“13,85% số giao dịch trên hệ thống đăng ký giao dịch bảm đảm (ĐKGDBĐ) được khách hàng tự đăng ký trực tuyến (từ 19/3 đến 10/9) cho thấy sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân đối với hình thức đăng ký GĐBĐ hiện đại này” – Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ (Bộ Tư pháp) Vũ Đức Long khẳng định tại Tọa đàm “Đánh giá kết quả 6 tháng triển khai hệ thống đăng ký trực tuyến GDBĐ” do Bộ Tư pháp và Tổ chức Hợp tác tài chính quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức sáng qua (20/9).
Các tổ chức tín dụng vẫn “ngại” thực hiện phương thức đăng ký trực tuyến Giao dịch đảm bảo |
“Bộ lọc” rủi ro trong nhận thế chấp tài sản
Trước khi vận hành hệ thống đăng ký trực tuyến, dữ liệu về GĐBĐ (trừ tàu bay, tàu biển) tổ chức phân tán tại 03 trung tâm đăng ký tại Hà Nội, TP.Đà Nẵng, TP.HCM với các thức hoạt động độc lập, trong khi việc tiếp nhận các đơn yêu cầu đăng ký chỉ được thực hiện thông qua các phương thức truyền thống (trực tiếp, bưu điện, fax, email) cùng sự can thiệp trực tiếp và qua nhiều thao tác mang tính thủ công của cán bộ đăng ký.
Hệ thống đăng ký trực tuyến cho phép khách hàng tự đăng ký trực tuyến, với hệ thống cơ sở dữ liệu duy nhất tại Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ. Quá trình hậu kiểm (thực hiện 3 lần/ngày) sẽ phân loại các yêu cầu đăng ký trực tuyến, chuyển các yêu cầu hợp pháp về các Trung tâm để xử lý và từ chối những yêu cầu vi phạm qui định pháp luật.
Theo các trung tâm ĐKGD, tài sản, việc khách hàng có thể tự đăng ký và tra cứu thông tin bất kỳ khi nào có nhu cầu, giảm được chi phí và tiết kiệm thời gian là “lợi thế lớn mà hệ thống đăng ký trực tuyến đem lại cho khách hàng”. Trong điều kiện “nhiều cấp quản lý đất đai nhưng không ai quản lý” đã thành vấn đề “thâm căn cố đế” và tình trạng phôi sổ đỏ được “lưu hành tự do” như hiện nay thì đăng ký và tra cứu thông tin ĐKGDBĐ càng có nhiều ý nghĩa quan trọng để hạn chế tối đa rủi ro trong hoạt động nhận thế chấp tài sản bảo đảm.
Đặc biệt, ông Lê Minh Tuấn – Giám đốc Trung tâm ĐKGD, tài sản tại TP.Đà Nẵng – còn cho rằng, hệ thống đăng ký trực tuyến giúp “khả năng cung cấp thông tin, dữ liệu được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia rất nhanh chóng mà hệ thống đăng ký cũ không thể làm được”. Nhờ đó đánh giá tương đối chính các tình trạng pháp lý và nâng cao tính minh bạch của tài sản bảo đảm, bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của khách hàng một cách nhanh chóng, kịp thời nhất.
Dưới góc độ một khách hàng của hoạt động ĐKGDBĐ, ông Nguyễn Trung Nghĩa (Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu) đánh giá, “việc vận hành hệ thống đăng ký trực tuyến có ý nghĩa đặc biệt trong việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ĐKGDBĐ, kiểm soát tốt hơn các rủi ro tranh chấp từ bên thứ ba khi nhận tài sản bảo đảm”.
Chưa “mạnh tay” đăng ký trực tuyến
Cho dù đánh giá cao hiệu quả và sự thuận tiện của phương thức đăng ký trực tuyến, song thực tiễn các tổ chức tín dụng đã được Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ cấp mã tài khoản khách hàng thường xuyên “vẫn chưa mạnh dạn thực hiện phương thức này”. Lý do được ông Nguyễn Hoàng Ngọc (Ngân hàng Liên doanh Việt – Nga) chỉ ra là vì “nguy cơ rủi ro vẫn đang rình rập hệ thống đăng ký trực tuyến vì đây là hệ thống ĐKGDBĐ “mở” còn pháp luật và thực thi pháp luật vẫn lỏng lẻo, chưa tự giác”.
Các tổ chức tín dụng “không muốn nắm đằng lưỡi” khi căn cứ của việc thực hiện đăng ký trực tuyến chỉ là “bản trả lời kết quả không có “dấu đỏ”.
Khi chữ ký điện tử chưa được công nhận mà quan niệm văn bản phải có “dấu đỏ” mới có giá trị pháp lý vẫn còn nặng nề, thì những văn bản không có “dấu đỏ” sẽ không được các cơ quan tố tụng chấp nhận khi cần giải quyết tranh chấp. Không loại trừ trường hợp khách hàng có thể lợi dụng tính “mở” của hệ thống để đăng ký làm nhiễu loạn thông tin, gây bất lợi, tạo nghi ngờ cho đối thủ để trục lợi về mình.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng dữ liệu ĐKGDBĐ còn thiếu sót, chưa thống nhất một số qui trình trong thực hiện đăng ký trực tuyến, cập nhật thông tin về khách hàng chưa kịp thời… như phản ánh của các Trung tâm ĐKGD, tài sản.
Vì thế, nâng cao nhận thức về hệ thống đăng ký trực tuyến, hoàn thiện qui định pháp luật liên quan, các tính năng, tạo sự thân thiện với người sử dụng đăng ký trực tuyến, đảm bảo cung cấp thông tin về GDBĐ chính xác, giúp thị trường tín dụng hoạt động hiệu quả, an toàn… là giải pháp được Cục và các tổ chức tín dụng thống nhất nhằm phát huy tốt hơn nữa lợi thế của phương thức ĐKGDBĐ phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và xu thế phát triển hiện đại.
Trong 6 tháng (từ khi vận hành 19/3/2012), hệ thống đã nhận được 76.759 giao dịch, trong đó có 10.631 giao dịch khách hàng tự đăng ký trực tuyến (chiếm 13,85% giao dịch); 96.958 trường hợp tra cứu thông tin miễn phí trên hệ thống. |
Huy Anh