Thông tin tại cuộc họp báo của NHNN triển khai nhiệm vụ năm 2021 tổ chức ngày hôm qua, 24/12, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, năm 2020 hoạt động của ngành ngân hàng bị tác động trên cả 02 khía cạnh: Cầu tín dụng thấp mặc dù các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đưa ra nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, quy mô lớn; Khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng đúng hạn, trong đó dư nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 26% tổng dư nợ toàn hệ thống; khoảng 45 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL, bão lũ miền Trung, Tây Nguyên, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ gia tăng nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, với các giải pháp tổng thể của Chính phủ, cùng với giải pháp của ngành ngân hàng đã tạo đà góp phần phục hồi tăng trưởng tín dụng (TTTD).
Theo đó, mặc dù nửa đầu năm 2020 tín dụng tăng chậm, song đã phục hồi từ quý 2 khi cầu tín dụng bắt đầu tăng, cụ thể: Đến cuối quý 1/2020 TTTD chỉ có 1,31%, thì cuối quý 2/2020 đã tăng dần lên 3,65%, cuối quý 3 tăng 6,08% và đến 21/12/2020 tín dụng đã tăng 10,14%, dự kiến tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 10,5% so với cuối năm 2019.
Trong đó, cơ cấu tín dụng chuyển dịch phù hợp với cơ cấu các ngành trong GDP, cụ thể, so với cuối năm 2019, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản tăng khoảng 8,63% (chiếm 8,59% tổng dư nợ toàn nền kinh tế); ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,9% (chiếm 28,38%); ngành thương mại dịch vụ tăng 11,5% (chiếm 63,03%).
Đặc biệt, tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên như: so với cuối năm 2019, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 10,4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 9,8%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11%...; Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.
Riêng với các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH, dư nợ đạt 225.376 tỷ đồng, tăng 8,98% so với 31/12/2019, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ; Dư nợ tín dụng trên địa bàn các xã trên toàn quốc phục vụ Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới đạt khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm 48% tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, năm 2020, mục tiêu TTTD dự kiến là 14%. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa xuất hiện dịch Covid-19. “Dịch Covid-19 là yếu tố khách quan, bất ngờ. Song nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên tín dụng tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm, đến nay là 10,14% và dự kiến tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019…”- Phó Thống đốc đào Minh Tú cho hay.
Về dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2021, trả lời PLVN, Phó Thống đốc cho biết, theo đánh giá nhận định, NHNN đang dự thảo và báo cáo Chính phủ TTTD năm 2021 khoảng 12%. “Tùy điều kiện kinh tế, có thể nới rộng 13- 14 %. Tuy nhiên, đây không phải là chỉ tiêu bắt buộc mà chỉ tiêu đưa ra để định hướng, tuy vào điều kiện cụ thể...”- Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Theo định hướng của NHNN, trong thời gian tới NHNN tiếp tục điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, TTTD theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu. Thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu TTTD đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, khả năng tài chính và khả năng TTTD lành mạnh; trong đó ưu tiên TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Chỉ đạo TCTD TTTD an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT; tăng cường quản lý rủi ro đối với tín dụng tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống.
Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019
Trong năm 2020, NHNN đã 03 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành; giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.