Đội trưởng dân phòng gây án
Theo hồ sơ vụ án, sau khi xuất ngũ vào năm 1979, Nguyễn Minh Tân (SN 1958, ngụ phường 15, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) trở về địa phương làm nghề đạp xích lô, đồng thời được cử làm đội trưởng đội dân phòng khu phố 2, phường 15.
Nhưng cũng trong năm 1979, Tân bị công an quận 3 bắt về hành vi trộm cắp tài sản, sau đó được thả, không xử lý. Tới giữa năm 1994, Tân lại bị công an quận 1 (cùng thuộc TP Hồ Chí Minh) bắt về hành vi gây rối trật tự công cộng, nhưng sau đó cũng được thả, không xử lý.
Khoảng 2h sáng ngày 11/11/1994, Tân tổ chức uống rượu cùng với khoảng 10 thanh niên ở khu vực lề đường Điện Biên Phủ, phường 15, Bình Thạnh. Trong lúc nhậu, Tân nhờ Nguyễn Đình Lâm (đã chết) mang xe máy của Tân tới chỗ chị Nguyễn Thị Phiên đang bán cháo vịt và xăng lẻ gần đó để đổ “chịu” 2 lít xăng.
Do Lâm không có tiền nên chị Phiên không bán khiến Lâm tức giận, chửi bới. Nghe vậy, anh Tặng (cháu chị Phiên) đứng lên chửi lại thì Lâm đập bể chai bia rượt đuổi đâm anh Tặng nhưng không trúng. Sau đó Lâm quay lại đập bể tủ bán đồ ăn của chị Phiên rồi quay về kể lại cho Tân biết sự việc.
Một lúc sau, Tân cùng bạn nhậu kéo đến quán chửi nhau với chị Phiên. Lúc này Nguyễn Long (có quen biết với Tân) đi qua thấy đông người nên dừng lại xem. Khi đang xem thì một thanh niên trong nhóm Tân hỏi mượn bật lửa của Long. Do mượn không trả nên Long trách móc, than phiên với Tân rằng, “Sao để đàn em làm kỳ quá vậy?” rồi bỏ đi.
Tuy nhiên khi Long vừa rời đi được một đoạn thì nhiều người bạn, “chiến hữu” của Tân cầm cây đuổi theo, nắm cổ áo Long lại và đánh nhưng được Tân tới can ngăn. Nghe em bị nhóm của Tân đánh, anh Nguyễn Lân và Nguyễn Liễng (anh trai của Long) cầm gậy chạy ra ứng cứu.
Ba anh em Long rượt đuổi thì bị nhóm kia quay lại dùng dao, mã tấu và gậy sắt đâm, chém khiến anh Lân và anh Liễng gục ngay tại chỗ. Nhận tin dữ, mẹ các nạn nhân vội tới hiện trường đưa các con đi cấp cứu nhưng Tân không đồng ý.
Mãi một lúc sau, khi mẹ nạn nhân khóc lóc van xin thì mới được Tân đồng ý. Tuy nhiên do bị đâm thủng tim, gan nên anh Lân đã chết trước lúc tới bệnh viện. Còn Liễng bị thương tích 10%.
Với hành vi đó, Lâm bị xử 3 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng; Long (dù bị rượt đánh) cũng bị phạt 2 năm tù. Riêng Tân lập tức thu gói hành lý mang theo vợ con bỏ trốn khỏi nơi cư trú khiến cơ quan chức năng phải ban hành lệnh truy nã về hành vi giết người và gây rối trật tự công cộng.
Trong thời gian trốn nã, Tân về khu vực phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân để ẩn náu. Tại đây, Tân đã thay tên đổi họ thành Võ Minh Hùng rồi ung dung sống từ đó tới nay. Điều đặc biệt là từ năm 2000, Tân “leo lên chức” phó ban bảo vệ dân phố phường Bình Hưng Hòa A.
Sau 20 năm trốn nã, vụ án mạng liên quan tới bị cáo Tân vẫn đang là ẩn số. |
Vụ án quá nhiều uẩn khúc?
