Đồng Tháp hướng đến một “chính quyền tương tác cao"

Tỉnh Đồng Tháp đang phấn đấu đưa làng hoa Sa Đéc trở thành “thành phố hoa” của Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai
Tỉnh Đồng Tháp đang phấn đấu đưa làng hoa Sa Đéc trở thành “thành phố hoa” của Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai
(PLO) - Cải tiến lề lối làm việc, xây dựng chính quyền “phục vụ nhân dân”, lấy sự hài lòng của xã hội làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các ngành, các cấp thời gian gần đây được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đặc biệt chú trọng nhằm hướng đến một “chính quyền tương tác cao, nhanh nhạy với yêu cầu của xã hội”. 
Trao đổi với Báo PLVN, ông Lê Minh Hoan -  Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết:
- Trước hết cần khẳng định, cải cách hành chính là khó, khó vì thay đổi cả một nếp tư duy quản lý xã hội đã tồn tại như một cố hữu của mô hình chính quyền mệnh lệnh một chiều từ trên xuống, xem hành chính là công cụ quản lý xã hội chứ không phải là để phục vụ xã hội, phục vụ người dân.
Để thực hiện được điều đó, chúng tôi chủ trương phải thật kiên trì, bắt đầu từ thay đổi lề lối làm việc, từ những “việc nhỏ”, những việc gì địa phương làm được thì mạnh dạn làm, bắt đầu từ nếp nghĩ “chúng ta có thể làm được” thay cho “chúng ta không thể làm được”, tạo ra sự hứng khởi trong bộ máy, cổ vũ cách làm sáng tạo, năng động của cấp cơ sở. Tùy vào điều kiện thực tế từng nơi chúng tôi có cách thay đổi phù hợp, đô thị khác với nông thôn, xã khác với phường, thị trấn. 
Những mô hình “Nụ cười công sở”, “Ba trong một”, “Ngày thứ sáu nghe dân nói” đều xuất phát từ sự năng động của anh em cơ sở. Ứng dụng công nghệ thông tin cũng tạo ra chất xúc tác, làm “nền” cho chủ trương cải cách hành chính và cải tiến lề lối làm việc. Chỉ mỗi việc sử dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến, nối cầu từ tỉnh đến cấp xã, có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân cho thấy đã vượt qua kiểu thông tin tầng nấc truyền thống, rút ngắn thời gian, thu hẹp không gian trong công tác chỉ đạo điều hành. 
Chúng tôi cũng chú ý công tác kiểm tra, sát hạch thường xuyên đội ngũ cán bộ công chức liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và DN. Từ công tác kiểm tra, sát hạch, chúng tôi uốn nắn kịp thời những sai sót, lệch lạc trong đội ngũ cán bộ công chức, đồng thời phát hiện những cán bộ công chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. 
Năm 2013, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp vẫn đạt được những kết quả tích cực. Xin ông cho biết những thành quả đáng ghi nhận của tỉnh nhà trong năm qua, đặc biệt là vai trò chỉ đạo, điều hành, định hướng của lãnh đạo chính quyền địa phương? Những nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp trong năm 2014? 
- Trước đây, Đồng Tháp được ví như vùng đất còn “khuất nẻo”, và chúng tôi xem đó như là một “lời nguyền” phải vượt qua. Muốn vậy, cả bộ máy phải thay đổi, thay đổi từ nhận thức đến hành động, chúng tôi phải tạo ra hình ảnh một địa phương luôn năng động. Muốn phát triển, chúng tôi phải tạo ra được một môi trường để người dân và DN sản xuất, kinh doanh thuận lợi nhất, cải cách hành chính là hướng đến mục tiêu đó, và công tác chỉ đạo, điều hành của chúng tôi là để tạo ra nền hành chính như vậy. Mọi sự vô cảm, gây ách tắc có chủ ý hay không đều là lực cản cho sự phát triển. Chúng tôi lãnh đạo để tạo ra sự kích thích trong cán bộ, công chức hướng đến sự thay đổi theo hướng tích cực dù là nhỏ nhất, tạo ra niềm phấn khích trong bộ máy khi đón nhận mô hình mới, cách làm mới.
Trong năm 2014, chúng tôi phấn đấu giữ chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) nằm trong tốp tốt nhất, giữ vững thứ hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR) ở mức cao, cải thiện chỉ số quản trị điều hành và hành chính công (PAPI). Nhưng chúng tôi không xem kết quả xếp hạng các chỉ số trên là mục tiêu cuối cùng mà hướng đến xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của xã hội làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các ngành, các cấp.
