Theo Thông tư số 212/2010/TT-BTC ngày 21/12/1010 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, từ ngày 5/2/2011, lệ phí cấp đăng ký mới kèm theo biển số cho một xe ôtô dưới 10 chỗ ngồi tại Hà Nội và TP.HCM có thể được điều chỉnh lên mức trần là 20 triệu đồng/xe và lệ phí cho xe máy cũng có thể lên tới mức trần 4 triệu đồng.
Thông tin trên thu hút sự quan tâm của dư luận 2 thành phố lớn, đặc biệt những người đang có ý định mua xe. Ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Theo Thông tư số 212/2010/TT-BTC ngày 21/12/1010 của Bộ Tài chính, việc tính phí cấp biển số được chia thành 3 khu vực I, II và III. Ứng với mỗi khu vực là các mức phí khác nhau, áp dụng đối với các trường hợp cấp mới, lần đầu đăng ký xe và cấp lại. Trong đó, các loại ôtô dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách sẽ chịu phí từ 2 triệu đồng đến 20 triệu đồng cho việc cấp mới biển số. Mức phí này áp dụng đối với khu vực I, gồm Hà Nội và TP HCM. Mức phí 1 triệu đồng, áp dụng đối với các tỉnh thành phố, tỉnh, thị xã khác thuộc khu vực II, trừ Hà Nội và TP HCM. Còn mức phí 200.000 đồng áp dụng đối với khu vực III là các tỉnh, thành, huyện, xã... còn lại. Các loại xe sơ-mi rơ-móc áp dụng mức phí 100.000 - 200.000 đồng (khu vực I) và 100.000 đồng áp dụng với khu vực II và III. - Liên quan đến phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã có chương trình đánh giá và sửa đổi chính sách từ năm 2009. Việc ban hành Thông tư 212/2010/TT-BTC nằm trong chương trình năm 2010, tức là nằm trong chương trình của Chính phủ rồi. Riêng về phí, lệ phí đối với cấp biển ô tô, xuất phát từ bức xúc từ 2 TP lớn là Hà Nội, và TP.HCM, sau khi lấy ý kiến của các bộ, ban ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư để sửa đổi.
- Ông giải thích thế nào về mức tăng từ 2-20% phí trước bạ, phí làm biển ô tô tăng 10% từ 2 lên 20 triệu đồng?
Mức sửa đổi lần này chỉ khác với Thông tư cũ ở mức rất nhỏ là chỉ điều chỉnh mở thêm, trao thêm khung cho 2 TP Hà Nội và TP. HCM trong việc cấp biển mới đối với ô tô và xe máy, còn lại toàn bộ các xe đang lưu hành, chuyển chủ vẫn như cũ, và 61 tỉnh thành cũng không thay đổi gì.
Với 2 thành phố Hà Nội và TP HCM, như tôi đã nói, chỉ thay đổi là trao thêm khung để 2 này tự quyết định để điều hành ngân sách và giao thông đô thị, còn việc quy định đến đâu là việc của 2 TP.
Văn bản này đến tháng 2/2011 mới có hiệu lực thi hành, khi đó UBND TP mới giao cho các sở ban ngành chuẩn bị, khảo sát, lấy ý kiến…. đưa ra mức bao nhiêu là do 2 TP quyết định, đó là quyền của 2 TP…
- Ông có thể khẳng định là có chuyện có thể tăng 20 % đối phí trước bạ, và 10 % đối với biển ô tô?
- Cái đó là tùy thuộc vào 2 thành phố. Tôi nghĩ với một cái khung lớn như vậy thì việc điều chỉnh ở giữa khung hay hết khung là quyền của 2 TP. Từ 2- 20 triệu đồng có rất nhiều mức khác nhau, mức 20 triệu đồng là mức tối đa được phép, còn mức bao nhiều, thời điểm nào áp dụng là do 2 TP. Điều này phụ thuộc vào tình hình kinh tế, giao thông và ý chí của Hội đồng nhân dân (HĐND) 2 TP.
- Như vậy có nghĩa là khi Thông tư có hiệu lực vào tháng 2 Hà Nội và TP.HCM chưa thể áp dụng ngay mức phí mới?
- Đúng vậy, đến tháng 2/2011 văn bản mới có hiệu lực thi hành, sau đó HĐND còn phải giao cho các cơ quan ban ngành đánh giá, dự báo phương án, trình ra UBND TP, rồi mới trình ra HĐND TP… Như vậy, cũng còn lâu văn bản này mới được triển khai.
- Sau khi có thông tin này, nhiều người đã đổ xô đi mua xe, gấp rút vội vàng đăng ký… Theo ông, việc đưa ra thông tin này có phải là cái chiêu để kích thích mua xe, kích thích tiêu dùng?
- Tôi nghĩ cũng có thể là như thế. Tôi cũng nhận được một số thông tin hỏi về việc có nên mua xe thời điểm này không, tôi có nói là nếu cần thiết mua xe dịp Tết thì mua, còn đây không phải là mua để liên quan đến thuế, bởi vì đến tháng 2 mới có hiệu lực, sau đó 2 TP còn phải xem xét xem có cần phải điều chỉnh hay không, và điều chỉnh bao nhiêu…
Vì vậy mà không việc gì phải đi mua xe vội vàng cả, vì đối với thuế rất minh bạch, trước khi có điều chỉnh đều có lấy ý kiến rộng rãi và phải có thời gian… Thông thường để ra một văn bản lấy ý kiến theo quy định thì phải đăng trên các trang web 60 ngày để có thời gian cho các cơ quan chuẩn bị. Như vậy, để ra văn bản không dưới 3-4 tháng…
- Ông có nghĩ rằng nhiều DN đã lợi dụng thông tin này để kích giá, kích tiêu dùng không?
- Có thể là như vậy, nhưng tôi cho rằng suy nghĩ như vậy là rất ấu trĩ. Vì trong văn bản ghi rất rõ, rất minh bạch rằng đấy là một cái khung, không phải là áp dụng ngay. Khi áp dụng phải thông qua HĐND TP, trong khi các tỉnh, TP khác vẫn không thay đổi…
- Xin cảm ơn ông.
Thanh Thanh