Đón làn sóng doanh nghiệp Việt mua rẻ cổ phần “ngoại”

Năm 2012 nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời Việt Nam ngày một nhiều hơn và đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước “mua rẻ” các dự án thông qua hình thức mua lại cổ phần các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng, chung cư cao cấp, nhà máy chế biến đường, và các nhà máy sản xuất khác đang là "tâm điểm" cho các thương vụ M&A đình đám sắp tới...

Là luật sư chủ hợp danh quốc tế của hãng luật danh tiếng Baker& McKenzie, Trần Mạnh Hùng có cơ hội được tiếp cận với các thương vụ M&A rất “đình đám”. Trước thềm năm mới, Trần Mạnh Hùng nhận định nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời Việt Nam ngày một nhiều hơn và đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước “mua rẻ” các dự án.

LS Trần Mạnh Hùng
LS Trần Mạnh Hùng

Thưa ông, có vẻ như nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam đang giảm, bằng chứng là những hãng luật lớn chuyên tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như công ty của ông năm qua có vẻ cũng…ít việc đi?

Đúng là nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang giảm và một số doanh nghiệp lớn đang bán cổ phần vì họ không đủ vốn để tiếp tục hoạt động. Thực sự thì vốn đầu tư nước ngoài đã giảm cách đây 1 năm và một số dự án vốn đăng ký cả tỷ đô la Mỹ cũng đang có xu hướng rút khỏi Việt Nam.

Năm ngoái và năm nay là thời điểm chững lại của các luật sư và công ty luật chuyên tư vấn đầu tư và chúng tôi thấy rằng năm sau sẽ còn khó khăn hơn. Tuy nhiên với lượng khách hàng trung thành và truyền thống của mình, chúng tôi vẫn đang hoạt động ổn định và bền vững, cho dù khách hàng không ồ ạt vào Việt Nam như nhiều năm trước, và ít ra luật sư tư vấn không phải làm việc qua đêm như trước kia (cười).

Theo ông thì có bao nhiêu nguyên nhân khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ thị trường Việt Nam?

Thứ nhất do nền kinh tế ở nước sở tại của nhà đầu tư đang gặp khó khăn nên họ rút vốn lại. Ngoài ra, khi nhà đầu tư tiến hành điều nghiên ban đầu cho đến khi chính thức bắt tay vào đầu tư, nhà đầu tư “ngộ ra” những chênh vênh trên thực tế nên họ rút lại một số quyết định đầu tư.

Trong bối cảnh ASEAN nói riêng và Châu Á nói chung thì Việt Nam chúng ta đang phải cạnh tranh khốc liệt với các nước láng giềng về thu hút đầu tư, cụ thể và trực tiếp là Thái Lan và Inđônêxia. Sau cơn đại hồng thủy gần đây, Thái Lan gặp rất nhiều khó khăn; các nhà máy sản xuất linh kiện đặt ở Thái Lan không sản xuất đủ nguyên liệu để cung ứng cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản, nên các nhà đầu tư này đã dự định chuyển sang Inđônêxia và/hoặc Việt Nam.

Tuy nhiên người Thái rất biết cách giữ chân nhà đầu tư, Thủ tướng Thái đã có những động thái tuyệt vời để níu chân nhà đầu tư nên có khả năng các nhà đầu tư sẽ không ra đi. Do đó, việc đón đầu làn song đầu tư của Nhật từ Thái Lan chuyển vùng sang Việt Nam có thể sẽ không như trông đợi.

 Thứ hai chúng ta nói rất nhiều về đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, tuy nhiên, thực tiễn thực hiện còn quá nhiều hạn chế. Đơn cử như có những vụ việc công ty nước ngoài có trụ sở chính ở Hà Nội đã sửa Giấy chứng nhận đầu tư, khi tiến hành xin phê chuẩn sửa đổi giấy phép chi nhánh của họ ở TP HCM, nhà đầu tư lại phải làm lại toàn bộ giấy tờ từ đầu vì cơ quan chức năng cho rằng việc sửa giấy phép chi nhánh cho tương hợp với Giấy chứng nhận đầu tư của công ty chính ở Hà Nội vẫn là “một dự án mới”. Theo đó, Sở KHĐT thành phố HCM lại tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của bộ liên quan, và nhà đầu tư thì chỉ còn biết chạy theo một chu trình phê chuẩn từ đầu như họ đã từng làm ở Hà Nội.

