Sáng nay (14/11), Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 2 thảo luận ở hội trường về dự án Luật quảng cáo dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Dự thảo Luật quảng cáo gồm 5 chương 47 điều, điều chỉnh về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó.
Cần cấm quảng cáo rượu, bia triệt để?
Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh về một số vấn đề liên quan đến việc quy định tại Điều 8 (Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo) và Điều 9 (Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo).
Theo dự thảo tại Điều 8, hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật, gồm: Thuốc lá; rượu có nồng độ cồn từ 30 độ trở lên;các sản phẩm thay thế sữa mẹ, bình bú và vú ngậm nhân tạo dùng cho trẻ theo quy định của pháp luật về y tế; thuốc kê đơn, thuốc gây nghiện; thuốc hướng tâm thần theo quy định của pháp luật về y tế; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; vắc-xin, sinh phẩm y tế để phòng bệnh; các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục; súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
Tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tiên (tỉnh Bình Thuận) cho rằng, dư luận xã hội đang phản ứng rất gay gắt về thực trạng mất an toàn giao thông trên toàn quốc. Đại biểu Tiên còn nhấn mạnh, có 40% số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện say rượu, bia gây ra; 60% người vi phạm trật tự an toàn giao thông bị xử lý có nồng độ cồn trong cơ thể.
Điều này, Bộ Giao thông vận tải và ngành Cảnh sát giao thông đang có những kiến nghị xử lý nghiêm khắc đối với trường hợp người tham gia giao thông lạm dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong khi đó,
Điều 8 dự thảo Luật quảng cáo có nội dung quy định “cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 30 độ trở lên”. Các doanh nghiệp sản xuất rượu bia rất dễ lạm dụng điều “cấm mang tính mở” này quảng cáo rượu có nồng độ cồn là 29,5 độ…
Do vậy, Đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề nghị Quốc hội nên đưa quy định cấm vào Luật quảng cáo cấm triệt để việc quảng cáo rượu, bia dưới bất kỳ hình thức nào.
Lọt lưới “quảng cáo trên điện thoại và loa phóng thanh di động”?
Liên quan đến các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo được quy định tại Điều 9 của Dự thảo, đại biểu Lê Thị Tám (Nghệ An) kiến nghị, cần bổ sung một số quy định cấm quảng cáo dưới hình thức truyền miệng, nhóm họp để bán hàng đa cấp; loại bán hàng này sinh lời rất lớn, nhưng lại chưa có điều luật nào của cơ quan quản lý nhà nước về thuế điều chỉnh.
Mặt khác, đại biểu Lê Thị Tám còn kiến nghị Quốc hội nên đưa vào Điều 9 Luật quảng cáo một số hành vi cấm như: Cấm quảng cáo trên điện thoại và loa phóng thanh di động.
Để thực hiện các việc cấm trên, đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đông Nai) cho rằng, Luật quảng cáo đụng đến nhiều ngành, nhiễu lĩnh vực, điều chỉnh nhiều góc cạnh xã hội. Trong khi đó, đời sống xã hội đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ, quảng cáo ngày càng phức tạp với nhiều loại hình, chiêu thức khác nhau…
Do vậy, đại biểu Dương Trung Quốc có kiến nghị, cần phải có thanh tra quảng cáo riêng biệt; nếu không thanh tra văn hóa sẽ “bơi” trong lĩnh vực rất rộng, để xử lý vi phạm.
Điều 9. Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo 1. Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng. 2. Quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. 3. Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy. Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 4. Quảng cáo gây thiệt hại đến lợi ích của tổ chức, cá nhân; xúc phạm, uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân. 5. Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết, của cá nhân khi chưa được các nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. 6. Quảng cáo không đúng về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. 7. Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dich vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác. 8. Quảng cáo có sử dụng các thuật ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một”, “siêu việt”, “hàng đầu”, hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh. 9. Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. 10. Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. 11. Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em. 12. Quảng cáo dưới hình thức phát tờ rơi, tờ gấy, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo ngoài nơi quy định. |
Trọng Hùng