Ngày ngày, hàng chục người ngang nhiên ngồi uống nước, bất chấp vi phạm an toàn giao thông đường sắt và ảnh hưởng đến tính mạng của chính mình. Thậm chí, thời gian buổi trưa và cuối chiều nhiều quán nước đông người không đủ ghế ngồi, họ ngồi tạm ở đường ray để uống trà. Thậm chí xe máy của đội xe ôm cũng để luôn trên đường ray chứ không phải ở một vị trí an toàn nào khác.
Anh Nguyễn Văn Thái quê ở Kiến Xương, Thái Bình đi chăm người nhà ốm ở Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Tôi thấy cũng có công an phường ra dẹp. Khi có công an thì họ giả vờ dẹp vào nhưng công an đi rồi lại dọn ra và bán hàng bình thường. Mọi thứ lại đâu vào đấy”.
Và cũng như vậy khi có tàu tới khách thì cầm cốc nước chạy qua chỗ khác đứng, chủ hàng nhanh tay dọn dẹp ghế, thuốc..., tàu đi rồi mọi thứ lại tiếp diễn nhộn nhịp. Mùa mưa, mùa nắng mấy hàng quán này còn có bạt để che chắn. Tuy chỉ che chỗ ngồi của người bán thôi nhưng cũng thấy rõ được sự vi phạm về cảnh quan đô thị và an toàn giao thông đường sắt.
Hiện nay, các hàng quán ở ray tàu chỉ mở từ sáng đến 2 giờ chiều. Tuy nhiên, họ nghỉ không phải vì sợ tàu mà chỉ vì “công an dạo này làm gắt quá”. Nghĩa là mấy hôm nữa hết "gắt" họ lại bán cả ngày cả đêm.
Nhiều người dân tỉnh lẻ xuống đây chăm bệnh nhân không thể hiểu hết được mức độ nguy hiểm của việc hoạt động gần đường ray tàu hoả, nên nhiều khi đã nhìn thấy tàu nhưng vẫn thản nhiên ngồi, mặc cho mọi người nhắc nhở. Thiết nghĩ, nếu không có những hàng nước ở đây thì sẽ không có cảnh thản nhiên đùa với “tử thần” coi thường tính mạng như thế và là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng , đáng tiếc.