Bên cạnh những khó khăn về mặt vận hành hệ thống thì các nhà đầu tư cũng rất e ngại lạm phát phi mã tại Việt Nam. Họ cũng quan tâm tới vấn đề hoạch định chính sách, họ cần sự an tâm và biết trước năm tới có những luật nào được ban hành, luật nào sẽ sửa, có ảnh hưởng như thế nào đến các ưu đãi đầu tư hay không…mà những thông tin này thì không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận một cách nhanh chóng.

Cũng có một số nhà đầu tư rời Việt Nam vì họ cảm thấy Việt Nam không còn là thị trường tiềm năng của họ nữa hoặc họ gặp khó khăn về tài chính hoặc bản thân công ty mẹ của họ đang và sẽ tái cơ cấu lại trong nội bộ.

Dù chúng ta muốn níu chân họ lại, tuy nhiên, sự ra đi trong trường hợp này đôi khi cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam chúng ta có thể mua lại những dự án của họ nếu thấy rẻ và thuận lợi để phát triển vì chúng ta có “lợi thế sân nhà”.

Ông có thể nói cụ thể hơn về các dự án mà doanh nghiệp Việt Nam đã và sẽ có thể mua lại?

Khá nhiều. Hiện có nhiều doanh nghiệp trong nước đã và đang mua lại cổ phần các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, cụ thể như  khách sạn, khu nghỉ dưỡng, chung cư cao cấp, nhà máy chế biến đường, và các nhà máy sản xuất khác.

Đã có doanh nghiệp nào mua lại được các dự án như ông vừa nói hay chưa và có “mua được rẻ” không thưa ông?

Thực sự là có những dự án cũng rẻ (theo ý kiến của bên mua), do đó mua được là có lợi. Tuy nhiên, thực tế là có những nhà đầu tư chân chính muốn mua lại cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài để tiếp tục hoạt động và mang lại công ăn việc làm cho người lao động địa phương, nhưng khi họ làm thủ tục mua lại cổ phần thì cả năm nay vẫn chưa được phê chuẩn. Một điều đáng lưu ý là: các dự án đó không phải là dự án xấu mà đơn giản vì nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng Việt Nam không còn là thị trường trọng điểm của công ty mẹ và do vì nhà đầu tư nước ngoài đã và đang tiến hành tái cơ cấu, thu hẹp thị trường.

Doanh nghiệp Việt có thể mua rẻ nhiều dự án trong lĩnh vực bất động sản...
Doanh nghiệp Việt có thể mua rẻ nhiều dự án trong lĩnh vực bất động sản...

Thủ tục mua bán này có phải quá phức tạp không và để tháo gỡ những bất cập như ông vừa nói cần phải làm những gì?

Hiện nay có nhiều dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu gián tiếp thông qua các phương tiện đầu tư (investment vehicles) là những công ty thành lập tại hải ngoại (ví dụ tại BVI, Hồng Kông hay Singapore).

Khi nhà đầu tư nước ngoài muốn rút vốn ra khỏi dự án, họ thường bán cổ phần của họ trong công ty hải ngoại thay vì bán dự án hay công ty con tại Việt Nam. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khác mua lại dự án, nhưng lại bất lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam có nhu cầu. Khó khăn của các nhà đầu tư Việt Nam xuất phát chủ yếu về các quy định của pháp luật trong nước liên quan tới hoạt động đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là về ngoại hối và thủ tục cấp phép.