Người thân bị giết nhưng hung thủ thì biệt tăm khiến gia đình anh Lân vô cùng uất ức. Suốt mấy chục năm qua, hễ nghe ai mách bảo, cung cấp thông tin là cả gia đình chia nhau đi dò la tung tích kẻ được cho là gây ra cái chết cho anh Lân. Tuy nhiên dù tốn rất nhiều thời gian công sức, nhưng hành tung của kẻ gây án vẫn bặt vô âm tín.
Cho đến một ngày đầu tháng 9/2014, khi cả gia đình đang xem chương trình tuyên dương những gương sáng giữa đời thường được chiếu trên tivi thì ngớ người ra. Ai nấy đều trố mắt, thét lên, “thằng giết anh mình đây rồi”.
Họ bàn bạc kế hoạch phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng trước lúc vạch mặt kẻ trốn nã. Gia đình họ thay nhau đóng đủ vai, dò la tới tận địa chỉ cụ thể nhằm nắm rõ đường đi nước bước, gốc tích của đối tượng. Sau khi xác định chính xác đó chính là kẻ gây án năm xưa, họ mới đi trình báo công an để bắt.
Sau nhiều lần hoãn, trả hồ sơ để điều tra lại nhằm làm sáng tỏ xem liệu Tân có phải là người đã trực tiếp gây ra cái chết cho bị hại Lân hay không? Có phải là người chủ mưu, cầm đầu hay không? Hành vi của Tân là giết người hay gây rối trật tự công cộng, vì một hành vi không thể cấu thành hai tội?…
Cuối cùng, trong kết luận điều tra bổ sung, cơ quan điều tra cho rằng qua lời khai của các nhân chứng và bị hại thì hôm đó bị cáo Tân có cầm dao lê, có tham gia đánh nhau.
Tuy nhiên do Tân phủ nhận và không còn chứng chứ nào khác nên không đủ căn cứ để kết luận Tân phạm tội giết người. Hơn nữa hiện Lâm và một số nhân chứng đã chết, một số đã đi nước ngoài nên không thể lấy được lời khai nên chỉ đủ căn cứ để kết luận Tân có hành vi gây rối trật tự công cộng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, khi chủ tọa hỏi gia đình còn yêu cầu bồi thường 500 triệu đồng như cũ hay không thì đại diện phía bị hại thốt lên, “Sao vô lý thế? Tòa xử bị cáo tội gây rối trật tự công cộng, chứ đâu có xử tội giết người mà bảo chúng tôi đòi bồi thường? Thôi thì chúng tôi không yêu cầu nữa, vì có yêu cầu thì cũng có ai bồi thường đâu…”- Gia đình bị hại nói lẫy rồi bỏ ra ngoài.
Việc bồi thường được chủ tọa gải thích nhiều lần rằng, dù không xác định được ai là hung thủ giết người trong vụ án, nhưng do đã tham gia gây rối trật tự công cộng và gây ra hậu quả chết người thì phải bồi thường theo luật định. Nghe đến đây gia đình bị hại như bức xúc hơn, bởi họ nghĩ rằng như vậy là cái chết của anh mình rơi vào bóng tối vì không biết ai là hung thủ.
Tại phiên tòa, người nhà bị hại đề nghị HĐXX phải triệu tập thêm nhân chứng. Họ cho rằng, dù một vài người đã chết, nhưng nhiều người vẫn còn sống mà không được triệu tập là không khách quan.
Với Nguyễn Long- em trai nạn nhân còn cho rằng đã tận mắt thấy Tân đâm chết anh mình. Tuy nhiên khi HĐXX nhấn mạnh lời khai phải trung thực khách quan thì anh lại cho rằng lúc đó bị đánh đau nên không thấy, nhưng nghe người khác nói lại.
HĐXX và đại diện VKS cũng đặt ra nhiều câu hỏi với bị cáo Tân về vụ án xảy ra cách đây 20 năm về trước. Đáp lại, Tân cho rằng hôm đó bị cáo có cầm gậy dân phòng, thấy nhiều người đánh lộn nên có chạy vào can ngăn, chứ không hề cầm dao, kiếm đâm ai cả.
