Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút hơn 10 triệu lượt khách mỗi năm
Với lợi thế thiên nhiên ưu đãi, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Bà Rịa – Vũng Tàu xác định tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Năm 1991, ngành du lịch tỉnh được người dân biết đến với thương hiệu “Ô Cấp”, “Vũng Tàu”, thời điểm này, toàn tỉnh chỉ có khoảng 10 khách sạn và một số nhà nghỉ, phòng trọ tư nhân. Các loại dịch vụ phục vụ du lịch khác như: du lịch lữ hành, cửa hàng mua sắm, lưu niệm, vui chơi giải trí, thể thao du lịch, chăm sóc sức khỏe du lịch… hầu như chưa có. Trải qua 30 xây dựng, đến nay ngành du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu đã có những bước phát triển vượt bậc, hướng đến du lịch chất lượng cao.
Năm 2020, toàn tỉnh có 1.235 cơ sở lưu trú kinh doanh phục vụ khách du lịch với hơn 26.000 phòng, trong đó số cơ sở lưu trú được phân loại xếp hạng từ 01 đến 05 sao là 170 cơ sở với 10.225 phòng. Từ chỗ, lượng khách du lịch đến tỉnh hàng năm chỉ vài chục ngàn người, đến nay lượng du khách đến tỉnh hằng năm trung bình khoảng 15 - 16 triệu lượt, trong đó khách lưu trú trên 3 triệu lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch (từ các cơ sở lưu trú) đạt bình quân trên 5.000 tỷ đồng/năm.
Lượng du khách đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hằng năm trung bình khoảng 15 - 16 triệu lượt |
Toàn tỉnh hiện có 132 dự án du lịch đang triển khai với tổng diện tích 2.973ha, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 42.000 tỷ đồng và hơn 9,1 tỷ USD. Các dự án phân bố chủ yếu trên tuyến ven biển Vũng Tàu - Long Điền - Đất Đỏ - Xuyên Mộc và huyện Côn Đảo. Trong đó, nhiều resort, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao hoạt động hiệu quả như: The Grand Hồ Tràm resort & casino, Vietsovpetro resort, Oceanami Villas & Beach Club, Lan Rừng resort Phước Hải, Sanctuary Hồ Tràm, Sixsenses Côn Đảo, Melia Hồ Tràm, khách sạn Pullman, Marina Bay Vũng Tàu, khách sạn Ibis...
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận xét: “So với các tỉnh, thành có lợi thế du lịch biển, công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật tạo không gian phát triển và thu hút đầu tư vào du lịch của Bà Rịa – Vũng Tàu rất bài bản. Nhờ vậy, các loại hình và sản phẩm du lịch phát triển đa dạng, đồng bộ với tốc độ nhanh, hấp dẫn du khách. Ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều resort ven biển vẫn có khách đến tránh dịch. Sau mỗi lần dịch được kiểm soát tốt, du khách lại tấp nập về Bà Rịa – Vũng Tàu nhờ vị trí địa lý thuận lợi, môi trường trong lành, cảnh quan đẹp và dịch vụ tốt”.
Đến với Bà Rịa – Vũng Tàu, du khách được trải nghiệm và tham quan hàng trăm danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Bãi Sau (Bãi Thùy Vân), Bãi Dứa (bãi Lãng Du), Bãi biển Long Hải, Bãi Trước (bãi Tầm Dương), Bãi Đầm Trầu, Mũi Nghinh Phong, Vườn quốc gia Côn Đảo, Bãi biển Hồ Tràm, Suối khoáng nóng Bình Châu, Khu du lịch Hồ Mây...
Bên cạnh những giá trị cảnh quan thiên nhiên, Bà Rịa – Vũng Tàu còn là miền đất có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời như: Hệ thống nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương, Công viên tượng đài, nhà lưu niệm anh hùng Võ Thị Sáu, Hòn Bà, Căn cứ Minh Đạm, Trận địa pháo cổ, Căn cứ cách mạng Núi Dinh, Dinh Cô, Hải đăng Vũng Tàu...Cùng với đó là những lễ hội, làng nghề truyền thống đặc sắc. Bà Rịa – Vũng Tàu còn thu hút du khách bởi hàng trăm món ngon, vật lạ như: Lẩu súng (canh chua tương me), Bánh khọt, Gỏi cá mai, Bánh hỏi An Nhứt...