Chúng tôi rà soát các tiêu chí còn thấp, phân công những ngành, nhóm ngành liên quan có giải pháp khắc phục; thí điểm xác định vị trí việc làm của từng cán bộ công chức để nâng cao hiệu quả bộ máy. Trên cơ sở rút kinh nghiệm thi tuyển các chức danh lãnh đạo sở, ngành trong năm 2013, năm nay chúng tôi sẽ triển khai trên diện rộng hơn đến cấp trưởng, phó phòng cấp sở và cấp huyện. Triển khai đánh giá trực tuyến sự hài lòng của người dân bằng công nghệ thông tin, tạo ra thêm nhiều tiện ích để phục vụ người dân và DN khi giao dịch thủ tục hành chính với cơ quan công quyền. Tổ chức đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận và thẩm định các dự án đầu tư nhằm rút ngắn thời gian giải quyết cho nhà đầu tư. Tóm lại, sau chủ trương xây dựng “chính quyền đồng hành với nhân dân”, chúng tôi hướng đến một “chính quyền tương tác cao, nhanh nhạy với yêu cầu của xã hội”.
Ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
Ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
Thưa ông, thời gian qua phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Đồng Tháp đã được các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện. Đặc biệt, việc huy động sức dân cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới được địa phương triển khai rất tốt. Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của tỉnh trong vấn đề này?
- Muốn huy động được sức dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới phải đặt đúng vai trò chủ thể của người dân. Tôi có suy nghĩ là trước khi nhắm đến việc huy động sức dân, phải công khai đầy đủ mục đích, yêu cầu của chương trình, cùng bàn bạc với người dân từ công tác quy hoạch, xây dựng đề án đến những kế hoạch, phần việc cụ thể. Đừng nghĩ rằng chính quyền nghĩ được hết mọi chuyện, lo được hết mọi việc. Hãy lắng nghe và chia sẻ với người dân, một khi người dân thấy rằng mình được tôn trọng, được quyền tham gia bàn bạc chuyện to, chuyện nhỏ, được tham gia giám sát từng công việc, từng nguồn vốn, lúc ấy việc huy động sẽ thuận lợi, vì người dân sẽ thấy mọi chuyện đều công khai, minh bạch, thấy rằng các công trình, tiêu chí đều phục vụ chính cuộc sống của mình được tốt đẹp hơn.
Đồng Tháp có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch nhưng dường như các thế mạnh chưa được phát huy đúng mức. Sắp tới tỉnh có đề án gì để phát triển các thế mạnh ngành du lịch, thưa ông? 
- Thật ra chúng tôi không xem mình có nhiều tiềm năng hay thế mạnh hơn các địa phương khác, mà tìm và nhận ra những điểm khác biệt làm phong phú thêm du lịch khu vực và cả nước. Đúng là, du lịch Đồng Tháp còn “mờ” trên bản đồ du lịch quốc gia. Để đánh thức những tài nguyên du lịch, chúng tôi đang triển khai Đề án “Du lịch Đồng Tháp - thuần khiết như hồn sen” từ nay đến năm 2015 và những năm về sau. Từng điểm, tuyến du lịch phải trở thành sản phẩm du lịch có sự khác biệt, nét độc đáo riêng, không trùng lắp, chú ý phát huy “hồn” văn hóa điểm xuyết trong mỗi sản phẩm du lịch. Đặc biệt, chúng tôi có quy hoạch dài hạn để Sa Đéc từ “làng hoa” thành “thành phố hoa” với những nét nhân văn truyền thống, cộng với chất tươi tắn, muôn màu của hoa kiểng miền nhiệt đới sông nước. Tóm lại, chúng tôi chọn sự tinh tế của mình, sự trải nghiệm của du khách làm “hồn” cho du lịch Đồng Tháp sen hồng.
Năm 2014 công tác tư pháp, đặc biệt là chủ trương ngành Tư pháp chung tay hướng về cơ sở được tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo tổ chức thực hiện ra sao, thưa ông?
- Năm 2013, ngành Tư pháp Đồng Tháp được xếp nhóm A trong ngành Tư pháp cả nước. Đó là một tin vui, ghi nhận những thay đổi tích cực trong toàn ngành từ tỉnh đến cấp cơ sở. Phát huy thành quả đó, định hướng trong năm 2014 ngành sẽ tiếp tục có những chuyển động hiệu quả hơn nữa. 
Nhiệm vụ của ngành phải gắn với nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao các tiêu chí về thiết chế pháp lý để giữ vững môi trường đầu tư thông qua chỉ số PCI, chỉ số PAPI, chỉ số PAR. Ngành Tư pháp phải tạo ra sự tin cậy về hành lang pháp lý minh bạch trong mắt người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư, nâng cao lòng tin của xã hội vào môi trường sống, môi trường sản xuất kinh doanh ngày càng tốt hơn. Ngành phải thực hiện tốt nhiệm vụ “gác cửa” cho UBND tỉnh trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, vừa đảm bảo việc ban hành đúng quy định, vừa nâng cao đánh giá tác động của các văn bản đối với xã hội. Ngoài ra, ngành Tư pháp phải thực hiện tốt các quyết định xử lý hành chính, đảm bảo pháp luật phải được thực thi nghiêm túc, trật tự, kỷ cương xã hội phải được tôn trọng.
Xin cám ơn ông!

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.