Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) dự kiến có hiệu lực vào năm 2018. Đây là FTA có phạm vi rộng và mức độ cam kết cao nhất với 99,2% dòng thuế sẽ được EU xóa bỏ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh ưu đãi về thuế quan, EVFTA cũng đưa ra nhiều điều kiện chặt chẽ mà nếu không có sự chuẩn bị, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó được hưởng mức thuế ưu đãi 0%.
Bỏ ngỏ thị trường Đông Âu?
Theo các chuyên gia, EVFTA có hiệu lực sẽ kích hoạt nhiều hơn làn sóng đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam và thúc đẩy hội nhập sâu cũng như giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong cuốn sổ tay cho DN Việt Nam về EVFTA do Bộ Công Thương và Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu soạn thảo cho thấy, trong hơn một thập kỷ qua, giá trị thương mại hai chiều tăng 10 lần từ khoảng 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 41,3 tỷ USD năm 2015. Con số này đã giúp EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam (riêng năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 31 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 10 tỷ USD).
EU cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam với 1.809 dự án từ 24 quốc gia thành viên còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 23,16 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án và 8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Nhận định về thị trường này, tại Hội thảo “Tham vấn về các tác động của Hiệp định thương mại EU – Việt Nam đối với nền kinh tế Việt Nam”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho biết, EU hiện là đối tác duy nhất mà Việt Nam có đề án phát triển tổng thể về thị trường. Tuy nhiên, với 28 nước thành viên và có GDP rất lớn nhưng khả năng khai thác thị trường của các DN Việt lại thấp, chưa đi sâu vào các thị trường tiềm năng, nhất là các nước thuộc khối Đông Âu.
“Trong số 11 nước Đông Âu thuộc Liên minh Châu Âu (EU) thì Việt Nam mới xuất khẩu được gần 1,8 tỷ USD chiếm 5,5% tổng thị phần mà các DN xuất khẩu sang thị trường EU. Như vậy, rõ ràng các DN Việt ít chú ý đến việc khai thác thị trường các nước Đông Âu” – nguyên Bộ trưởng Tuyển nói.
Làm gì để tối đa hóa lợi ích từ EVFTA?
Theo ông Trương Đình Tuyển, mặc dù EVFTA đem lại nhiều triển vọng cho Việt Nam, song để hướng tới mức độ xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99,2% số dòng thuế, hàng của Việt Nam xuất sang EU cần thỏa mãn quy tắc xuất xứ.
Đặc biệt, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, nhiều mặt hàng sẽ được hưởng thuế suất bằng 0. Trong đó, cơ hội xuất khẩu đối với nhóm hàng nông sản rất lớn bao gồm: thủy sản, gạo, đường, hạt tiêu, hạt điều, mật ong tự nhiên, toàn bộ các sản phẩm rau, củ, quả tươi và chế biến nước hoa quả tươi. Tuy vậy, câu chuyện gần đây mà Việt Nam đang phải đối mặt là mặt hàng thủy sản của Việt Nam chính thức bị EU rút “thẻ vàng”. Điều này dự báo sẽ tác động lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới.
Chia sẻ về vấn đề này, theo ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, việc EU rút “thẻ vàng” không chỉ đơn giản là chất lượng sản phẩm mà còn mở rộng hơn tới việc đánh bắt thủy sản của Việt Nam. Hơn nữa việc xuất khẩu thủy sản những năm gần đây tiếp tục tăng nhưng điều đáng lo ngại là nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước lại không đủ và phải nhập khẩu.
Vì vậy, theo ông Dương, các DN phải quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm theo chuỗi, tức là phải kiểm soát chất lượng ngay từ đầu vào để đảm bảo các quy định và tiêu chuẩn khi xuất khẩu.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, để đạt được tiêu chuẩn chất lượng ngặt nghèo của EU và nâng cao khả năng cạnh tranh, Nhà nước cần xác định về các ngành xuất khẩu mũi nhọn và quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ.