Sau ba tháng thực hiện chương trình bán hàng bình ổn năm 2013-2014, ngày 30/7, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Lê Ngọc Đào cho biết, các DN trong chương trình đã chủ động có kế hoạch, tăng lượng nguồn hàng, đảm bảo cung cầu cho thị trường.
Ảnh minh họa. |
Đối với chương trình lương thực thực phẩm, doanh thu tháng 6/2013 đạt hơn 813 tỷ đồng, tăng 6,15% so tháng cùng kỳ; tính chung cả 3 tháng đầu của chương trình đạt 2.447,38 tỷ đồng, tăng 8,66% so cùng kỳ. Có 2 nhóm hàng vượt kế hoạch là rau củ quả (137,2%) và thực phẩm chế biến (122,5%); các mặt hàng còn lại đạt xấp xỉ so với chỉ tiêu kế hoạch.
Chương trình bán hàng mùa khai giảng doanh thu tháng 6/2013 đạt trên 37,7 tỷ đồng, tăng 6,6% so cùng kỳ, tính chung 2 tháng (tháng 5 và 6) đạt 62,2 tỷ đồng, tăng 6,43% so cùng kỳ. Có một nhóm hàng vượt kế hoạch là đồng phục học sinh (168,6%); nhóm hàng vở học sinh đạt 75,8% so kế hoạch, cặp – ba lô – túi xách đạt 72,6% so kế hoạch do chưa vào mùa cao điểm nên sức mua chậm.
Năm 2013 là năm đầu tiên TP. Hồ Chí Minh triển khai chương trình bình ổn các mặt hàng phục vụ mùa khai trường xuyên suốt 12 tháng, kể từ ngày 1/4/2013 đến 1/4/2014. Để phục vụ cho mùa tựu trường niên học 2013-2014, các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra công tác tạo nguồn hàng của 7/13 DN, gồm Công ty Minh Tiến, Trương Vui, Nhân Văn, Tập Việt, Thành Công, Hương Mi và Phương Nam. Theo Sở Công Thương, các DN đã chuẩn bị lượng hàng tăng khoảng 15% so với bình thường, giá thấp hơn 10% so với giá thị trường.
Năm nay Saigon Co.op được giao 2 nhóm mặt hàng là tập vở và đồng phục học sinh bán trong chương trình bình ổn giá. Dự kiến Saigon Co.op sẽ bán 1,5 triệu quyển tập và 60.000 bộ đồng phục học sinh. Ngoài các sản phẩm của DN tham gia bán hàng bình ổn cung cấp, tại TP. Hồ Chí Minh Saigon Co.op còn có nhiều loại nhãn hàng riêng và bán với giá thấp hơn giá 10-30% so với hàng của các DN tham gia cung cấp hàng cho siêu thị này, trong đó đồng phục học sinh tăng 46%, tập vở tăng 27%.
Giá đồng phục học sinh bán trong chương trình hàng bình ổn dao động ở mức 60.000 -200.000 đồng/chiếc, riêng các loại tập vở giá không tăng so với năm ngoái.
Ngoài các cửa hàng cố định phục vụ học sinh, 217 chuyến bán hàng bình ổn lưu động đã được thực hiện đến với các vùng sâu vùng xa. Công ty Fahasa và Công ty CP Văn hóa Nhân Văn đã tổ chức 17 chuyến bán hàng lưu động phục vụ mùa khai giảng với doanh thu đạt hơn 651 triệu đồng và sẽ tổ chức 1.232 chuyến từ nay đến Tết Giáp Ngọ 2014.
Sau ba tháng thực hiện chương trình bán hàng bình ổn giá tại TP.Hồ Chí Minh, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện 4 đợt điều chỉnh giá bán các mặt hàng trong chương trình với 3 đợt giảm và 1 đợt tăng. So với đầu chương trình, hiện tại có 4 nhóm hàng giảm giá và 1 nhóm hàng tăng giá bán.
Bà Lê Ngọc Đào cho biết, trên địa bàn thành phố hiện đã có 7.412 điểm bán hàng bình ổn, tăng 483 điểm so đầu chương trình, tăng 3.410 điểm so đầu chương trình 2012 và tăng 7.168 điểm so năm 2008. Mục tiêu đến cuối chương trình bán hàng bình ổn năm 2013-2014 mạng lưới bán hàng ít nhất có thêm 525 điểm bán, trong đó có 5 siêu thị, 37 cửa hàng tiện lợi, 30 cửa hàng Co.op, 7 cửa hàng liên kết phụ nữ.
Đối với các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của đối tượng học sinh cho mùa khai trường sắp đến, bà Đào cho biết, các DN tham gia chương trình đã chuẩn bị được một lượng hàng hóa dồi dào, mẫu mã đa dạng, đủ sức cung cấp cho nhu cầu của người dân thành phố.
Mị Na