Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho PLVN mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận, cuộc sáp nhập các PMU của Bộ này hồi năm ngoái là “đúng nhưng chưa đủ”. Theo đó, số đầu mối quản lý các dự án của Bộ đang là 9 Ban, nhưng một số lĩnh vực như đường thủy, hàng hải… đang có dấu hiệu vãn việc. Thế nhưng, nhân sự cần trả lương của những đơn vị sự nghiệp nói trên vẫn lên tới con số hàng trăm.
Chẳng hạn ở PMU các dự án đường thủy, sau khi hoàn thành Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (WB5) và Dự án phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (WB6) - đến nay đang rơi vào tình trạng “đói” việc, nhưng trên thực tế bộ máy của đơn vị này vẫn khá lớn sau khi hợp nhất với PMU của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Đối với PMU Hàng hải, sau khi nỗ lực “gọn nhẹ” bộ máy từ hơn 100 người xuống còn 80, Giám đốc Ban này - ông Trần Anh nói đến thời điểm này, đơn vị chỉ chủ động được nguồn việc làm cho cán bộ công nhân viên đến năm 2020 vì chỉ còn Dự án cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), còn Dự án luồng sông Hậu (giai đoạn 2) thì vẫn đang chờ thủ tục.
Thực tế, ngoài các PMU đang làm nhiệm vụ quản lý các dự án đường bộ trong đó có Dự án cao tốc Bắc - Nam sắp khởi công, các PMU thuộc chuyên ngành khác của Bộ cũng đang trong tình trạng khan hiếm việc làm. Cụ thể, ở PMU Đường sắt, sau khi kết thúc Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, nếu không có Gói 7.000 tỷ đồng gia cố đường sắt Bắc - Nam vừa được Thường vụ Quốc hội thông qua, thì nguy cơ “bó gối” cũng rất cao, bởi Dự án đường sắt cao tốc vẫn đang ở “thì tương lai”…
Kết thúc Dự án Cát Linh - Hà Đông, nếu không có Gói 7.000 tỷ cải tạo đường sắt Bắc - Nam, thì PMU Đường sắt sẽ làm gì? |
Sau khi Báo PLVN đề cập thực trạng trên, mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký văn bản giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Xây dựng & Chất lượng công trình giao thông và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các PMU hoàn thành, báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT trong tháng 9/2019.
“Giao Vụ Tổ chức Cán bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ kết quả rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các PMU do Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì báo cáo, chủ động tham mưu đề xuất phương án để cơ cấu lại các PMU hoạt động không hiệu quả”, Bộ trưởng Thể yêu cầu.
Quan điểm chỉ đạo trên là cần thiết trong bối cảnh hiện tại, vì không chỉ những đơn vị này, lãnh đạo một số PMU lớn như Thăng Long, đường Hồ Chí Minh… khi trao đổi với PLVN cũng bày tỏ sự lo ngại vì nguồn việc trong thời gian gần đây quá ít, dù một số đơn vị như như PMU đường Hồ Chí Minh đã phải giảm nhân sự, số phòng xuống còn một nửa.
“Dù là đơn vị sự nghiệp, tự trang trải, tự “nuôi” bộ máy, nhưng chúng tôi cũng phải tính toán hợp lý mới đảm bảo được công việc, thu nhập cho anh, em để hoạt động”, lời Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh - ông Lâm Văn Hoàng.
Thậm chí, để có thêm việc làm, đảm bảo duy trì được sự tồn tại, ông Dương Viết Roãn - Giám đốc PMU Thăng Long còn đề xuất phương án các PMU của Bộ GTVT tới đây cần được ưu tiên làm tư vấn, quản lý dự án cho các nhà đầu tư khi khởi động Dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức BOT. Còn một số PMU khác thì “mơ” tới ngày khởi công Sân bay quốc tế Long Thành, dù dự án này đang trong giai đoạn chuẩn bị.