Ai cũng kỳ vọng sau những dòng nước trắng xóa từ các con đập là những dòng điện quý giá. Nhưng, không phải bất kỳ cổ máy sản xuất “vàng trắng” nào cũng làm được điều này.
Đập thủy điện đang là nỗi lo của người dân |
Gần 100 trận động đất
Công trình thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) có công suất lắp máy 190MW, được xây dựng bằng công nghệ bê tông đầm lăn, về nguyên tắc không cho phép thấm nước. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn tích nước phát điện, hàng loạt trận động đất kích thích đã xảy ra khiến đập xuất hiện các vết nứt, thấm nước qua thân đập. Sau đó không lâu, các trận động đất kích thích lại gia tăng mạnh hơn cả về cường độ và tần suất. Lúc này, các chuyên gia mới thừa nhận, địa điểm xây dựng nhà máy là sai lầm. Đập được xây dựng trong khu vực có đới đứt gãy Hưng Nhượng - Tà Vi đã hoạt động từ lâu, có khả năng phát sinh động đất trung bình.
Đơn cử, vào hồi 20h40 ngày 22/10/2012, khu vực thủy điện này đã xảy ra một trận động đất cực mạnh (4,6 độ richter). Chỉ trong vòng ba ngày (từ ngày 20-22/10) thì đây là trận động đất thứ 6. Trận động đất này đã có thêm hàng trăm nhà dân bị nứt tường; nhiều nhà cửa, trụ sở công cộng đã bị nứt nền,… Tiếp đó, khoảng 6h00 ngày 6/11/2012, thủy điện Sông Tranh 2 lại xảy ra trận động đất đất kèm theo tiếng nổ và rung chấn kéo dài khoảng 4 giây. Tuy không gây thiệt hại lớn, nhưng các trận động đất liên tục (bình quân mỗi ngày 1 trận trong gần một tuần) đã khiến người dân bất an, không thể dự tính các công việc đầu tư, làm ăn trong tương lai, mà phải thấp thỏm chờ đợi diễn biến tiếp theo của các rung chấn.
Sau đó ít ngày, vào rạng sáng 11/11, vùng thủy điện này liên tiếp xảy ra 3 trận động đất làm rung chuyển mặt đất, khiến nhiều người đang ngủ phải bật dậy, hoảng loạn chạy ra khỏi nhà. Mới đây nhất, sau khi Quốc vừa kết thúc việc chất vấn, trả lời chất vấn về vấn đề thủy điện, thì vào hồi 14h24 ngày 15/5 tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 lại xảy ra một trận động đất với cường độ lớn nhất từ trước tới nay - 4,7 độ richter. Rung chất đã lan đến tận TP.Đà Nẵng, TP.Quảng Ngãi cách đó cả trăm km. Hàng ngàn người dân nháo nhào vì tin đồn vỡ đập...
Như vậy, kể từ đầu tháng 9/2012 đến nay, đã có gần 100 trận động đất lớn, nhỏ xảy ra tại vùng Thủy điện Sông Tranh 2, gây nhiều thiệt hại về vật chất của nhân dân, chính quyền. Mặc dù UBND huyện Bắc Trà My và BQL Dự án Thủy điện 3 đã thống nhất mức hỗ trợ cho mỗi nhà dân bị thiệt hại do động đất là 2-4 triệu đồng/nhà, nhưng đến nay người dân vẫn chưa được cầm tiền vì còn vẫn phải chờ quyết định của Tập đoàn EVN.
Vỡ đập, “trôi” 20 tỷ đồng
Nếu Thủy điện Sông Tranh 2 chỉ bị nứt và nước thấm qua thân đập thì công tình thủy điện Đăk Rông 3 (xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị), được đầu tư hơn 200 tỷ đồng đã bị vỡ đập chỉ sau 15 ngày hòa lưới điện (vỡ lúc 7h00 ngày 7/10/2012).
Được biết, chủ đầu tư khởi công xây dựng công trình vào tháng 8/2010, hoàn thành tích nước ngày 18/9/2012 và đóng điện ngày 5/10/2012. Tuy nhiên, chỉ sau một trận mưa vừa, đập dâng của công trình đã bị vỡ dài gần 30m, tạo thành luồng nước mạnh chảy về phía hạ lưu gây sạt lở một số hạng mục. Sự cố trên đã kéo theo hàng chục tấn hoa màu của các hộ dân ở 2 xã Tà Long và Đakrông cũng bị mất trắng. Đến nay, người dân vẫn chưa được nhận bất cứ sự đền bù thiệt hại nào. Điều đáng nói, một tuần sau ngày vỡ đập, đến sáng 13/10/2012, nước vẫn chảy xối xả từ phía trên xuống dưới thân đập rồi đổ về hạ lưu. Ước hiệt hại lên tới 20 tỷ đồng.
Với quy mô không lớn (hai tổ máy với tổng công suất chỉ 8MW, sản lượng điện khoảng 30 triệu kWh/năm), chủ đầu tư đã làm trái nguyên tắc khi còn 13 hộ dân trong lòng hồ, nhiều hạng mục còn chưa hoàn thiện nhưng vẫn tranh thủ tích nước, phát điện. Nếu là một công trình khác với quy mô chứa nước lớn hơn mà chủ đầu tư vẫn chủ quan và xem thường tính mạng người dân như vậy, thì thử hỏi, khi đập vỡ thiệt hại sẽ như thế nào?
“Hiến” 2 vạn ha đất rừng cho thủy điện
Ngoài những cón số thiệt hại về vật chất, thông kê của Bộ NN&PTNT còn cho biết, từ năm 2006 đến nay cả nước đã có 160 dự án (ở 29 tỉnh, thành phố) thực hiện việc chuyển gần 20.000 ha đất rừng tự nhiên sang xây dựng thủy điện, trong đó hơn 3.000ha rừng đặc dụng, hơn 4.400ha rừng phòng hộ và gần 12.500ha rừng sản xuất. Đánh giá của Bộ này cho biết, hầu hết thủy điện nằm ở đầu nguồn, có nhiều rừng tự nhiên nên đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, gây lũ lụt, sạt lở đất đá, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
V.A