Chờ “đèn xanh” từ Bộ Tài nguyên&Môi trường
Theo kế hoạch ban đầu, cuối tháng 4/2017, dự án trên đã phải khởi công phần cơ sở hạ tầng, và thời điểm này đã phải động thổ Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I tại Quảng Bình. Nhưng đến nay, cả 2 mốc tiến độ nói trên đều bị “trượt”.
“Việc khởi công chắc chắn phải dời sang năm 2018. Bởi đến thời điểm này, một số công việc vẫn chưa hoàn thành, trong đó có thủ tục pháp lý. Mà theo quy định, thì chưa thể làm gì được trên công trường khi chưa được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)”, lời Phó “Tổng” EVN Nguyễn Tài Anh.
- EVN đã là chủ đầu tư của nhiều dự án nhiệt điện rồi nhưng vì sao không chủ động được vấn đề này để tính toán và lập biểu đồ tiến độ cho phù hợp, thưa ông?
Dự án cơ sở hạ tầng, trước đây Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã lập ĐTM rồi, khi EVN vào tiếp quản cứ nghĩ là có thể kế thừa được thủ tục này từ PVN, nhưng do dự án trước đó để quá lâu không thực hiện nên ĐTM mà PVN lập trước đó không còn giá trị pháp lý. Vì thế, EVN phải bắt tay làm lại từ đầu.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng mất thời gian để tiến hành hiệu chỉnh lại thiết kế cơ sở, quy hoạch và báo cáo nghiên cứu khả thi (FS).
Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh: “Công nghệ siêu tới hạn sẽ được sử dụng ở Nhiệt điện Quảng Trạch” |
Đến thời điểm này, chúng tôi đã trình lại thủ tục, cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên&Môi trường cũng đã về Quảng Bình khảo sát thực địa. Dự kiến, trong nửa đầu tháng 12/2017, ĐTM của Dự án cơ sở hạ tầng và ĐTM của nhà máy sẽ được Bộ này phê duyệt. Theo nguyên tắc, khi đó, dự án mới có thể khởi công.
Dùng công nghệ tiên tiến, than nhập khẩu
- Ngoài thủ tục pháp lý, các công tác chuẩn bị đầu tư khác của EVN đối với dự án này đang diễn ra như thế nào?
Đại diện chủ đầu tư đã tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà thầu triển khai Dự án cơ sở hạ tầng và hiện đang chuẩn bị các thủ tục liên quan để sắp tới lựa chọn tổng thầu (EPC) thích hợp cho dự án.
Thời điểm này, đại diện chủ đầu tư đang cho kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện, nước phục vụ thi công để sang năm 2018 có thể bàn giao cho EPC triển khai ngay.
Theo kế hoạch, giữa tháng 12/2017 sẽ lựa chọn xong nhà thầu và chắc chắn ngay sau đó việc san gạt mặt bằng (khoảng hơn 560 ngàn khối) sẽ được tiến hành để phục vụ việc thi công nhà máy chính sau này.
Tỉnh Quảng Bình và EVN đối thoại với người dân về Nhiệt điện Quảng Trạch |
- EVN và Quảng Bình đã phối hợp triển khai dự án ra sao khi đến thời điểm này là đã hơn 1 năm tính từ thời điểm Chính phủ quyết định EVN thay PVN làm chủ đầu tư, nhưng khâu giải phóng mặt bằng vẫn chưa thể dứt điểm được, thưa ông?
Công tác giải phóng mặt bằng đang gặp khó khăn và thực tế nó cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao giữa PVN và EVN, kéo theo đó là việc chậm giao mặt bằng cho EPC để triển khai sau này. Nhưng về phía chủ đầu tư, chúng tôi vẫn đánh giá cao sự phối hợp, giúp đỡ của các cấp chính quyền ở Quảng Bình trong hơn 1 năm qua. Chúng tôi mong địa phương tăng cường hơn nữa công tác dân vận để người dân có được những hiểu biết đúng đắn về nhiệt điện và ủng hộ cho dự án.
Về phía mình, EVN cam kết sẽ sử dụng công nghệ “siêu tới hạn” - loại công nghệ cận dưới của công nghệ “siêu siêu tới hạn”, tức là loại công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay về nhiệt điện, do các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... chế tạo.
Còn than phục vụ nhà máy này là than Bitum nhập khẩu như đang sử dụng ở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Duyên Hải 3 mở rộng. Tro xỉ của loại này được sử dụng gần như toàn bộ để làm nguyên liêu đầu vào cho sản xuất xi măng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang có kế hoạch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức một cuộc Hội thảo “Giới thiệu công nghệ và giải pháp bảo vệ môi trường” đối với 1 dự án nhiệt điện ở Quảng Bình, trong một thời gian thích hợp, để người dân địa phương có cái nhìn toàn diện về loại hình phát điện này.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Đại diện chủ đầu tư sát cơ sở
“Sau khi vào tiếp quản dự án, đại diện chủ đầu tư đã phối hợp rất chặt, kịp thời với địa phương trong việc tiến hành các thủ tục giao nhận mặt bằng và bước đầu đã tuyên truyền, tổ chức cho cán bộ địa phương và người dân vùng dự án đi tham quan tại Nhiệt điện Duyên Hải II và Nghi Sơn để họ có thông tin và cái nhìn thực tế về nhiệt điện.
Đặc biệt, trong đợt mưa bão vừa qua, đại diện chủ đầu tư đã hỗ trợ kịp thời cho địa phương hơn 1, 2 tỷ đồng để tu sửa một số trường học và chia sẻ khó khăn cùng bà con”, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Ban quản lý dự án Nhiệt điện II (EVN).