Năm 2017, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, số thụ lý mới tăng gần 47 nghìn việc (5,57%) và trên 28 nghìn tỷ đồng (19,67%) và cao nhất từ trước đến nay về tiền (gần 173 nghìn tỷ đồng), song các cơ quan thi hành án đã thi hành xong gần 550 nghìn việc và trên 35 nghìn tỷ đồng, tăng gần 19 nghìn việc và trên 6 nghìn tỷ đồng so với năm 2016. Trong đó, kết quả thi hành đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng đạt gần 4.500 việc và gần 28 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1 nghìn việc và hơn 8 nghìn tỷ đồng; giá trị thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự tăng gần 1,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2016.
Những kết quả đạt được góp phần tích cực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; trực tiếp giải phóng các nguồn lực kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khuyến khích phong trào khởi nghiệp.
Lần đầu tiên các cơ quan thi hành án thảo luận về chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính được giao: Ngày 08/11/2017, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã nghe và cho ý kiến chỉ đạo về kết quả công tác THADS, thi hành án hành chính năm 2017, định hướng những nhiệm vụ trọng tâm và giao chỉ tiêu trong năm 2018, sau khi nghe Tổng cục báo cáo, Ban Cán sự Đảng đã yêu cầu tại Hội nghị triển khai, các cơ quan thi hành án cần thảo luận kỹ, từ thực tiễn công tác thi hành án đề xuất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2018, bảo đảm các chỉ tiêu được giao không gây áp lực nhưng phải thực chất và thể hiện những thách thức cho công tác thi hành án trong thời gian tới.
Phân loại, có biện pháp kiên quyết xử lý từng nhóm vụ việc: Năm 2017, số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều, nhất là về tiền, còn gần 57.000 tỷ đồng, chiếm 34,68% tổng số phải thi hành. Đáng lưu ý là trong số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau, hệ thống thống kê còn chưa rành mạch được bao nhiêu án có điều kiện thi hành mới thụ lý giải quyết và bao nhiêu án có điều kiện thi hành nhưng đã kéo dài rất nhiều năm, từ đó có thái độ, biện pháp điều hành phù hợp, hiệu quả hơn.
Tương tự, đối với lượng án chưa có điều kiện thi hành, hệ thống thống kê chưa rành mạch được số án chưa có điều kiện thi hành đã kéo dài hàng chục năm không thể xử lý để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, có biện pháp xử lý. Năm 2018, Hội nghị triển khai công tác sẽ xem xét, cho ý kiến về vấn đề này.
Công tác thi hành án hành chính được chú trọng: Năm 2017, số vụ việc thi hành án hành chính xong còn đạt tỷ lệ thấp. Nhiều trường hợp Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành án (40 trường hợp) cho thấy kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính trong việc chấp hành các bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật còn chưa nghiêm. Các cơ quan THADS sẽ thảo luận, tham mưu giải quyết đối với thực trạng này. Ngoài ra, Hội nghị cũng nhắc nhở một số cơ quan THADS cũng cần tiếp tục chấn chỉnh tình trạng nể nang, ngại va chạm, không làm hết trách nhiệm trong việc xử lý án loại này.
Công tác phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành bản án cần tiếp tục được quan tâm đúng mức. Công tác truyền thông báo chí, thông tin những đóng góp của hoạt động THADS vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; lên án, phê phán những trường hợp trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án cần tiếp tục được đẩy mạnh, tạo sự đồng thuận của xã hội.
Làm rõ hơn trách nhiệm của THADS, thi hành án hành chính trước yêu cầu xây dựng kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế: Năm 2018, các cơ quan THADS cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu và triển khai hiệu quả những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ trong hoạt động THADS, thi hành án hành chính, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Đất nước ta đã sang một giai đoạn phát triển mới, với nhiều đòi hỏi, thách thức mới.
Cùng với việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thi hành án cần góp phần tích cực bảo vệ quyền sở hữu tài sản của các nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh và phong trào khởi nghiệp. Ngành Tòa án và các cơ quan thi hành án phải rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng từ 400 ngày xuống 300 ngày trong năm 2017 và dưới 200 ngày đến năm 2020; rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp từ 60 tháng xuống dưới 30 tháng trong năm 2017 và dưới 24 tháng đến năm 2020. Trước yêu cầu đó, các cơ quan THADS cần tiếp tục thay đổi tư duy, nhận thức và hành động, tinh gọn thủ tục thi hành án, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác THADS, hành chính.