Về ngoại hối, để nhà đầu tư có thể mua cổ phần trong công ty hải ngoại, họ sẽ cần huy động vốn bằng ngoại tệ (nếu họ không muốn chịu rủi ro về tỷ giá do huy động vốn bằng đồng Việt Nam và sau đó quy đổi sang ngoại tệ).

Tuy nhiên, nếu nguồn vốn ngoại tệ này có nguồn gốc từ khoản vay do các ngân hàng Việt Nam cấp, họ sẽ phải xin phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước bởi đầu tư ra nước ngoài không thuộc vào phạm vi các lĩnh vực mà các ngân hàng Việt Nam được phép quyết định cho vay bằng ngoại tệ. Ngoài ra, với chính sách tiền tệ thắt chặt như hiện nay, việc huy động được một khoản ngoại tệ lớn và chuyển khoản tiền này ra khỏi Việt Nam cũng là một khó khăn đáng kể.

Về thủ tục cấp phép, việc nhà đầu tư Việt Nam mua cổ phần trong công ty hải ngoại sẽ bị coi là hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Tùy từng trường hợp cụ thể, hoạt động này có thể là đầu tư trực tiếp hay đầu tư gián tiếp (và ranh giới giữa hai vấn đề này thường là không rõ ràng).

Đối với đầu tư gián tiếp, về chính sách hiện nay Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho hoạt động này. Trong trường hợp đầu tư trực tiếp, quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài sẽ được áp dụng và về nguyên tắc nhà đầu tư Việt Nam sẽ cần xin giấy chứng nhận đầu tư từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tuy nhiên, thủ tục xin phép đầu tư ra nước ngoài hiện nay được thiết kế với dự kiến là nhà đầu tư trong nước sẽ có một dự án đầu tư cụ thể tại nước ngoài và nội dung các hồ sơ xin cấp phép xoay quanh các thông tin về dự án đó.

Điều này không phù hợp với việc nhà đầu tư trong nước chỉ đơn thuần mua cổ phần của một công ty nước ngoài và không có một dự án cụ thể tại nước ngoài (mà thực tế dự án của công ty nước ngoài đó lại ở Việt Nam). Do vậy, quá trình thẩm định hồ sơ của các cơ quan hữu quan bị kéo dài và nhà đầu tư trong nước phải mất nhiều thời gian cho việc giải trình bổ sung các vấn đề khác nhau trước khi được cấp phép.

Các khó khăn nêu trên làm cho thời gian thực hiện giao dịch của nhà đầu tư Việt Nam bị trì hoãn đáng kể và làm tăng rủi ro giao dịch bị đổ bể. Thông thường, khi nhà đầu tư nước ngoài muốn rút khỏi dự án, họ sẽ muốn thu hồi lại vốn càng sớm càng tốt và yếu tố quan trọng để họ chọn người mua là khả năng thanh toán nhanh.

Các nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế rõ ràng so với các nhà đầu tư Việt Nam về việc đáp ứng yêu cầu này bởi họ không gặp phải các trở ngại như các nhà đầu tư Việt Nam. Chính vì vậy, các nhà đầu tư Việt Nam đang chịu thiệt thòi so với các nhà đầu tư nước ngoài khi họ mong muốn đầu tư vào các dự án trên chính đất nước mình.

Từ thực tế này tôi cho rằng các cơ quan chức năng của ta cũng nên uyển chuyển, không cấp phép ồ ạt nhưng với những trường hợp mua thật, lợi ích cho đất nước thì nên cấp phép nhanh chóng và giản tiện các thủ tục rườm rà. Nếu việc chuẩn thuận không được cấp nhanh chóng, doanh nghiệp ta sẽ bị phạt (thậm chí bị phạt nặng) vì hợp đồng mua bán đã ký.

Trong một số trường hợp, doanh nghiệp ta phải trả tiền lãi cho bên bán trong một thời gian dài khi chờ được chuẩn thuận đầu tư ra nước ngoài. Thậm chí, thương vụ mua bán có thể bị hủy bỏ trong trường hợp chuẩn thuận không được cấp hoặc được cấp quá trễ -- trong trường hợp này, doanh nghiệp ta là người chịu thiệt đơn thiệt kép.

