'Đốm lửa' nguy hiểm ở Mỹ

Phân biệt, kỳ thị sắc tộc đang dẫn đến bùng phát biểu tình bạo loạn ở Mỹ
Phân biệt, kỳ thị sắc tộc đang dẫn đến bùng phát biểu tình bạo loạn ở Mỹ
(PLO) - Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) mới công bố báo cáo cho thấy, vẫn còn tồn tại tình trạng phân biệt đối xử đối với các cộng đồng người Mỹ gốc Phi trong các lực lượng cảnh sát ở Baltimore, bang Maryland. Liên hệ với những vụ nổ súng thời gian qua xảy ra ở nước này có thể thấy, “đốm lửa” kỳ thị sắc tộc đang âm ỉ trong lòng nước Mỹ, chỉ chực chờ bùng phát khi thuận tiện...

Bản báo cáo dài 163 trang nói trên đã tổng kết lại quá trình điều tra suốt 1 năm qua tại Sở Cảnh sát Baltimore (BPD) sau cái chết của thanh niên da màu Freddie Gray trong lúc đang bị cảnh sát giam giữ.

Bức tranh tối màu

Theo đó, DOJ đã mô tả một bức tranh ảm đạm đối với những cộng đồng người Mỹ gốc Phi, những người luôn cáo buộc lực lượng thực thi pháp luật địa phương quá lạm quyền và phân biệt đối xử với họ. DOJ cho biết đã tìm thấy bằng chứng cho thấy BPD vi phạm Hiến pháp và luật pháp liên bang trong quá trình thực thi nhiệm vụ. 

Những bằng chứng thống kê cho thấy BPD thường xâm phạm vô lý cuộc sống của cộng đồng người da màu. Cụ thể, trong giai đoạn 2010 - 2015, mặc dù cộng đồng người da màu chiếm khoảng 63% dân số Baltimore, song những người Mỹ gốc Phi lại chiếm tới 84% số đối tượng bị yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Các cảnh sát cũng đã yêu cầu 34 người Mỹ gốc Phi dừng lại ít nhất 20 lần và 7 người khác ít nhất 30 lần, trong khi những nhóm người thuộc chủng tộc khác chỉ bị chặn lại hơn 12 lần. Ngoài ra, trong phần lớn những tình huống yêu cầu dừng lại, các cảnh sát thường sử dụng vũ lực không hợp lý đối với những người Mỹ gốc Phi khi những người này chiếm tới 88% các đối tượng bị các nhân viên của BPD sử dụng vũ lực trong khoảng 800 trường hợp ngẫu nhiên mà DOJ điều tra.

Trong những năm gần đây, DOJ đã mở các cuộc điều tra về quyền dân sự tương tự nhằm vào các sở cảnh sát ở các thành phố như Chicago, Cleveland, Ferguson.... Trong một báo cáo khác công bố hồi tháng 3 năm ngoài, DOJ cho biết đã nhận thấy tình trạng phân biệt đối xử tồn tại trong lực lượng thực thi pháp luật đối với cộng đồng người da màu ở thành phố Ferguson, bang Missouri.

Từ kỳ thị đến bạo động

Thời gian qua, nước Mỹ đã chứng kiến hàng loạt vụ biểu tình bạo động bắt nguồn từ việc các nhân viên thực thi pháp luật, chủ yếu là da trắng, bắn chết các công dân da màu không vũ trang. 

Theo luật pháp Mỹ, việc cảnh sát bắt chết một nghi can gây nguy hiểm cho cộng đồng hoặc nhân viên thực thi pháp luật là hành động chính đáng. Tuy nhiên, vụ cảnh sát bắn chết thanh niên da màu Michael Brown hồi tháng 8/2014 tại thị trấn Ferguson và vụ thanh niên Freddie Gray tử vong sau 1 tuần bị cảnh sát giam giữ ở Baltimore đã thổi bùng lên làn sóng biểu tình bạo động tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ. 

Gần đây nhất, ngày 13/8, cuộc biểu tình tại thành phố Milwaukee thuộc bang Wisconsin, miền Bắc nước Mỹ, nhằm phản đối vụ một nam thanh niên bị cảnh sát bắn chết trước đó đã biến thành bạo loạn sau khi xảy ra xung đột giữa những người biểu tình và lực lượng thực thi pháp luật.

Cuộc biểu tình diễn ra ngay tại hiện trường vụ nổ súng, với sự tham gia của khoảng 200 người. Theo Sở cảnh sát Milwaukee, những người biểu tình đã ném gạch đá vào cảnh sát và phóng hỏa đốt các tòa nhà, xe cộ và một trạm xăng. Lực lượng cảnh sát đã phải bắn chỉ thiên để giải tán đám đông. Một cảnh sát đã phải nhập viện do bị ném gạch trúng đầu, ít nhất 3 người đã bị cảnh sát bắt giữ. 

