Năm Quý Tỵ, theo thuyết Ngũ hành có quan hệ mật thiết với hai hành: thủy và hỏa. Tạng thận và phủ bàng quang liên quan mật thiết với hành thủy, còn tạng tâm, phủ tiểu tràng lại liên quan đến hành hỏa.
Giữa thủy và hỏa lại có mối quan hệ tương sinh và tương khắc lẫn nhau, đưa lại sự cân bằng thủy - hỏa, cân bằng âm - dương trong cơ thể khiến con người khỏe mạnh, dẻo dai. Nếu cân bằng này bị phá vỡ sẽ gây bệnh tật. Vậy năm Quý Tỵ thường gặp những chứng bệnh gì và cách chữa trị thế nào?
Giáo sư Phạm Xuân Sinh cho biết, theo y học cổ truyền, tạng thận gồm cả thận âm và thận dương. Nếu các chức năng của thận âm, thận dương đều tốt, cơ thể sẽ khỏe mạnh, gân cốt, lưng xương vững chắc, việc bài tiết nước tiểu bình thường và hoạt động sinh dục của con người cũng bình thường. Nếu thận âm không đủ mạnh, còn gọi là âm hư, ắt sẽ gây ra các chứng hỏa vượng, biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, có những cơn bốc hỏa, tính tình hay cáu gắt; nữ giới kinh nguyệt không đều, lượng kinh ít, đau bụng kinh…
Nếu là nam giới thường mắc chứng di tinh tảo tiết (xuất tinh sớm). Hoặc thận dương kém, còn gọi là thận dương hư, ắt sẽ gây ra các chứng da dẻ, chân, tay thường xuyên giá lạnh, lưng gối đau lạnh…, bụng hay sôi réo, đau bụng quặn, đi ngoài lỏng vào sáng sớm (ngũ canh tả). Ngoài ra, hai tạng tâm và thận nếu hòa hợp sẽ tạo ra hài hòa về tâm lý, sinh lý cho cơ thể. Còn khi chúng bị mất thăng bằng sẽ khiến cơ thể luôn có cảm giác lo âu, bồn chồn, đêm thì trằn trọc, khó ngủ… (y học cổ truyền gọi là tâm thận bất giao).
Phương thuốc trị bệnh theo từng thể gồm:
Thận âm suy kém: gây ù tai, hoa mắt, chóng mặt, đau lưng, mỏi gối, ra nhiều mồ hôi, di tinh, háo khát hoặc có những cơn bốc hỏa: Trạch tả, bạch phục linh, hoài sơn, mẫu đơn bì mỗi vị 6g; sơn thù du 8g; thục địa, đại táo mỗi vị 12g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần sau bữa ăn khoảng 2 giờ. Uống liền 3 - 4 tuần. Có thể bào chế bằng cách đem các vị thuốc sao hoặc sấy khô, tán mịn, thêm mật ong làm hoàn, mỗi ngày dùng 2 - 3 lần, mỗi lần 10 - 12g, uống với nước sôi để nguội.
Thận dương suy, lưng gối đau lạnh, liệt dương, tiết tinh sớm, tiểu tiện trong dài, phân sống nát: Phụ tử, quế nhục mỗi vị 3g; trạch tả, bạch phục linh, hoài sơn, mẫu đơn bì mỗi vị 6g; sơn thù du, đỗ trọng, mỗi vị 8g; thục địa, đại táo mỗi vị 12g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần, uống sau bữa ăn khoảng 2 giờ. Uống liền 3 - 4 tuần. Hoặc làm viên hoàn, theo cách trên, cách dùng cũng tương tự. Tuy nhiên, phương này không dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 15 tuổi hoặc người thể nhiệt: lở loét niêm mạc miệng, xuất huyết dưới da, chảy máu cam…
Tim hồi hộp, loạn nhịp, mạch nhỏ, ra nhiều mồ hôi: Đảng sâm 300g, mạch môn đông 200g, ngũ vị tử 100g. Mạch môn đông bỏ lõi. Cả 3 vị thuốc cho vào nồi, đổ nước ngập thuốc khoảng 3cm; đun sôi 1 khoảng 1 giờ, làm 3 lần. Gộp dịch của 3 lần nấu, lọc bỏ bã, cô lại còn 600ml, thêm đường đủ ngọt. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 10 - 12ml. Có thể uống nhiều ngày. Khi uống, cần tránh các thức ăn mang tính cay nóng hoặc kích thích như ớt, hạt tiêu, rượu, cà phê…
Đau thắt ngực do động mạch vành tim: Đan sâm 30g, xuyên khung, hồng hoa, xích thược, giáng hương mỗi vị 15g. Tất cả tán mịn, thêm mật ong làm hoàn, mỗi lần uống 10 - 12g, ngày 2 lần trước bữa ăn. Có thể uống liền 3 - 4 tuần.
Mạng sườn đau tức, đau đầu hoa mắt, họng khô, miệng khát, phụ nữ kinh nguyệt không đều, người bồn chồn, kém ăn, khó ngủ… (do cả hai tạng tâm và thận gây ra): Sài hồ, đương quy, bạch truật, bạch thược, bạch phục linh, hắc táo nhân, gừng nướng mỗi vị 9g; cam thảo, bạc hà mỗi vị 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần trước bữa ăn. Uống liền 3 - 4 tuần đến khi hết các triệu chứng. Khi uống, cần kiêng các thức ăn mang tính kích thích, cay nóng: ớt, hạt tiêu, bia, rượu… đồng thời tránh các căng thẳng tâm lý.
Theo Sức khỏe Đời sống