Nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục bao gồm: chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia lao động, học tập, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, quy định của địa phương nơi cư trú; chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức và người trực tiếp giám sát, giáo dục; làm bản cam kết sửa chữa sai phạm, tích cực thực hiện nghĩa vụ học tập, tu dưỡng, rèn luyện, tham gia lao động, bồi thường thiệt hại (nếu có) và phải nghiêm chỉnh thực hiện cam kết của mình; tích cực tham gia các chương trình học tập, dạy nghề, tham gia lao động tại cộng đồng; hàng tháng phải báo cáo với người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục về tình hình học tập, lao động, kết quả sửa chữa sai phạm và sự tiến bộ của mình; trình diện cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu. Đối với người được giám sát, giáo dục trong trường hợp được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn còn có nghĩa vụ không được đi khỏi nơi cư trú khi chưa được sự đồng ý của người giám sát, giáo dục.
Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của người trực tiếp giám sát, giáo dục; trách nhiệm của gia đình người được giám sát, giáo dục, nhà trường, Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã trong việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục cũng như trách nhiệm của các Bộ, ngành hữu quan, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục.
Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, còn có các ý kiến khác nhau liên quan đến nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục trong trường hợp được áp dụng biện pháp hòa giải, cụ thể BLHS năm 2015 quy định một trong những nghĩa vụ của người được áp dụng biện pháp hòa giải là phải thực hiện việc bồi thường, xin lỗi người bị hại và cơ quan quyết định áp dụng biện pháp hòa giải sẽ ấn định thời gian thực hiện nghĩa vụ này.
Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 không quy định rõ là nghĩa vụ này có phải là điều kiện để cơ quan tố tụng quyết định áp miễn trách nhiệm hình sự hay sau khi đã quyết định áp dụng biện pháp hòa giải và miễn trách nhiệm hình sự mới thực hiện. Vì vậy, trong quá trình thảo luận dự thảo Nghị định có hai loại ý kiến về vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Nghị định này không nên điều chỉnh vấn đề giám sát thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, bởi lẽ, việc miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội và giao cho Ủy ban nhân dân xã thực hiện việc giám sát, giáo dục chỉ được tiến hành trên cơ sở kết quả hòa giải thành và người phạm tội đã phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, xin lỗi người bị hại. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn hiện nay, theo đó, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự khi các bên đã hòa giải thành, thực hiện xong các nghĩa vụ về bồi thường thiệt hại, xin lỗi người bị hại, không có đơn khiếu nại và người bị hại có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Theo loại ý kiến thứ hai thì BLHS năm 2015 quy định: “Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện nghĩa vụ xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại” (điểm a khoản 3 Điều 94) và thời hạn thực hiện nghĩa vụ này do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định. Như vậy, theo quy định này thì cũng có thể có trường hợp người phạm tội đã được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng nhưng chưa thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường mà phải tiếp tục thực hiện trong thời hạn do cơ quan áp dụng biện pháp này ấn định (ví dụ: người phạm tội chưa thực hiện hết nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nhưng có cam kết thực hiện và người bị hại cũng chấp nhận điều đó, đồng thời có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng có thể quyết định miễn trách nhiệm hình sự, áp dụng biện pháp hòa giải và ấn định một thời hạn cụ thể để người phạm tội thực hiện nghĩa vụ của mình). Do vậy, trong Nghị định này cũng cần có điều khoản quy định về việc giám sát, giáo dục người chưa thành niên thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
Dự thảo Nghị định thể hiện theo hai phương án, trong đó phương án 1 là không quy định nghĩa vụ này; phương án 2 là quy định nghĩa vụ này.