Hướng đến du lịch chất lượng cao, hút khách quốc tế
Theo số liệu thống kê, doanh thu du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu hàng năm bình quân đạt từ trên 2.000 đến gần 3.000 tỷ đồng. Mặc dù, dẫn đầu về lượng du khách nội địa, nhưng lượng khách du lịch quốc tế đến Bà Rịa - Vũng Tàu lại thấp, khoảng trên 300 nghìn lượt khách mỗi năm. Do đó, trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành du lịch xác định hướng đến chất lượng cao, tập trung thu hút du khách quốc tế.
Ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến chất lượng cao, tập trung thu hút du khách quốc tế |
Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; tỷ trọng đóng góp hoạt động du lịch khoảng 12% của GRDP dự báo toàn tỉnh. Đến năm 2050, phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm vui chơi giải trí nghỉ dưỡng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á; cơ sở vật chất, hạ tầng hiện đại; nâng tổng doanh thu từ du lịch và dịch vụ liên quan, tỷ trọng đóng của hoạt động du lịch trong GRDP, thời gian lưu trú, mức chi tiêu bình quân của du khách gấp 02 lần năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, ngoài sự quyết liệt cải thiện môi trường du lịch từ chính quyền, các doanh nghiệp du lịch cũng cần quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư đầy đủ dịch vụ trong từng cơ sở lưu trú với các tiện ích hạng sang... Đặc biệt, hình thành các chuỗi khách sạn, resort cao cấp, khai thác lợi thế biển và phong cảnh hữu tình ven biển tạo nên hành lang kết nối Bà Rịa – Vũng Tàu với tuyến du lịch ven biển Nam Trung bộ và Đông Nam Á.
Đồng thời, tăng cường hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch với những chiến lược lâu dài, đổi mới hình thức và ứng dụng công nghệ vào việc quảng bá hình ảnh du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng thu hút, phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao.
Ông Trịnh Hàng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Với quyết tâm phát triển du lịch chất lượng cao, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sở Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch xây dựng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; đổi mới phương thức tuyên truyền, quảng bá, liên kết, xúc tiến du lịch; giao các sở, ngành, địa phương rà soát thu hồi các dự án chậm triển khai để giao cho nhà đầu tư có thực lực".
Đến năm 2050, phát triển tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu trở thành trung tâm vui chơi giải trí nghỉ dưỡng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á |
Nhằm khẳng định thương hiệu du lịch trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế, trước mắt, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ ưu tiên dành quỹ đất có vị trí thuận lợi để thu hút đầu tư những tổ hợp du lịch quy mô lớn, với các thương hiệu du lịch quốc tế cao cấp. Đồng thời, tỉnh có kế hoạch phục hồi thương hiệu các địa danh du lịch nổi tiếng của địa phương trước đây; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế du thuyền, kinh tế đêm, thúc đẩy phát triển du lịch bằng đường biển...
Mới đây, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề xuất nhận Giải thưởng Du lịch bền vững ASEAN năm 2022-2023 với chủ đề “Du lịch an toàn”. Theo đó, TP. Vũng Tàu được đề xuất danh hiệu Giải thưởng thành phố Du lịch sạch ASEAN và huyện Châu Đức được lựa chọn đề xuất giải thưởng Sản phẩm du lịch bền vững nông thôn ASEAN. Qua đó, tạo sự lan tỏa, quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng.
Trải qua 30 năm xây dựng, phát triển kinh tế, hoạt động du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu đã có nhiều bước tiến lớn, khẳng định vai trò, vị trí của ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và hướng đến trở thành thương hiệu du lịch nổi tiếng trong mắt bạn bè thế giới.