Tham nhũng là “bóng tối vươn theo quyền lực”
Theo TS. Nguyễn Xuân Trường, tham nhũng xảy ra ở tất cả các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế giàu hay nghèo… Tham nhũng luôn song hành cùng quyền lực, nhiều người coi tham nhũng là “bóng tối vươn theo quyền lực”, là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực…
Thời gian qua, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã có một bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Kế thừa, phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng lần này đã thể hiện tổng thể, có hệ thống, toàn diện nhưng rất khái quát về mục tiêu, quan điểm và những giải pháp chủ yếu PCTN trong giai đoạn hiện nay, trong đó có một số điểm mới.
Một là, xác định rõ cuộc đấu tranh PCTN đòi hỏi phải kiên trì, liên tục với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị. PCTN là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, khẳng định rõ không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự trong PCTN. Quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng phải xem xét, đánh giá khách quan, biện chứng, thận trọng, làm rõ động cơ, mục đích sai phạm để phân biệt hành vi của những người dám nghĩ, dám làm, có động cơ trong sáng vì sự nghiệp đổi mới đất nước với hành vi của những người có động cơ tư lợi cá nhân để xử lý phù hợp, động viên, khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đi đầu, đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung của đất nước.
Ba là, coi trọng giáo dục liêm chính, kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đó là ý thức tự giác chấp hành các quy định về PCTN; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng.
Bốn là, đẩy mạnh kiểm soát quyền lực để PCTN. Kịp thời xử lý, điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp. Xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Năm là, từng bước mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước để ngăn chặn sự cấu kết giữa cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước thoái hóa, biết chất với đối tượng hoạt động ở khu vực ngoài Nhà nước.
Tiến hành đồng bộ, tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp
TS. Nguyễn Xuân Trường cho hay, Đảng ta đã xác định, để công tác PCTN đạt hiệu quả, cần tiến hành đồng bộ, tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng.
Để đạt được hiệu quả cao nhất trong hoạt động PCTN thì nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm có ý nghĩa và quyết định thắng lợi trong cuộc chiến PCTN hiện nay là:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng thông qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong đó chú trọng xử lý cả các vụ việc tiêu cực trong cán bộ, đảng viên có tính chất phức tạp, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm.
Thứ hai, phải đẩy mạnh giáo dục liêm chính, hình thành văn hóa nêu gương, “nói đi đôi với làm” trong cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu; văn hóa “trọng liêm sỉ, danh dự” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và văn hóa “căm ghét tham nhũng” trong đại bộ phận quần chúng nhân dân.
Thứ ba, phải tiếp tục nghiên cứu xây dựng và thực thi có hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để PCTN. Chú trọng kiểm soát quyền lực, phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tiêu cực, tham nhũng ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng.
Từ những nhận định và đánh giá đó có thể thấy, Đảng, Nhà nước ta đã rất quyết liệt và sẽ kiên quyết diệt trừ tận gốc vấn nạn này.
Để những nội dung quan trọng trên của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, TS. Nguyễn Xuân Trường cho rằng, có nhiều việc cần làm, trong đó, cần tập trung vào 02 đề chính. Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải nghiêm túc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN bằng những chương trình hành động, kế hoạch thực hiện rất cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN. Quyết tâm và thực hiện có hiệu quả việc lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ PCTN của mỗi cán bộ, đảng viên là tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá phẩm chất, năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ cũng như việc xem xét để quy hoạch, bồi dưỡng, đề bạt vào những vị trí cao hơn đối với người đứng đầu và mỗi cán bộ, đảng viên. Đây chính là điều kiện ràng buộc và sự hình thành động lực tự thân bên trong để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tự giác, nghiêm túc đấu tranh PCTN.
Hai là, thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về PCTN để kịp thời đánh giá, biểu dương, khen thưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân làm tốt, có thành tích, cũng như xử lý nghiêm minh các sai phạm nếu có.