Mặc dù pháp luật đã đưa ra những qui định “cấm” và hình thức xử phạt rất nghiêm khắc, nhưng trên thực tế tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương, đặc biệt ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa như một vấn nạn xã hội và kéo theo nó là những hệ lụy nghiêm trọng.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Luật “chào thua” phong tục
Với quan điểm, tảo hôn thực chất là tệ nạn xã hội, pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước ta đã qui định “cấm tảo hôn” (khoản 2 Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình), phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đến 200.000 đồng đối với hành vi tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn (điểm b Điều 6 Nghị định 87/2001/NĐ-CP), tảo hôn, tổ chức tảo hôn cũng bị coi là những tội phạm hình sự (điều 148 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Mô hình “can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết” được thí điểm triển khai tại 5 tỉnh (Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu và Đak Lak) lấy công tác vận động, tuyên truyền là chính để giúp người dân nhận thức và thay đổi hành vi. Nếu năm 2009, tỷ lệ tảo hôn ở Lai Châu là 45,8% thì năm 2010 giảm còn 23,6%; tỷ lệ kết hôn cận huyết từ 18,8% giảm xuống còn 6,25%, trong đó các xã thực hiện mô hình đã chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết và giảm tình trạng tảo hôn. |
Nhưng hàng ngày, ở nhiều địa phương (thường là các tỉnh miền núi Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên hay ở đồng bằng sông Cửu Long, cá biệt cả ở các thành thị miền xuôi như TP.HCM), những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”, không chỉ là người dân tộc thiểu số mà cả người Kinh, vẫn nghiễm nhiên trở thành “vợ chồng” theo phong tục, tập quán vì “luật là một chuyện, nhưng phong tục, tập quán lại là chuyện khác” như cách lý giải của một Phó Bí thư xã đoàn ở Đăk Lăk.
Được xem là chuyện rất bình thường, nhiều đám cưới “tảo hôn” của các các cô dâu chú rể đang học lớp 5-6 đã diễn ra với sự chứng kiến của họ hàng, láng giềng và sự “ngó lơ” của chính quyền và các tổ chức xã hội, đoàn thể địa phương. Sau đó là sự đói nghèo và sự ra đời của những đứa trẻ khi cha mẹ chúng mới chỉ 15-16 tuổi, để rồi chúng cũng sẽ lại “tảo hôn”, “vẽ” tiếp vòng luẩn quẩn đói nghèo, thất học như cha mẹ chúng…
Theo kinh nghiệm của các địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao, vì phong tục “bắt chồng”, “bắt vợ”, nếp nghĩ “lấy vợ, lấy chồng ở tuổi 15-16”, sớm có “con đàn cháu đống”… đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên việc vận động họ từ bỏ “là bài toán khó đối với chính quyền địa phương”, nhất là khi người dân hầu như không nhận thức được hậu quả của nạn tảo hôn. Ở trường cấp I-II Vừ A Dính (xã Đak Som, huyện Đak Glong, tỉnh Đak Lak) chỉ có 1% học sinh nữ học đến lớp 7, còn lại chỉ học đến lớp 6 đã nghỉ ở nhà đi lấy chồng. Trong vòng từ năm 2008-2011, Long An đã phát hiện đến 110 trường hợp tảo hôn “nhưng con số tảo hôn thực tế cao hơn rất nhiều” – theo nhận định của Sở Tư pháp tỉnh.
Hậu quả nặng nề nhất mà nạn tảo hôn gây ra chính là “làm suy thoái chất lượng giống nòi và là rào cản cho việc triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Bao giờ hết cảnh “vợ chồng non”?
Đó là mong muốn không chỉ của những người làm công tác tư pháp hộ tịch mà còn là mục tiêu trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo nhận định chung, đến thời điểm này, nạn “tảo hôn” vẫn còn “đất sống” lỗi phần nhiều tại… người lớn. Chính quyền hoặc “làm ngơ” vì thường chỉ biết khi đám cưới đã diễn ra hoặc gọi đôi “vợ chồng non” và cha mẹ chúng lên Ủy ban “giáo huấn cho 1 buổi” rồi “cho về… sống tiếp”.
Coi như “việc đã rồi”, “cưới để hợp thức hóa cái thai ngoài ý muốn, để có thêm người lao động, để con cái sớm “yên bề gia thất”… là vô vàn những lý do khiến các bậc cha mẹ, nhất là những người có trình độ học vấn thấp, thúc giục, tạo điều kiện xây dựng nên những “cặp vợ chồng trẻ con”. Nhất là khi nếu có bị phạt thì cùng lắm là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (từ 50.000 đến 200.000 đồng) khiến các bậc phụ huynh… “chả bõ sợ”.
Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, sự nghèo nàn về đời sống tinh thần của một bộ phận thanh thiếu niên, vấn đề giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên chưa được quan tâm đúng mức… cũng đã “tiếp sức” duy trì nạn tảo hôn khi chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.
Xóa bỏ hủ tục, đẩy lùi tình trạng tảo hôn cần được tiến hành kiên quyết từng bước theo một quá trình và cần nhiều thời gian để tuyên truyền, vận động vì đây là vấn đề thuộc về nhận thức. Kết quả công tác tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình thời gian qua cũng đã cho thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền khi đem lại những tác động mạnh mẽ lên ý thức của người dân về việc chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Song đáng lưu ý là tỷ lệ tảo hôn có chiều hướng giảm ở những địa phương mà chính quyền vào cuộc mạnh mẽ. Nên nếu không sớm có giải pháp hữu hiệu, chính quyền địa phương không cương quyết thì dù nhận thức của người dân về vấn nạn tảo hôn có được cải thiện, vẫn khó hết cảnh những đứa trẻ “chưa hết tuổi trẻ con đã phải thành người lớn vì bước vào hôn nhân quá sớm”…
Theo thống kê tại 8 địa phương được chọn điểm khảo sát về tình trạng tảo hôn có 3.072 cặp tảo hôn, trong đó: Điện Biên: 1.1.27 cặp; Gia Lai: 974 cặp; Lào Cai: 262 cặp: Kon Tum: 232 cặp; An Giang: 185 cặp; Đồng Tháp: 179 cặp; Ninh Thuận: 76 cặp: TP.HCM: 37 cặp. Số cặp tảo hôn chiếm số lượng lớn là thuộc các dân tộc thiểu số như Điện Biên có đến 99,9%, người dân tộc Kinh cũng chiếm tỷ lệ cao như TP.HCM là 94,5%; An Giang là 60,5%, Đồng Tháp thì 100% người tảo hôn là dân tộc Kinh. |
Huy Anh