“Bị nói như vậy chứng tỏ bị cáo là người tốt, vậy sao bị cáo phải đưa cả gia đình đi trốn biệt tăm suốt 20 năm? Không những thế lại còn thay tên đổi họ?...”- chủ tọa đặt vấn đề.
Đáp lại, bị cáo Tân đưa ra lý do rằng do bị đe dọa, sợ ảnh hưởng tới tính mạng vợ con nên bị cáo mới làm như vậy. “Bị cáo không biết mình bị truy nã. Khi bỏ đi khỏi địa phương, bị cáo có nhặt được một bản chứng minh nhân dân ngoài đường (bản phô tô có chứng thực) mang tên Võ Văn Hùng.
Bị cáo sử dụng bản chứng minh phô tô đó để đăng ký tạm trú và sau đó được vào làm bảo vệ dân phòng, chứ bị cáo không hề thay tên đổi họ. Suốt thời gian qua, bị cáo cũng chưa làm chứng minh nhân dân mang tên Võ Văn Hùng, mà chỉ sử dụng bản phô tô đó…”- bị cáo Tân khai.
Nghe những câu trả lời đó, dù HĐXX và đại diện VKS không hỏi tiếp, nhưng những người dự khán đặt ra vấn đề, liệu có đúng như bị cáo khai hay không? Phải chăng chỉ có một bản phô tô mang tên Võ Văn Hùng mà bị cáo sử dụng suốt 20 năm qua?
Phải chăng suốt thời gian đó bị cáo không hề ra chính quyền địa phương làm việc gì có liên quan tới chứng minh nhân dân, hộ khẩu và các giấy tờ liên quan khác?
Phải chăng khi được nhận vào làm phó ban bảo vệ dân phố phường Bình Hưng Hòa A thì bị cáo không cần chứng minh, hộ khẩu? Khi được tuyên dương gương tỏa sáng giữa đời thường, ông lại không phải xuất trình giấy tờ gì?...
Sau nhiều ngày nghị án, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Tân 18 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng. Tòa tuyên xong, gia đình bị hại liền ùa lên la hét, chửi bới om sòm.
Dù được lực lượng bảo vệ vào khuyên can, nhưng có người quá khích còn xông vào cả trụ sở tòa án la hét, cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng đã cố tình bóp méo sự thật. Mãi đến khi công an địa phương tới khuyên giải, thuyết phục thì họ mới chịu kéo nhau về.
Trước lúc rời tòa, người nhà bị hại còn kiên quyết rằng, dù có chết, có bán hết cả gia sản thì cũng sẽ theo vụ án này tới cùng.
Vừa qua, TAND Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại đây, Luật sư bên bị hại đã trưng ra bằng chứng mới. Một công an phường (tại thời điểm xảy ra vụ án) cho biết đã thấy Tân cầm hai con dao, trong đó có một con dính máu sau khi vụ án xảy ra. Do vậy vị luật sư đề nghị cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại vụ án.
Xét thấy vụ án còn có nhiều điểm mâu thuẫn, uẩn khúc chưa được làm rõ nên HĐXX quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại từ đầu.
Sau hơn 20 năm sự vụ xảy ra, vụ án mạng đau lòng ấy vẫn còn là một ẩn số. Người chết cũng không thể nào sống lại được, nhưng hung thủ vụ án thì vẫn đang trong vòng bí ẩn.
‘Dư luận vẫn đặt vấn đề, vì sao Tân lại lẩn trốn quá đơn giản như vậy mà suốt 20 năm qua không ai phát hiện? Nếu Tân thay tên đổi họ thì vẫn còn vợ, còn con của Tân, chẳng nhẽ các con Tân không đi học, không lên chính quyền để làm bất cứ giấy tờ gì? Phải chăng Tân bỗng dưng hối hận ra đầu thú sau 20 năm trốn nã hay bị chính gia đình bị hại tìm ra???