“Em thơ ơi, ngày mai trường học lại”…

Bão lũ gây tang thương dọc miền Trung nước ta.
Bão lũ gây tang thương dọc miền Trung nước ta.
(PLVN) - “Và cuối cùng, ngày mai đi học, thầy mong các em vẫn bình tĩnh, tự tin và mỉm cười, còn người là còn của, đừng quá lo lắng, đừng quá bi quan, thua keo này ta bày keo khác, chỉ cần cố gắng từng tí một, vượt qua những trở ngại trước mắt, không ngừng học tập và thầy tin, tươi sáng sẽ sớm đến với chúng ta”…

Ngày mai đến trường, hãy học bằng trái tim, em nhé!

Dù chưa thể trở lại trường sau gần 2 tuần nghỉ học vì bão lũ bởi bị ảnh hưởng của cơn bão số 9, thầy trò trường THPT Quảng Ninh, Quảng Bình đã để lại cho cộng đồng mạng những cảm xúc rưng rưng qua bức thư ngỏ của thầy Hiệu trưởng Hà Văn Quý gửi học sinh ngày 27/10.

Bức thư thầy Hiệu trưởng ngôi trường giữa vùng lũ nhắn các trò những việc cần chú ý vào ngày trở lại trường đã khiến nhiều người thấy được sự chia sẻ ấm áp của thầy cô thấu hiểu cho những khó khăn, mất mát của học trò.

Được biết, thầy Hà Văn Quý sinh năm 1983, nguyên học sinh chuyên Toán Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp tốt nghiệp lớp 12 năm 2001, là sinh viên ĐH Sư phạm Huế và được bổ nhiệm hiệu trưởng ngày 3/7/2020. Dưới đây là nguyên văn bức thư ngỏ được thầy Hà Văn Quý gửi học trò Trường THPT Quảng Ninh.

“Thân gửi các em học sinh.

Vậy là nước lũ đã rút, nhiều gia đình đang cố gắng dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc và thầy biết nhiều em cũng đang sắp xếp áo quần, sách vở - dù không còn nhiều để xếp - chuẩn bị ngày mai đi học trở lại.

Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc đồng phục, không nhất thiết phải áo trắng, áo dài và nếu có ố vàng một chút cũng không sao, đừng quá tự ti, lo lắng, miễn là áo quần đủ khô, đủ ấm em nhé.

Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mang dép có quai hậu (như quy định của Đoàn trường), chỉ cần có cái để xỏ vào chân, bùn lấm một tí cũng được, sứt mẻ một tí cũng được, miễn là đủ để ngăn rác bẩn hay cây gai đâm vào chân, em nhé.

Ngày mai đi học, các em nhớ dậy sớm, đề phòng chiếc xe yêu thích ngày nào bỗng dưng “dở chứng”, mình có thể làm một cuốc “bộ hành” giữa trời thu xanh mát, hoặc có thể ra đường ngóng chúng bạn, và nếu trễ một chút cũng không sao, miễn là đi đủ chậm và an toàn, thấy ai trách thì nhớ mỉm cười và cúi đầu xin được thông cảm, em nhé.

Ngày mai đi học, nếu chưa có đủ sách vở hoặc bút viết, xin các em đừng quá lo lắng, thầy cô còn có nhiều bài học làm người, bài học cho tinh thần tương thân tương ái, bài học về giá trị cốt lõi của học trò trường Quảng Ninh, mà đôi khi các em chỉ cần dùng trái tim để “learn by heart” mà không phải ghi chép gì nhiều, em nhé.

Ngày mai đi học, nếu cũng không còn cặp sách để đựng đồ cũng không sao, các em có thể bỏ tất cả vào một bao ni lông, cột thật chặt và nhớ ghi rõ tên và trường để bà con gửi trả về nếu lỡ nước có cuốn trôi, em nhé.

Ngày mai đi học, khoan hãy học bài cũ, các em có thể dành thời gian hỏi han bạn bè, thầy cô sau đợt lụt vừa rồi, và nhớ đừng chê cười nếu như “crush” của mình mặc đồ không được đẹp, đi dép không được “mốt” hay thấy một bao ni lông lăn lốc trong góc bàn cuối lớp, em nhé.

Ngày mai và nhiều ngày tới nữa, các nhà hảo tâm cũng sẽ đến với các em (như họ đã hứa với thầy cô), thầy mong các em biết trân quý những đồ dùng mà mình nhận được, nếu có hơi cũ, hơi rách thì cũng mong các em hiểu. Những món quà đó không chỉ là cuốn vở, tấm áo mà còn cả tấm lòng tương thân tương ái của các bác, các o, các chú, các anh chị em, và đặc biệt từ các bạn học sinh cùng trang lứa từ mọi miền khắp cả nước.

Các bạn học sinh ấy, dù còn nhiều nghèo khó nhưng vẫn đóng góp ủng hộ một vài cuốn vở hay 10.000 đồng, 20.000 đồng. Họ đã dành cho đồng bào miền Trung nói chung và trường chúng ta không chỉ tiền của, sức lực, thời gian, không chỉ sự cho và nhận thông thường mà còn cả tấm lòng yêu thương đến nghẹn lòng, em ạ.

Và cuối cùng, ngày mai đi học, thầy mong các em vẫn bình tĩnh, tự tin và mỉm cười, còn người là còn của, đừng quá lo lắng, đừng quá bi quan, thua keo này ta bày keo khác, chỉ cần cố gắng từng tí một, vượt qua những trở ngại trước mắt, không ngừng học tập, và thầy tin, tươi sáng sẽ sớm đến với chúng ta”.  