Tôi cho rằng nếu cơ chế uyển chuyển thì thị trường M&A sẽ rất sôi động vào năm tới và điều này có lợi hơn cho các công ty Việt Nam.

Còn để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài thì sao thưa ông?

Thời gian qua báo chí có nói về hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài có những biểu hiện tiêu cực như trốn thuế, chuyển giá… song đó chỉ là hiện tượng cá biệt còn nhìn chung các nhà đầu tư nước ngoài đang có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Họ nộp thuế, chuyển giao công nghệ (bao gồm cả công nghệ “mềm” về kỹ năng tinh xảo) và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Nhân nói về chuyện thông tin “xấu” về nhà đầu tư nước ngoài trên báo chí, tôi cũng muốn nói một điều: nếu báo chí nhìn họ méo mó và làm cho hình ảnh họ xấu đi thì họ sẽ có cảm giác bị tổn thương và với hình ảnh không được nhìn nhận một cách thiện cảm nữa, nhà đầu tư dễ bị nản và không muốn ở lại dài lâu với chúng ta. Chúng ta biết rằng nước láng giềng như Thái Lan luôn năn nỉ nhà đầu tư hãy ở lại với họ, và trong quan hệ đầu tư, yếu tố văn hóa rất quan trọng. Nhà đầu tư trọng tình như Nhật Bản đôi khi không dễ gì dứt áo ra đi khi chủ nhà tốt đến thế!

Để giữ các nhà đầu tư tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần biến chính sách thành hành động và đừng đổ lỗi cho hệ thống. Hệ thống không có lỗi (thậm chí hệ thống của chúng ta cũng tốt đấy chứ!). Hệ thống là do con người tương tác vào, và vì vậy hơn bao giờ hết, các cơ quan chức năng phải giản tiện, nhanh gọn, hiệu quả và thực tiễn hơn thay vì nói những điều đao to búa lớn. Những nhà hoạch định chính sách và những cán bộ tương tác vào chính hệ thống hàng ngày của các Sở KHĐT cần bớt máy móc và thay đổi tư duy, cần làm nhanh, hiệu quả và thực tiễn hơn thì mới giữ chân được nhà đầu tư và thông qua đó thu hút thêm đầu tư.

Xin cảm ơn ông!
 

Năm 2006, Luật sư Trần Mạnh Hùng được bổ nhiệm là luật sư chủ hợp danh địa phương (Local Partner) của hãng luật đa quốc gia Baker& McKenzie (B&M). Sau 5 năm làm việc với những thành công liên tiếp, Luật sư Trần Mạnh Hùng được B&M chính thức bổ nhiệm vào vị trí Luật sư chủ hợp danh Quốc tế (Principal) kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2011, và trở thành người Việt Nam đầu tiên và trẻ nhất trong lịch sử hãng luật lớn nhất thế giới B&M được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng này.


Thanh Lương ( thực hiện)
 

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa.

Làm gì để mọi người đều ý thức chắt chiu sử dụng điện?

(PLVN) - Các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được các địa phương, DN, thậm chí từng gia đình thực hiện ráo riết cụ thể hơn nữa. Mục đích không chỉ là bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế; mà còn để ý thức tiết kiệm điện của từng người trở thành một nét văn hóa; để mọi người đều coi điện là tài nguyên quý giá cần chắt chiu sử dụng,..

Đọc thêm

Nhiều nhà đầu tư 'để ý' các công ty đóng tàu thuộc SBIC

Hôm 11/5, sau khi hạ thủy tàu hàng rời 65.000 tấn mang tên “Trường Minh Dream 01”, đóng tàu Nam Triệu tiếp tục đặt ky đóng mới con tàu thứ 2 có trọng tải tương tự.
(PLVN) - “Một nhà đầu tư Hà Lan và một số đơn vị trong nước như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm của họ đối với việc đầu tư vào lĩnh vực đóng tàu trong bối cảnh Bộ GTVT đang tiến hành các thủ tục để định giá, đấu giá bán một số doanh nghiệp đóng tàu thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy”, ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay.

