Theo Nghị quyết Đại hội XIII, đột phá chiến lược đầu tiên là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.
Liên quan đến chiến lược xây dựng thể chế, Đại biểu Quốc hội (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) Đỗ Văn Sinh nhìn nhận, trong thời gian qua, Quốc hội cùng Chính phủ đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật, triển khai hệ thống pháp luật. “Về việc này tôi đánh giá hiện nay chúng ta đang làm tốt và thời gian tới sẽ phải làm tốt hơn” - ông Sinh nhận định. Tuy nhiên, theo ông Sinh, trong thời gian qua, một số đạo luật đã ban hành, việc triển khai tức là thể chế ra dưới hình thức Nghị định, Thông tư đôi khi vẫn còn chậm, dẫn đến việc triển khai ở cấp cơ sở, các doanh nghiệp, người dân còn gặp khó khăn, thậm chí chồng chéo.
Ông Đỗ Văn Sinh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị |
Đột phá chiến lược thứ hai được Nghị quyết Đại hội XIII chỉ rõ là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh đồng tình, hiện tất cả đánh giá đều cho thấy có những bước tiến trong phát triển nguồn nhân lực. Song, nhìn nhận thực chất nguồn nhân lực của chúng ta đang thiếu, kể cả trong hệ thống chính trị từ cấp chiến lược và nguồn nhân lực chất lượng cao… đều có nhiều bất cập so với yêu cầu.
“Vấn đề này có liên quan tới việc triển khai các thành tựu khoa học ứng dụng. Tuy khoa học ứng dụng của nước ta có những bước tiến lớn nhưng thực tế vẫn còn nhiều đòi hỏi và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động cuối cùng, đặc biệt là hoạt động kinh tế, dẫn đến năng suất lao động còn thấp. Và cũng phải nhìn thẳng một thực tế, thành tựu khoa học ứng dụng có bước tiến nhưng so với thế giới chúng ta vẫn còn ở phía sau và vẫn còn chậm” - ông Sinh phân tích.
Đột phá thứ ba về xây dựng kết cấu hạ tầng, Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Về vấn đề này, ông Sinh thẳng thắn cho hay, hạ tầng của ta hiện đang rất thiếu. Đặc biệt là hạ tầng kinh tế, từ giao thông với các loại hình đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Hệ thống đường sắt nhiều thập kỷ qua không được cải thiện và có xu hướng ngày càng thụt lùi. Đường sắt đô thị cũng vậy, nhiều dự án triển khai rất chậm, giao thông ách tắc.
“Tôi thấy kết cấu hạ tầng năng lượng dù có bước tiến nhưng đã bền vững chưa? Rõ ràng chúng ta phải tính toán cân đối và tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nhưng không được phá vỡ, hủy hoại môi trường từ khai thác khoáng sản...” - Đại biểu Sinh đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, ông quan niệm, về hạ tầng công nghệ thông tin, ai cũng nói giờ là thời đại 4.0 nhưng câu chuyện nằm ở chỗ là 4.0 của chúng ta đang chạy đến đâu so với thế giới? Đây là bài toán khổng lồ mà đặc biệt nếu không làm tốt hạ tầng công nghệ thông tin thì chắc chắn Việt Nam sẽ rất khó tiến. Bởi cải cách được công nghệ ta sẽ có nhiều lợi thế như tăng cường năng lực cạnh tranh, đời sống người dân được cải thiện, đỡ lãng phí thời gian, tiền của cho các thủ tục hành chính. Hạ tầng về ứng phó biến đổi khí hậu, nhiều con sông bị xâm nhập mặn. Ngay cả hạ tầng về giáo dục, y tế… dù có bước tiến nhưng so với yêu cầu của 5 năm nữa để Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo Nghị quyết thì còn cả chặng đường phấn đấu cực kỳ quyết liệt để có thể đạt được mục tiêu.