Biểu tình thậm chí ngày càng leo thang sau khi cảnh sát bị cáo buộc sử dụng các biện pháp quá cứng rắn nhằm lập lại trật tự. Nhiều nhà hoạt động cáo buộc lực lượng cảnh sát Mỹ đã hành xử một cách phân biệt chủng tộc.

Các cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos cho thấy sau khi bạo động nổ ra ở Baltimore, có 69% số người được hỏi nói rằng nước Mỹ đang đối mặt với vấn đề phân biệt chủng tộc nghiêm trọng, gần 3/4 số người được hỏi cho rằng tình trạng phân biệt chủng tộc diễn ra thường xuyên hơn thực tế nước này thừa nhận. Sau vụ Baltimore, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã đề cập nhiều hơn tới vấn đề sắc tộc tại Mỹ, trong đó có bài diễn văn ở Bronx về việc tạo thêm nhiều cơ hội cho những thanh niên thuộc các cộng đồng thiểu số. Tổng thống Obama khẳng định, mặc dù trong nội bộ nước Mỹ còn tồn tại nhiều bất đồng, song mọi người “cần chú trọng sử dụng những ngôn từ và hành động có thể giúp tăng cường đoàn kết dân tộc hơn là tiếp tục gây chia rẽ”.

Mạng xã hội – con dao hai lưỡi

Trong bối cảnh đó, mạng truyền thông xã hội đã trở thành một diễn đàn chủ đạo thảo luận sôi nổi về mối quan hệ sắc tộc tại Mỹ, đặc biệt đối với những công dân da màu. Theo kết luận của một bản báo cáo do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành và công bố ngày 15/8, có tới 68% số người da màu thường xuyên trao đổi về mối quan hệ sắc tộc trên mạng xã hội, gần gấp đôi so với những người Mỹ da trắng là 35%. 

Trong số những người cùng da màu, 28% số người được hỏi cho biết hầu hết hoặc một số những điều họ đăng tải là về vấn đề sắc tộc hoặc mối quan hệ chủng tộc, trong khi chỉ 8% số người da trắng có câu trả lời tương tự. Khoảng hơn 60% người tham gia mạng xã hội da trắng cho biết những điều họ chia sẻ trên mạng xã hội hầu như không liên quan đến vấn đề sắc tộc. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy mạng xã hội có thể trở thành một nơi tụ họp quan trọng, nơi những nhóm người cùng chung lợi ích có thể chia sẻ ý tưởng và thông tin. Twitter, Facebook hay các trang mạng xã hội khác có thể giúp những người dùng thu hút sự chú ý đến một vấn đề nào đó thông qua tiếng nói tập thể.

Thế nhưng, một số nhà nghiên cứu lại cho rằng các trang mạng xã hội còn có một “cạnh sắc” khác rất đáng sợ khi giúp lan truyền những lời hô hào, vận động đòi công lý trong xã hội. Vào thời điểm kỷ liệm 10 năm thành lập hồi tháng 3 vừa qua, Twitter ghi nhận từ khóa “Ferguson” là một trong những chuỗi ký tự phổ biến nhất trên mạng xã hội, nổi lên sau khi một cảnh sát bắn chết một thanh niên da màu không có vũ trang ở thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri.

Chuỗi ký tự phổ biến đứng thứ hai là “LoveWins”, chỉ phản ứng đối với phán quyết của Tòa án Mỹ ủng hộ hôn nhân đồng tính, và đứng thứ ba là cụm từ “BlackLivesMatter”, nhấn mạnh về cuộc sống của người da màu. Hiện, một phong trào xã hội đang có xu hướng ngày càng bùng phát mạnh mẽ khi sử dụng cụm từ “BlackLivesMatter” và những cụm từ liên quan sau một loạt cái chết của những công dân da màu có liên quan đến lực lượng cảnh sát trong thời gian qua.

Những vụ việc trên đã châm ngòi cho hàng loạt vụ biểu tình bạo động bắt nguồn từ việc các nhân viên thực thi pháp luật, chủ yếu là da trắng, bắn chết các công dân da màu không vũ trang. Rõ ràng, nước Mỹ đang đối mặt với vấn đề phân biệt chủng tộc nghiêm trọng, tình trạng phân biệt chủng tộc diễn ra thường xuyên hơn thực tế nước này thừa nhận và đó thực sự là những chỉ dấu rất nguy hiểm cho an toàn, trật tự xã hội.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.