Nhìn bề ngoài, vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo mới đây của Iran và vụ đột kích sâu hơn vào Ukraine có sự hậu thuẫn từ Nga dường như chẳng có mấy điểm chung và ít liên quan tới ông chủ Phòng Bầu dục. Song, không có gì phải nghi ngờ khi cả hai hành động này đều nhằm thử thách nhà lãnh đạo Mỹ.
Quan ngại?
Tiếp sau chiến thắng trong bầu cử, ông Trump, như lẽ thường sẽ bắt đầu công tác ngoại giao của mình. Không ai chắc chắn vị tân Tổng thống Mỹ hiểu như thế nào về thế giới hay ông sẽ hành động ra sao trước các vấn đề được đặt ra.
Thời ông Barack Obama làm tổng thống, ngay sau những vụ đột kích như vậy sẽ có ngay những lời lên án, những lời kêu gọi Nga và các đồng minh quay trở lại với các thỏa thuận ngừng bắn, cũng như có sự hỗ trợ cho Ukraine và những lệnh trừng phạt đối với Moskva từ phía Mỹ và châu Âu.
Trong 4 ngày bạo lực gia tăng, các nước châu Âu đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, song ông Trump – đang còn chân ướt chân ráo – đã không có lời bình luận công khai nào. Thay vào đó, tới ba ngày sau, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đưa ra lời bình luận bày tỏ “quan ngại sâu sắc trước sự bùng phát bạo lực” và nhắc tới tổn thất của Ukraine song không nêu tên thủ phạm. Tới ngày thứ tư, Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói rằng Tổng thống đang “lưu ý” tới tình hình này.
Đoàn kết xuyên Đại Tây Dương?
Các nhà ngoại giao châu Âu ngày càng quan ngại rằng ông Trump ít ra là đang thể hiện một sự thờ ơ. Trong trường hợp xấu nhất, Ukraine có lẽ chỉ là trở ngại phụ thêm đối với mong muốn cải thiện quan hệ với Nga của ông. Ulrich Speck, nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Viện Hoàng gia Elcano nói: “Sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương có tính quyết định trong việc đẩy lùi sự xâm lấn của Nga đối với Ukraine trong những năm qua”.
Theo ông Speck, các lệnh cấm vận – được ông Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel thống nhất – đã giúp ngăn chặn các bước tiến của Nga. Ông Obama và bà Merkel đã quyết định bất cứ một sự cắt giảm trừng phạt nào đều tùy thuộc vào sự tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn Minsk từ phía ông Putin. Ông Speck nhấn mạnh: “Nếu sự đoàn kết này bị tan vỡ, Nga có thể cảm thấy được khuyến khích để tái khởi động cuộc chiến ở Đông Ukraine nhằm gây bất ổn cho Chính quyền Ukraine”.
Đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy sự đoàn kết đó bắt đầu tan rã. Điện Kremlin đã diễn giải cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin là “khôi phục các quan hệ kinh tế và thương mại đôi bên cùng có lợi” – một ám chỉ gián tiếp tới các lệnh trừng phạt.
Colin Kahl, người can dự tường tận vào việc xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine trong Nhà Trắng dưới thời ông Obama, đã bày tỏ quan ngại rằng ông Trump có thể ủng hộ quan điểm của Nga về các sự kiện và “đổ lỗi cho nạn nhân”, gây ra sự chia rẽ với châu Âu. Trên trang Twitter, ông cho rằng mối nguy cơ thực sự là “Ukraine cảm thấy bị bỏ rơi” và người dân Ukraine phải tự đảm nhận giải quyết các vấn đề - khiến bạo lực càng gia tăng.
Sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương cũng đang bị kiểm chứng ở Trung Đông. Ngày 1/2, sau nhiều ngày thoái thác, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan đã đặt ra một vấn đề nữa cho ông Trump khi thừa nhận rằng nước cộng hòa Hồi giáo này vừa thử nghiệm một tên lửa đạn đạo. Theo một quan chức Mỹ, một tên lửa tầm trung đã được bắn vào ngày 29/1 và đã “thất bại”. Song vụ thử này không chỉ có ý nghĩa về mặt quân sự mà nó còn là một tuyên bố chính trị.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã có giọng điệu cứng rắn đối với Iran, cam kết sẽ ngăn chặn chương trình tên lửa của Tehran và xé bỏ thỏa thuận kiểm soát chương trình hạt nhân của nước này. Theo Michael Flynn, Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, khi trách nhiệm thuộc về ông Trump, chính quyền của ông đã phản ứng “chính thức đặt Iran vào tầm chú ý”.
