Qua trao đổi, các ý kiến chuyên gia đều lạc quan rằng chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu này. Song, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững vẫn có rất nhiều vấn đề cần nhận diện và tập trung giải quyết.
Điểm lưu ý với nền kinh tế “độ mở 200%”
PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, kinh tế 2019 có nhiều những triển vọng tốt nhờ tiền đề của năm 2018.
Cụ thể, những tháng đầu năm 2018, tăng trưởng của chúng ta rất cao mà dự báo thường là đầu năm cao thì cuối năm sẽ đi xuống. Nhưng, trên thực tế, cuối năm 2018 kinh tế của chúng ta vẫn đi lên dù gặp những tác động bất lợi do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay tình trạng bảo hộ rất mạnh của các nước.
PGS.TS Hoàng Văn Cường |
“Trong năm 2018 chúng ta không có gì đột biến nhưng kinh tế đi vào guồng tương đối đều trên tất cả các lĩnh vực như công nghiệp, chế tạo, chế biến dịch vụ, nông nghiệp… Như vậy, có thể nhìn thấy nền kinh tế đang đi theo một quỹ đạo tương đối ổn định. Với những tiền đề của 2018 như vậy thì sang năm 2019, chúng ta hy vọng những yếu tố này sẽ tiếp tục, thậm chí có những thuận lợi hơn do Chính phủ đang ngày càng quyết tâm hơn trong việc cải cách về mặt thể chế hay các nút thắt trong đầu tư công cũng đang dần được đẩy mạnh tháo gỡ”, ông Cường nhận định và cho rằng phát triển kinh tế năm 2019 sẽ không có gì khó khăn hơn so với năm 2018.
Thêm vào đó, trong năm 2019, chúng ta lại có một thuận lợi nữa là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực kể từ đầu năm. “Chúng ta sẽ nhận được một số tác động tích cực ngay, ví dụ như thị trường một số nước có thể mở hơn, thuế suất của một số nước chúng ta được cắt giảm ngay, trong khi trong ba năm đầu chúng ta chưa bị tác động ngược trở lại. Như vậy đây là một thuận lợi của chúng ta trong giai đoạn đầu để chúng ta có thể đẩy mạnh hơn xuất khẩu, mở rộng thị trường cho sản xuất. Chúng ta cũng có một thuận lợi nữa là khả năng thu hút đầu tư nếu chúng ta có một môi trường thực sự tốt”, ông Cường nói.
Tuy nhiên, theo ông Cường, kinh tế năm 2019 cũng phải đối mặt với những khó khăn từ thị trường quốc tế. “Khi quốc tế biến động mạnh thì rõ ràng sự sụt giảm mạnh của thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ rất lớn, mà Trung Quốc cũng là một thị trường xuất khẩu đang chiếm tỉ trọng cao của Việt Nam. Nếu Trung Quốc phá giá đồng tiền thì xuất khẩu của chúng ta sang sẽ bất lợi còn xuất khẩu Trung Quốc sang Việt Nam sẽ thuận lợi, khiến cán cân thương mại của chúng ta với Trung Quốc có nguy cơ bị âm. Đây là nguy cơ rất lớn”, ông nói.
Đối với những thị trường khác, khi chúng ta mở cửa, hàng hóa các nước cũng tràn vào. Nếu các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam không giữ được thị trường trong nước thì sẽ “mất sân” ngay trong nước chứ chưa nói xuất khẩu. Đây cũng là thách thức rất lớn. “Tất nhiên, trong cân đối chung, nếu điều hành tốt, đặc biệt là điều hành vĩ mô làm sao để không ảnh hưởng bởi phá giá đồng tiền của Trung Quốc, không mất lợi thế trong cán cân thương mại, rồi chúng ta vẫn giữ được xuất khẩu Việt Nam sang các nước như Mỹ không bị tác dụng ngược, xấu thì tôi nghĩ năm 2019 triển vọng sẽ tốt hơn năm 2018”, ông Cường bày tỏ.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng lạc quan về khả năng đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội đề ra. “Thách thức là rất lớn bởi tình hình kinh tế thế giới hiện nay đang có những diễn biến bất ổn và khó lường. Kinh tế một số nước như Nhật Bản hay châu Âu trong những tháng gần đây bắt đầu chững lại và đi xuống. Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, chính sách bảo hộ mậu dịch đang tạo ra những rào cản đến tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung. Một đất nước với độ mở kinh tế trên 200% như Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động từ thế giới. Đó là điểm mà chúng ta cần hết sức lưu ý”, ông Ngân nói.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân |
Ông Ngân cho rằng điều quan trọng bậc nhất là cần phải chú ý nâng cao năng lực ở các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp hay du lịch. “Những gì là thế mạnh của mình thì mình phải đầu tư chăm chút nhiều hơn để phát huy, để giữ được nền tảng vững chắc nhất trong tay”, ông Ngân khuyến nghị.
