Ba “sứ mệnh” trên một đường dây
Sau hơn 2 năm thi công, giờ là thời điểm những người thợ đường dây có mặt khắp Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam bộ đang từng ngày đếm ngược để chờ tới thời khác “cán đích” của Dự án điện đường dây 500kV (mạch 3) Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông.
Có tổng mức đầu tư lên tới hơn 9.000 tỷ đồng, công trình này cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ “siêu” quan trọng: Cấp điện cho nhu cầu tăng trưởng phụ tải của cả khu vực miền Nam ngay trong mùa khô 2014; tạo tiền đề để nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam; đồng thời liên kết lưới điện 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia trong giai đoạn sau năm 2015.
Ngoài ra, dự án năng lượng “khủng” này còn góp phần tăng tính liên kết lưới điện truyền tải cấp điện áp 500kV, đảm bảo vận hành hệ thống an toàn, kinh tế trong trường hợp cần trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng, miền trong cả nước.
Theo đại diện chủ đầu tư - Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung cho biết, đường dây trên dài hơn 437 km, vắt qua địa bàn 6 tỉnh, thành phố (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM), với nhiều loại địa hình, thời tiết cực kỳ khắc nghiệt. Chưa kể quá trình thực hiện, dự án còn đối mặt với không ít khó khăn về vốn, chậm bàn giao mặt bằng do giá cả đền bù ở một số địa phương chưa phù hợp, người dân thắc mắc, khiếu kiện… nên đã có thời điểm một số gói thầu tại một số nơi như Gia Lai, Bình Dương, Đắk Lắk gần như “kẹt cứng”, việc dựng cột, kéo dây vì vậy bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực cao độ, chủ đầu tư vẫn duy trì được tiến độ đúng như cam kết trước đó với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngày đêm bám trụ công trường, với tinh thần ở đâu có mặt bằng là ở đó có xe máy và lính truyền tải để cùng “lăn lộn” với đường dây.
Vì thế, ngay những ngày đầu năm 2014, các đơn vị thi công đã đồng loạt tiến hành kéo dây trên toàn tuyến. Các gói thầu cung cấp vật tư cũng khẩn trương lắp đặt thiết bị. Hình hài một lưới truyền tải điện mới đã dần xuất hiện trên bầu trời Tây Nguyên về tới vùng Đông Nam bộ.
30/4 đóng điện?
Trao đổi với phóng viên PLVN, ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung cho hay, với sức ép về tiến độ cùng với khối lượng công việc phải triển khai trên công trường, có thể nói đây thực sự là một kỳ tích của ngành truyền tải điện.
Cụ thể, có thời điểm trên toàn công trường có tới hàng cán bộ, công nhân kỹ thuật để thực hiện việc thi công đào, đắp 707.071m3 đất đá; cẩu kéo, chuyên chở hơn 35.737 tấn cột thép và 21.173 tấn cáp quang, phụ kiện… đi xuyên qua nhiều vùng đèo dốc hiểm trở, trong điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, đầy nắng gió mới có thể tới được chân công trình phục vụ việc xây lắp. Đến nay, các đơn vị thi công đã hoàn thành đúc móng trụ 919/926 vị trí, dựng xong 874/926 cột và đang tiến hành kéo 83/118 khoảng néo trên toàn tuyến.
“Tại Bình Dương hiện vẫn còn một số vị trí chưa tiến hành việc đúc móng do dân chưa thống nhất giá đền bù. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với địa phương tiếp tục vận động, thuyết phục và tin rằng mọi việc sẽ ổn. Nhìn tổng thể, đến thời điểm này, chúng tôi vẫn đang làm chủ được tiến độ và phấn đấu đến 30/4/2014 sẽ hoàn thành để truyền tải điện từ miền Bắc vào, giúp giải quyết khó khăn cho hệ thống điện miền Nam trong giai đoạn 2014 - 2015 và những năm tiếp theo” - ông Nguyễn Đức Tuyển cho biết.
Được biết, sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông sẽ giúp các tỉnh miền Nam chấm dứt việc huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu với sản lượng khoảng 400 triệu ki lô oát giờ. Điều này đồng nghĩa dự án trên sẽ trực tiếp góp phần tiết kiệm được hơn 1.000 tỷ đồng cho Nhà nước.