Sa lầy vì mở rộng
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (tiền thân là Công ty Gang thép Thái Nguyên) thành lập từ năm 1959. Đây là khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, luyện thép và cán thép. Hằng năm, Tisco đóng góp vào ngân sách của tỉnh Thái Nguyên trên 300-500 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động trực tiếp.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện dự án cải tạo kỹ thuật giai đoạn 1 năm 2002 hoàn thành đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) được Chính phủ cho phép đầu tư dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 (trước khi cổ phần hóa) để nâng công suất sản xuất phôi thép đạt trên 1 triệu tấn/năm, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước.
Dự án đã được Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 684/QĐ-ĐT, ngày 5/10/2005. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt là 3.843 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án đã chịu sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và trong nước cùng nhiều nguyên nhân khách quan đã dẫn đến chậm tiến độ thi công, đồng thời tăng tổng mức đầu tư của dự án.
Được sự đồng ý của Chính phủ, ngày 15/5/2013, chủ đầu tư đã phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án tăng từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng, nhưng do chưa thu xếp được vốn vay bổ sung, nên dự án vẫn tạm ngừng thi công từ đó đến nay.
Đến đầu tháng 3/2016, Bộ Công Thương có Văn bản số 1926/BCT-CNNg ngày 8/3/2016 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết các nội dung liên quan đến dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 để làm cơ sở pháp lý tái khởi động lại dự án.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tisco, tổng mức đầu tư của dự án sau khi được rà soát lại đã nâng lên 9.030 tỷ đồng. Con số này dựa trên việc Tisco thuê Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) lập dự toán và Viện Kinh tế xây dựng thẩm tra trên cơ sở kết quả đàm phán và các báo giá tạm tính của nhà thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC). Với tổng mức đầu tư này, tỉ suất sinh lời nội tại (IRR) và thời gian thu hồi vốn đều không đạt.
Ngoài ra, trong các điều khoản mà Tisco thương thảo với MCC, để Dự án tiếp tục được triển khai, có khoản chi phí bồi thường thời gian kéo dài dịch vụ kỹ thuật từ tháng 6/2012 đến khi tái khởi động lại Dự án là 105 tỷ đồng. Thêm nữa, khoản tiền 86,4 tỷ đồng là chi phí bàn giao, bảo quản, kiểm tu, sửa chữa tại hiện trường cũng được MCC đặt ra với Tisco.
MCC còn liệt kê các khoản chi hàng chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng tăng thêm khác trong việc vận hành lại Dự án này như: 27,6 tỷ đồng tăng thêm để khắc phục khuyết tật phần xây dựng đã thi công do Dự án kéo dài tiến độ; 41,5 tỷ đồng phát sinh của dịch vụ sau bán hàng...
Mỗi ngày trả lãi 1 tỷ đồng!
Theo Quyết định thanh tra lần này, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra toàn diện việc Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2-Công ty Gang thép Thái Nguyên (nay là Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên; thời gian thanh tra là 40 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra. Đoàn thanh tra do ông Vũ Đức Tâm, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ 1- Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn.
Phát biểu tại buổi công bố, Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh chia sẻ khó khăn với Công ty và mong muốn Công ty cũng như các các đơn vị liên quan và Đoàn thanh tra cùng nhau phối hợp chặt chẽ; làm rõ các vấn đề trên cơ sở đồng hành, cởi mở, gần gũi, chia sẻ, lắng nghe và khẩn trương làm việc với tinh thần trách nhiệm cao; tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động thanh tra.
Tisco là một trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương đang được Chính phủ chỉ đạo xử lý, tái cơ cấu. Theo chỉ đạo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dự án này sẽ không được nhận một đồng nào từ ngân sách để xử lý.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, do Tisco làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai thực hiện từ 2007 song phải “đắp chiếu” nhiều năm sau khi gặp vướng mắc lớn về vấn đề tài chính. Theo báo cáo tài chính của Tisco, đến thời điểm 30/6/2016, tổng giá trị đầu tư của dự án này đã thực hiện đạt gần 4.540 tỷ đồng, chiếm tới 98% tổng giá trị xây dựng cơ bản dở dang của Tisco. So với thời điểm đầu năm, giá trị xây dựng cơ bản dở dang của dự án này tăng thêm hơn 101 tỷ đồng. Cũng do đầu tư, hoạt động dở dang, kém hiệu quả nên hiện chi phí ngân hàng của dự án này đã lên tới 1.200 tỷ đồng, trong đó mỗi ngày chủ đầu tư phải trả khoảng 1 tỷ đồng tiền lãi vay.