Ngoài việc công bố danh sách để xin ý kiến của các cơ quan hữu quan thì còn phải lấy ý kiến của quần chúng nhân dân. Xin lưu ý đây không phải là công bố việc phong tặng danh hiệu cho các đơn vị đó, trong đó có EVN.
Ông Kiều Sơn |
Thưa ông, thời gian tiến hành lấy ý kiến từ phía người dân về việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần này kéo dài trong bao lâu và qua kênh nào?
- Thời gian kéo dài trong 10 ngày hoặc 10 số báo, tính từ thời điểm chúng tôi đăng thông tin (12/9/2015) về việc sẽ đưa những đơn vị này ra xem xét. Sau khi việc lấy ý kiến đạt kết quả, chúng tôi sẽ hoàn thiện hồ sơ trình lên Hội đồng TĐKTTƯ và Hội đồng sẽ bỏ phiếu kín, kết quả phải đạt từ trên 90% mới đạt yêu cầu.
Người dân có thể gửi ý kiến, phản ánh, đơn thư trực tiếp liên quan vấn đề này đến địa chỉ Ban 103 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội hoặc thông qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Ban TĐKTTƯ (ttth.btdkttw@gmail.com) và một số báo.
Thưa ông, đối với trường hợp của EVN nếu có thông tin phản ánh, Ban TĐKTTƯ sẽ xử lý như thế nào?
- Nếu có bất kỳ đơn thư khiếu nại hay phản ánh của người dân hoặc của một đơn vị tổ chức nào đó, Ban sẽ nghiên cứu và đề nghị các cơ quan liên quan giải trình. Nếu đơn thư có đầy đủ cơ sở để chứng minh sai phạm thì sẽ dừng ngay việc bình xét và gửi văn bản ngược lại cho phía Bộ Công Thương, thông báo về việc đơn vị đó không được xét vì thành tích chưa xuất sắc.
Cảm ơn ông!
Bỏ phiếu kín và phải đạt trên 90%
“Thời gian kéo dài trong 10 ngày hoặc 10 số báo, tính từ thời điểm chúng tôi đăng thông tin (12/9/2015) về việc sẽ đưa những đơn vị này ra xem xét. Sau khi việc lấy ý kiến đạt kết quả, chúng tôi sẽ hoàn thiện hồ sơ trình lên Hội đồng TĐKTTƯ và Hội đồng sẽ bỏ phiếu kín, kết quả phải đạt từ trên 90% mới đạt yêu cầu” - ông Kiều Sơn, Vụ trưởng Vụ I, Ban TĐKTTƯ.