Được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 4/2008, hôm qua, Dự án (DA) Liên hợp Lọc hóa dầu (LHD) Nghi Sơn chính thức ký hợp đồng EPC- thủ tục pháp lý cuối cùng để triển khai DA. Đây là DA LHD thứ hai sau Nhà máy lọc dầu Dung Quất được đầu tư xây dựng và là DA có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến Lễ ký kết hợp đồng EPC Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. |
“5 năm qua, nhiều khó khăn vướng mắc đã được giải quyết để có sự kiện ký kết ngày hôm nay. Tuy nhiên đây mới là bước ban đầu, chúng tôi xác định chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn để Dự án vận hành đúng tiến độ với chất lượng tốt nhất” - ông Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa xúc động.
Dự án LHD Nghi Sơn nằm ở Khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 9 tỷ USD, trong đó vốn của các nhà đầu tư (chủ Dự án) 4 tỷ USD, vốn vay dự kiến 5 tỷ USD. Các nhà đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm 25,1%; Cty Dầu khí Cô Oét (KPI/KPE) 35,1%; Cty Idemitsu Nhật Bản (IKC) 35,1%; Cty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) 4,7%.
Dự án có công suất lọc dầu 200 nghìn thùng/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm), nguyên liệu chủ yếu là dầu thô nhập khẩu từ Cô Oét. Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 4/2008, dự kiến cuối năm 2016 hoàn thành phần cơ khí và bắt đầu vận hành thương mại vào giữa năm 2017.
Theo Hợp đồng được ký kết giữa Cty TNHH LHD Nghi Sơn và Tổ hợp nhà thầu EPC, thời gian thiết kế, mua sắm, xây dựng đến hoàn thành cơ khí là 40 tháng; thời gian hỗ trợ chạy thử 8 tháng. Sản phẩm của nhà máy gồm: Khí hóa lỏng LPG 32 nghìn tấn/năm; xăng Ron92 là 1.131 tấn/năm; xăng Ron95 là 1.131 tấn/năm; nhiên liệu phản lực 580 nghìn tấn/năm; Diesel cao cấp 2.161 tấn/năm; Diesel thường 1.441 tấn/năm; Paraxylene 670 nghìn tấn/năm; Benzen 238 nghìn tấn/năm; Polypropylene 238 nghìn tấn/năm; lưu huỳnh rắn 244 nghìn tấn/năm. Liên hợp LHD Nghi Sơn là tổ hợp LHD chế biến sâu, tầm cỡ thế giới.
Nhà thầu EPC là liên danh nhà thầu do Cty JGC (Nhật Bản) đứng đầu và các thành viên khác gồm: Chiyoda (Nhật Bản), GS E&C (Hàn Quốc), SK E&C (Hàn Quốc), Technip France (Pháp), Technip Geoproduction (Malaysia). Đây là những nhà thầu đã có kinh nghiệm trong triển khai xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. “Chúng tôi đã đề xuất phương án tối ưu để tiết kiệm chi phí, nhưng mối quan tâm hàng đầu là bảo đảm sự vận hành tuyệt đối của Dự án” - ông Husain Esmaiel, Chủ tịch KPI kiêm Chủ tịch HĐTV Cty LHD Nghi Sơn cho biết.
Chủ tịch HĐTV PVN - ông Phùng Đình Thực - cho biết, LHD là 5 lĩnh vực kinh doanh chính của PVN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ hình thành 3 trung tâm LHD (Dung Quất, Nghi Sơn, Lam Sơn) với tổng công suất 30 triệu tấn/năm. Hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động ổn đinh đáp ứng được 30% nhu cầu năng lượng quốc gia.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định đây là một sự kiện, một cột mốc có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình xây dựng Dự án LHD Nghi Sơn. Dự án này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng mà này còn mang dấu ấn của tỉnh hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản - Cô Oét.
Thủ tướng cũng lưu ý khó khăn vẫn còn ở phía trước, và yêu cầu chủ đầu tư, tổng thầu EPC thực hiện đúng những gì đã cam kết để Dự án được triển khai đúng tiến độ, an toàn. “Về phần mình, Chính phủ sẽ cam kết làm hết trách nhiệm của mình để đảm bảo thành công của Dự án”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định...
Thanh Lan