Về đầu tư nước ngoài, theo ông Ngân, chúng ta đang là một điểm đến của các doanh nghiệp nước ngoài nhưng cũng phải lường trước những rủi ro về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất hay những dòng chảy ngược, rút đầu tư ra. Do đó, ông Ngân nhấn mạnh, điều quan trọng là chúng ta phải có những đối sách cho những rủi ro có thể xảy ra, đồng thời phát huy những thế lực, tiềm lực của mình. “Có như vậy chúng ta mới đảm bảo kinh tế tăng trưởng một cách bền vững”, ông nói.
Đừng để hàng Việt thất bại ngay trên “sân nhà”
Trong bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen như vậy, theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, cả Chính phủ và doanh nghiệp cần phải nhìn rất rõ xem cơ hội của chúng ta là gì và cơ hội đó có được trong bao lâu, thách thức của chúng ta là gì và thách thức đó đe dọa ra sao, để chụp được cơ hội thì phải hành động như thế nào?
“Tôi cho rằng, bắt đầu vào đầu năm 2019, chúng ta phải có chương trình hành động rất quyết liệt từ phía Chính phủ cho tới các ngành hàng của Việt Nam. Chúng ta sẽ phải xem cần hành động ra sao để có thể chớp được cơ hội. Chúng ta phải có một lộ trình chứ nếu chỉ có nói không, không có những chương trình hành động và những việc làm cụ thể thì ngay cả những ngành ưu thế như dệt may thì 2 - 3 năm sau cũng sẽ mất thị trường. Bởi, chúng ta không có chuỗi cung ứng, không có nguồn gốc xuất xứ mà để có được những cái đó không phải hành động 1 - 2 năm là có được mà phải có sự chuẩn bị và có thời gian. Cho nên phải hành động ngay và phải có lộ trình mới thực hiện được”, ông Cường khuyến nghị.
Cùng với đó, việc quản lý nhà nước và thị trường phải hết sức chặt chẽ, tránh tình trạng sản phẩm của nước ngoài, hàng nhái, hàng giả vào trong nước rồi đội lốt hàng Việt.
Thứ ba là bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển hướng để củng cố niềm tin lòng tin của khách hàng. “Không chỉ những doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa mà những doanh nghiệp đang cung cấp các hàng hóa cho thị trường trong nước hiện đang có lợi thế rất lớn. Người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng chấp nhận sản phẩm hàng Việt Nam. Việt Nam có 95 triệu người, tức bằng 1/5 cả thị trường khối châu Á – Thái Bình Dương, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không làm tốt điều này mà để hàng hóa nước ngoài vào thay thế hàng Việt Nam thì chúng ta sẽ thất bại ngay trong “sân nhà” chứ không chỉ nói về vươn ra quốc tế. Do đó, cái mấu chốt hiện nay là doanh nghiệp phải Việt Nam phải chuyển hướng, không phải là người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nữa mà phải là hàng Việt Nam đáp ứng đúng nhu cầu của người Việt Nam”, ông Cường nói.
Nhìn nhận về Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết, đây là một thị trường với trên 500 triệu dân và là một thị trường xuất nhập khẩu 10.000 tỉ USD; nên khi hiệp định có hiệu lực sẽ mở ra một thị trường xuất khẩu lớn, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ được lựa chọn những mặt hàng tốt nhất, chất lượng cao nhất với giá cạnh tranh nhất từ các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến như Canada, Nhật Bản, Úc, New Zealand. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và du lịch từ khu vực này.
Hiệp định này cũng sẽ thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế của Việt Nam một cách mạnh hơn, nhanh hơn nữa, nhất là trong vấn đề minh bạch, công bố, công khai thông tin doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ, sở hữu trí tuệ, môi trường, an toàn thực phẩm… “Những vấn đề mà lâu nay chúng ta đang làm thì bây giờ sẽ thúc mình làm nhanh hơn”, ông nói. Ngoài ra, CPTPP cũng mở ra cơ hội đón chào một số quốc gia tham gia, tạo cơ hội rất lớn.
Song, thách thức đặt ra cũng không nhỏ. Bởi, Hiệp định sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho những nước có công nghệ tốt, chất lượng cao, năng lực cạnh tranh cao. Vì vậy, sản phẩm Việt Nam trên thị trường Việt Nam sẽ gặp áp lực.
“Cho nên chúng ta phải có một hệ thống các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như sản phẩm, thương hiệu Việt Nam ở ngay trên thị trường Việt Nam. Chính phủ phải có một gói hỗ trợ cụ thể và phải có một cẩm nang hết sức đơn giản để tất cả các tầng lớp kinh tế - xã hội, các thành phần kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể hiểu được vào đây mình sẽ có cơ hội gì, sẽ gặp những thách thức gì để có sự chuẩn bị”, ông Ngân nhấn mạnh.