Điều đó có ý nghĩa gì hiện vẫn còn chưa rõ và thậm chí việc áp đặt thêm lệnh trừng phạt sẽ là một động thái khó khăn. Theo nghị quyết của Liên Hợp quốc (LHQ), Iran bị cấm tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo có thể mang vũ khí hạt nhân, song với các vụ thử trước châu Âu đã có phản ứng thận trọng bởi lo ngại phá hỏng thỏa thuận hạt nhân.
Một lời kêu gọi trừng phạt cũng sẽ kiểm chứng mối quan hệ đang nảy nở giữa ông Trump với ông Putin, người chắc chắn sẽ phủ quyết bất cứ nghị quyết nào của LHQ. Các quan chức Mỹ cho rằng họ quyết tâm chứng tỏ cho Iran thấy là đã có một “quận trưởng” mới, song chưa rõ liệu “quận trưởng” mới này có thể áp đặt luật pháp hay không.
Chậm phê chuẩn nội các
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức cách đây 2 tuần, song ông vẫn chưa thể hoàn tất nội các của mình do vấp phải sự phản đối từ các nghị sĩ Dân chủ.
Cho đến thời điểm này mới chỉ 4 trong tổng số 15 vị trí chủ chốt trong nội các của tân Tổng thống Trump được thông qua, gồm Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao và Bộ trưởng An ninh nội địa John Kelly. Theo Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons, cũng vào thời điểm này của các đời tổng thống trước, cụ thể là Tổng thống Barack Obama và George W. Bush, nội các đều đã được Quốc hội phê chuẩn.
Hầu hết các đề cử nội các của tân Tổng thống Trump đều vấp phải sự phản đối từ các nghị sỹ đảng Dân chủ tại Thượng viện. Hiện còn 8 bộ trưởng đề cử đã được thông qua ở cấp ủy ban và đang chờ Thượng viện phê chuẩn. Ba đề cử chưa được các ủy ban thông qua là vào vị trí người đứng đầu các Bộ Nông nghiệp, Bộ Lao động và Bộ Cựu chiến binh.
Trong các đề cử đã được thông qua ở cấp uỷ ban, trường hợp khó khăn nhất hiện tại được cho là Bộ trưởng Giáo dục đề cử Betsy DeVos. Theo thống kê của báo chí, số phiếu ủng hộ và phản đối chính khách này ở Thượng viện là 50 – 50. Như vậy, Phó Tổng thống Mike Pence nhiều khả năng sẽ phải tham gia vào cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào thứ Hai tới (6/2).
Sự chia rẽ đảng phái được dự đoán kéo dài trong nhiều tháng tới đối với trường hợp ông Neil Gorsuch, người được ông Trump đề cử cho vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao vốn bị bỏ trống sau khi Thẩm phán Antonin Scalia qua đời năm ngoái.
Chính khách này được kỳ vọng sẽ tiếp tục đảm bảo sự cân bằng tư tưởng vốn đã tồn tại nhiều năm trong Tòa án Tối cao Mỹ với 4 người theo đường lối bảo thủ, 4 người theo lập trường tự do và 1 người thay đổi tùy trường hợp cụ thể. Các Thượng nghị sĩ Dân chủ ngay lập tức cho rằng ông Gorsuch là một người cực đoan và tuyên bố sẽ ngăn cản việc thông qua đề cử này.
Lý giải sự chậm chễ trong tiến trình phê chuẩn nội các mới tại Thượng viện, một trong các lý do được các nghị sĩ Dân chủ đưa ra là họ không đánh giá cao các nhân sự được đề cử, vốn phần lớn là tỷ phú xuất thân từ giới làm ăn kinh doanh. Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer tuyên bố ông chưa bao giờ chứng kiến một nội các gồm các thành viên là tỷ phú và giám đốc ngân hàng, những người có xung đột về lợi ích và ít kinh nghiệm trong lĩnh vực được chỉ định như nội các được đề cử của tân Tổng thống Trump.