Với nhiều người, tâm thư của thầy Hà Văn Quý như tiếp thêm sức mạnh cho mọi người trước thiên tai, bão lũ. “Sự động viên, an ủi của thầy đã phần nào giúp học sinh vùng lũ thấy giá trị của bản thân để rồi cố gắng bước đi bằng cả nghị lực và lòng yêu thương của thầy cô, mọi người”, một người chia sẻ bức thư cho biết.

Tài khoản Vũ Điệp nhận định: “Thật cảm động trước tấm lòng và suy nghĩ của thầy! Lá thư này đủ để là một bài học lớn cho tất cả! Thiên tai không làm ta chùn bước, mà chỉ làm ta mạnh thêm, đoàn kết hơn”. 

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình, trận mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành giáo dục địa phương. Ước tính ban đầu, toàn ngành có 334 trường với khoảng 3.000 phòng học và phòng chức năng bị ngập nước; cơ sở vật chất, sách, vở, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho học sinh… bị hư hỏng, trôi dạt theo mưa lũ. Tổng thiệt hại ban đầu của ngành giáo dục Quảng Bình sau mưa lũ ước tính khoảng 370 tỷ đồng…

“Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”

Tối ngày 28/10/2020, ngay khi cơn bão số 9 đi qua, tại thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam đã xảy ra vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều người dân. Đau thương chồng chất đau thương. Quê nghèo lại càng nghèo thêm. Những nỗi đau lũ chồng lũ, bão chồng bão vẫn chưa kịp nguôi ngoai, thì nay lại tiếp tục thử thách người miền Trung trong bĩ cực…

Một người con miền Trung chia sẻ: “Những ngày này, hàng triệu đôi mắt ngấn lệ khi thấy khúc ruột miền Trung chìm trong biển nước tang thương cả tháng qua. Hàng triệu tấm lòng đã sẽ chia bát cơm của mình để hướng về miền Trung ruột thịt. Hàng triệu gia đình miền Trung bát cơm hôm nay chan đầy nghĩa tương thân.

Vụ mùa gần nhất là phải 6 tháng nữa mới có thóc, ngô, sắn... mất 2 tháng cày bừa, gieo sạ. Mất 4 tháng để cây cối nảy mầm trưởng thành nuôi nấng nông dân. Bây giờ, hàng triệu con người đang đối mặt với bão số 9 tang thương. Sau bão số 9, dự báo xuất hiện bão số 10. Sau bão số 10 thì các dự báo quốc tế nói bão số 11 đều hướng thẳng miền Trung.

Miền Trung ơi, nơi đòn gánh của cả nước là đồng bào của ta, là mẹ cha ta, là anh chị ta, là anh em ta, là quê hương ta đã nuôi khôn lớn từ củ khoai củ sắn. Nơi đó bao đứa con đã được chắt chiu sữa mẹ, ca dao của bà, lời dạy của bố, tiếng thương của ông mà trưởng thành rồi ra đi khắp chốn mưu sinh. Nơi đó là nghĩa đồng bào máu đỏ da vàng. Nhiều người nói vì sao không bỏ xứ mà đi.

Đi sao được, đó là hương hỏa ông bà tổ tiên. Miền Trung xưa bậc đế vương chọn đặt kinh đô là đất ở. Cùng là bản quán sao mà đi. Đấy cũng là vùng đất phên dậu, đi rồi ai giữ gìn cương thổ. Giờ thêm bao trận thiên tai, người miền Trung vẫn bám trụ cùng nhau, có cả nước bên cạnh thì càng mạnh mẽ hơn, bền chặt. Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua tất cả. Cha ông xưa đã nói: “Đừng than phận khó ai ơi, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Miền Trung ơi”.

Theo anh Chương Đặng,  người miền Trung có một khác biệt so với nhiều người miền khác trên dải đất hình chữ S là họ có một khả năng chịu đựng đến kinh ngạc. Họ rất khẳng tính và không thích nhận sự giúp đỡ khi không cần thiết. Họ không giỏi bày tỏ cảm xúc vì ngay từ nhỏ họ đã sớm quen với những thiên tai.

Họ thừa hiểu trong chốc lát, tiếng bão biển, tiếng mưa, tiếng đất đá, tiếng nắng khô cháy... có thể át đi một tiếng khóc than. Khi bạn ôm một người miền Trung, bạn sẽ có cảm giác mình ôm một cơn bão. Bạn không thể hiểu hết họ đã trải qua những gì, mà ngay cả khi đang bình yên đã thấp thỏm chờ giông tố.

Miền Trung là dải đất hẹp, khô cằn, độ dốc lớn, thời tiết khắc nghiệt. Hè nắng như thiêu như đốt. Mùa mưa, giông bão, lụt lội triền miên. Đông rét thấu thịt, thấu xương... Ngàn đời vẫn thế. Những ngày này, chúng ta nhận ra, không chỉ “lòng tốt” trong một khoảnh khắc, mà là giá trị tương thân tương ái mới tạo ra niềm tin vào cộng đồng, vào xã hội.

Vì thế, tái thiết sau lũ là một khẩu hiệu để nhắc người dân về tính cấp thiết của nó với chính cuộc sống của họ, không phải là bánh mỳ và chai nước khi tai hoạ ập tới, mà là cách để sống an toàn với những tai hoạ …

Và chúng ta tin vào sự can trường của người miền trung, luôn vượt  qua mọi khắc nghiệt của thiên tai, thời tiết như lá thư chan chứa niềm tin, sự khích lệ, vững vàng mà người thầy miền trung trong tâm bão lũ, gửi đến không chỉ học trò mình… Bất giác tôi nhớ tới ca từ “Em thơ ơi, ngày mai trường học lại…” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, là những tươi sáng và hy vọng trong đau thương, là sự đứng dậy, làm lại từ đầu, không khuất phục…

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...