Những năm gần đây, nhất là sau dịch COVID-19, người Việt ngày càng quan tâm nhiều hơn tới vấn đề sức khỏe, cả về thể chất và tinh thần. Dạo một vòng quanh các nền tảng xã hội không khó để thấy chữa lành đang là một xu hướng được yêu thích, đặc biệt với giới trẻ.
1001 dịch vụ chữa lành
Nếu như trước đây, người ta thường chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất, nhưng ngày nay, sự cần thiết của việc chăm sóc cả sức khỏe tinh thần đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều thách thức tâm lý và căng thẳng cho mọi người, từ đó đẩy mạnh nhu cầu tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần và đồng cảm từ cộng đồng.
Cũng từ đó cụm từ “chữa lành” bắt đầu xuất hiện và được nhắc tới ngày một nhiều, dần trở thành một thuật ngữ riêng biệt về sức khoẻ tinh thần. Theo đó, chữa lành được dùng để thể hiện các biện pháp trong việc hàn gắn, phục hồi sức khỏe, thể chất cũng như cảm xúc, tâm lý, tình cảm con người sau các thương tổn.
Dạo một vòng quanh các nền tảng xã hội không khó để thấy chữa lành đang là một xu hướng được yêu thích, đặc biệt với giới trẻ. Điều này có thể được thấy rõ trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, giờ đây bất cứ hoạt động kinh doanh nào gắn với chữa lành đều được quan tâm và lan rộng nhanh chóng như du lịch chữa lành, vẽ tranh chữa lành, làm gốm chữa lành,…
Nhưng cũng chính vì nhu cầu chữa lành ngày một nở rộ, hàng loạt dịch vụ chữa lành “mọc lên như nấm sau mưa”. Đó chính là những khóa học “chữa lành tâm hồn” do một số cá nhân, tổ chức tự xưng là “chuyên gia tâm lý” mở ra để “cứu rỗi những tâm hồn bị tổn thương”. Chỉ cần tìm từ khóa “chữa lành” trên các nền tảng xã hội sẽ thấy hàng loạt nhóm cộng đồng với số thành viên lên tới hàng chục nghìn người được thành lập nhằm theo đuổi một phương thức chữa lành nào đó do các “chuyên gia tâm lý” tự phong giới thiệu. Thông qua các bài viết giảng giải, khuyên nhủ, “truyền cảm hứng”, chung quy lại đều nhằm lôi kéo tham gia các khóa học chữa lành có thu tiền.
Với tên gọi mỹ miều như “chữa lành trường sinh”, “chữa lành tâm linh”, “chữa lành tâm thức”, “chữa lành lượng tử”, các khóa học thông thường kéo dài từ một đến ba tháng dưới hình thức đào tạo trực tuyến hoặc trực tiếp, học phí tuỳ thuộc vào từng khóa học. Người trực tiếp giảng dạy là hàng loạt “chuyên gia chữa lành” đến từ đủ mọi ngành nghề khác nhau nhưng ai cũng có kinh nghiệm nhiều năm tham gia chữa lành cho hàng trăm, hàng nghìn người. Điểm chung của những chuyên gia này là không có bằng cấp hành nghề tâm lý trị liệu. Nếu có cũng chỉ là những “chứng chỉ quốc tế” vô danh được cấp sau 3 đến 6 tháng theo học. Thế nhưng, họ vỗ ngực tự phong cho mình những cái tên rất kêu như “chuyên gia chữa lành”, “huấn luyện viên chữa lành”, “nhà tư vấn chữa lành”,…
Theo phóng viên ghi nhận, trên một website giới thiệu khóa học với tên gọi “Chữa lành nỗi đau”, nếu như đăng ký học viên sẽ được tham gia vào lớp học trực tuyến có thời hạn một tháng do “chuyên gia tình cảm và chữa lành” đứng lớp. Thông tin quảng cáo cho thấy chuyên gia này có kinh nghiệm coaching (huấn luyện) tư vấn hơn 5 năm và đã chữa lành nỗi đau tâm lí cho hơn 5.000 người. Nội dung khóa học gồm các giai đoạn như đối mặt với nỗi đau, chấp nhận và chuyển hoá nỗi đau, thức tỉnh sức mạnh bên trong,… Học phí để tham gia lớp học nói trên rơi vào khoảng 2 triệu đồng sau giảm giá 40% và được tặng kèm thêm 1 khóa học ngắn ngày khác.
Một hình thức khác được giới thiệu trong “Cộng đồng khóa học chữa lành” trên Zalo phải kể đến khóa Tarot chữa lành: hiểu và chữa lành cho chính mình và những người xung quanh. Khóa học do “Phù thuỷ Tarot” với chứng nhận chuyên môn về chữa lành và dạy về chữa lành thông qua năng lượng, 10 năm kinh nghiệm xem Tarot và 5 năm dạy cho hàng ngàn học viên. Theo giới thiệu, chỉ với học phí gần 2 triệu đồng và sau 4 tuần tham gia, học viên hoàn toàn có khả năng sử dụng bài Tarot để chữa lành cho bản thân và những người xung quanh, nâng cao tri thức và thay đổi tầm nhận thức, qua đó nâng cấp bản thân và bình an hơn.