Hành lang kinh tế tăng cường kết nối Việt Nam - Lào - Thái Lan

Quang cảnh Hội thảo.
(PLVN) - Việc nghiên cứu nhằm phát triển tuyến hành lang kinh tế Quảng Trị - Salavan - Ubon Ratchathani (PARA-EWEC) giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan được cho là một trong những giải pháp giúp tăng cường kết nối, thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị cũng như thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các tỉnh, địa phương, góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Ý thức tiết kiệm điện cần trở thành nét văn hóa

Các đại biểu dự Tọa đàm. (Ảnh: VGP).
(PLVN) - Chiều 15/5, tại Tọa đàm về “Tiết kiệm điện - Từ chính sách đến cuộc sống” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho rằng, cần tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, tuyên truyền, vận động chỉ là một trong những giải pháp và đó là chưa đủ. Do vậy, EVN ứng dụng nhiều công nghệ để việc tiết kiệm điện được thực hiện một cách sinh động, hiệu quả hơn và đặc biệt là phải tạo sự tương tác giữa các đơn vị cung cấp điện, người sử dụng điện.

Kỳ vọng thị trường vàng bình ổn, đi vào nề nếp

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh. (Ảnh: VnEconomy)
(PLVN) - Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải công bố đoàn thanh tra thị trường vàng ngay trong tuần này. Việc này sẽ tác động như thế nào đến thị trường vàng? Phóng viên PLVN đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh về vấn đề này.

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đường thủy nội địa

Phối cảnh dự án cảng Vạn Ninh hiện đang được Vinaconex và đối tác xây dựng. (Ảnh: Vinaconex)
(PLVN) - Tiết kiệm hơn nhiều so với đường bộ, nhưng do hạ tầng đường thủy nội địa vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” nên sản lượng vận chuyển hàng hóa qua phương thức này chưa thật sự được doanh nghiệp mặn mà. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đường thủy nội địa, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.

Vì sao không thể ồ ạt phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu?

PGS.Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội) phát biểu tại hội nghị tham vấn về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
(PLVN) -  Các nguồn điện không tăng được bao nhiêu nhưng nhu cầu sử dụng điện đều tăng khoảng trên dưới 10% mỗi năm. Điều này sẽ gây ra thiếu hụt điện trong vài năm tới. Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu được xem là cơ hội để bù nguồn trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, phát triển nguồn điện này như thế nào cho hợp lý lại là vấn đề khá lớn. PGS.Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

6 cơ quan TW, địa phương gỡ khó cho khai thác mỏ Đồng Vông - Uông Thượng

Ông Hà Văn Thắng - Vụ trưởng Vụ Năng lượng phát biểu tại buổi làm việc.
(PLVN) - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có buổi làm việc với các Bộ ngành, UBND tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan tới hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu than tại khu mỏ Đồng Vông - Uông Thượng, tỉnh Quảng Ninh.

Thị trường ô tô trầm lắng

Thị trường ô tô đang chờ có chính sách kích cầu mới? (Ảnh: PV)
(PLVN) - Các tháng đầu năm 2024 thị trường ô tô tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm doanh số, dù các hãng xe đã có nhiều chương trình kích cầu, giảm giá sâu.

Nhiều góp ý cho dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có nhiều nội dung mới. (Ảnh minh họa: EVN).
(PLVN) - Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến đến hết ngày 31/5/2024 và đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10. Nhiều ý kiến về dự thảo này đã được các chuyên gia trong ngành đưa ra.

PVN có tân Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn

Phó Bí thư Đảng ủy PVN Trần Quang Dũng phụ trách công tác xây dựng Đảng.
(PLVN) - Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương vừa có quyết định chuẩn y giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Trần Quang Dũng.