Theo quan sát, 2 triệu đồng là số tiền trung bình học viên chi trả cho một khóa học chữa lành trên thị trường hiện nay. Nhưng theo lời quảng cáo, mức giá này chỉ dành cho những người được hưởng chương trình khuyến mãi như giảm giá 50% chào hè, 40% cho 50 người đầu tiên đăng ký,… tức giá trị thật của khóa học lên đến 4 - 5 triệu đồng. Nhiều chương trình còn có dạng giới thiệu người quen tham gia cùng sẽ được tặng tiền mặt hay hoàn tiền 10% khóa học. Những gói hỗ trợ giảm giá, giới thiệu ăn hoa hồng chính là chiêu thu hút học viên được nhiều khóa học áp dụng.
Đủ chiêu quảng cáo khóa học chữa lành trên mạng. (Ảnh chụp màn hình) |
Cẩn thận “tiền mất, tật mang”
Chị P.Thảo (31 tuổi, Hà Nội) cho biết chị cũng từng đăng ký tham gia vào một khóa học chữa lành trực tuyến khi thấy quảng cáo trên mạng xã hội. Lúc đó chị đang gặp một số vấn đề trong cuộc sống, thấy chán nản và mệt mỏi nên khi thấy khóa học lì xì 50% học phí còn 1,5 triệu đồng, chị đã đăng ký ngay với mong muốn chữa lành tâm hồn. Thế nhưng “đời không như là mơ”, sau khi tham gia vào khóa học được vài ngày chị liền nhận ra bản thân không những không được chữa lành mà còn “tiền mất, tật mang”.
“Vào khoảng tháng 3 năm nay, tôi có tham gia lớp học chữa lành do một thầy giáo tự nhận là chuyên gia trong ngành đứng lớp. Sau khi tham gia vài buổi phải công nhận là thầy giáo rất khéo mồm, khuyên bảo đủ thứ chuyện trên trời, dưới biển. Chán tâm sự chuyển qua ngồi thiền, tập hít thở sâu, nghe nhạc và cả tập hét thật lớn để giải phóng tâm hồn. Theo được nửa khóa học tôi bỏ ngang giữa chừng vì chẳng giải quyết được vấn đề gì mà chỉ tốn thời gian, tốn tiền”, chị P.Thảo chia sẻ.
Còn với chị L.Chi (26 tuổi, Hà Nội) cứ nhắc đến khóa học chữa lành là chị phát sợ sau một lần trải nghiệm cho biết: “Có lần đang đi dạo trên hồ Hoàn Kiếm thì có một bạn sinh viên chạy ra nhờ tôi làm một khảo sát về tâm lý, tôi nghĩ đó là bài tập môn học trên trường nên vui vẻ giúp đỡ. Trong khảo sát có những câu hỏi khá tế nhị như lần cuối bạn khóc là khi nào, kể về biến cố gần đây nhất của bạn và cả thông tin liên lạc. Sau ngày hôm đó tôi liên tục nhận được những cuộc điện thoại làm phiền giới thiệu về khóa học chữa lành, thậm chí họ còn gửi cả quảng cáo đến email và địa chỉ nhà tôi. Vì bị làm phiền quá nhiều tôi cũng đồng ý tham gia một buổi trải nghiệm thử của họ, đến nơi chỉ có ngồi thiền và nói chuyện với nhau, kết thúc buổi học cô hướng dẫn hỏi tôi có muốn tham gia không, tôi không tham gia và bị thu 500 nghìn đồng cho phí học thử, trong khi trước đó không hề nhắc đến”.
Có thể thấy, các khóa học chữa lành nhan nhản trên mạng đã và đang bộc lộ những dấu hiệu của việc trục lợi và lừa đảo. Không chỉ lừa đảo nạn nhân mua khóa học “vô thưởng vô phạt”, nhiều khóa học chữa lành thực chất còn là những nhóm bán hàng đa cấp trá hình, tại đó các “chuyên gia” tích cực mời chào học viên mua “vật phẩm chữa lành”, “thực phẩm chữa lành” không rõ nguồn gốc, xuất xứ với giá trên trời. Thực tế cho thấy ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng những chiêu thức và thủ đoạn tinh vi, thậm chí lợi dụng nỗi đau tâm lý của người bệnh, dùng cái mác “chuyên gia” để lấy lòng tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng hoành hành.
Theo Bộ Y tế, hiện cả nước chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu. Chỉ các tuyến tỉnh và trung ương mới có các chuyên khoa tâm thần cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị lĩnh vực tâm thần. Do đó, người dân cần hết sức thận trọng với những chuyên gia tâm lý tự xưng trên mạng xã hội bởi rất nhiều trường hợp là giả mạo.
Đơn cử năm 2023, trên mạng xã hội, một người tự xưng là bác sĩ quân y Phạm Văn Chơn, làm việc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đối tượng này thường xuyên chia sẻ liệu pháp ăn chay tự chữa lành mọi bệnh. Tuy nhiên, đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã khẳng định, Phạm Văn Chơn không phải là người công tác tại bệnh viện...
Ngày nay, trong xã hội đầy áp lực, mong muốn được xoa dịu, chữa lành những tổn thương, nỗi đau về thể chất và tinh thần, vứt bỏ những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, bất an để thư thái, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn... được cho là nhu cầu bình thường của nhiều người. Tuy nhiên, nhu cầu này lại chính là “miếng mồi béo bở” cho nhiều đối tượng lợi dụng, trục lợi gây bức xúc dư luận. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát, quản lý các dịch vụ chữa lành tự phát, tránh để xảy ra tình trạng người dân “tiền mất, tật mang”.