Chúng ta đã … “hơi khác”?
Phân tầng và xếp loại các cơ sở giáo dục ĐH trên thế giới đã làm từ lâu, Việt Nam giờ mới bắt đầu. Kinh nghiệm của thế giới đã có nhưng các tiêu chí của Việt Nam đưa ra không phải nhà làm giáo dục nào cũng đồng ý.
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch hội đồng khoa học, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Khi bàn đến vấn đề phân tầng và xếp loại các cơ sở giáo dục ĐH, có hai nội dung cần làm cho rõ. Thứ nhất là những vấn đề có tính chất triết lý, thứ hai là kỹ thuật để thực hiện.
Về nội dung thứ nhất: Có một thời gian rất dài, ĐH Việt Nam không để ý, hoặc do một triết lý giáo dục nào đó hơi khác thế giới. Thế giới người ta coi đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội là công việc của giáo dục ĐH, giáo dục chuyên nghiệp. Nói cách khác là đáp ứng nhu cầu của thị trường nhân lực. Cái đó không ai cãi, không ai bàn, không ai phản đối nhưng dường như không được vận dụng trong hệ thống các trường ĐH Việt Nam.
Nó được thể hiện ở chỗ Việt Nam đào tạo ĐH như một cấp học, nội dung chương trình cũng đặt ra theo tôi là rất chủ quan của những người quản lý giáo dục, của những cơ sở giáo dục. Có gì dạy nấy, thậm chí cũng học này, học kia nhưng không biết tại sao lại đưa cái đó vào. Vì vậy, chương trình đào tạo của Việt Nam là phổ thông cấp 4 hoặc 4 rưỡi.
Nhưng điều nguy hại lại ở chỗ cách học đó, học sinh luôn luôn quá tải, học rất nhiều nhưng ra trường áp dụng lại không được bao nhiêu. Bởi vì, dạy ĐH, là một quá trình tham gia sáng tạo tri thức mới, là quá trình rèn luyện khả năng làm việc độc lập, là khả năng thích ứng, chứ không phải là “bê” một mớ kiến thức đã có sẵn. Không bao giờ ở một trường ĐH lại có thể dạy được hết những điều đang diễn ra.
Vì vậy, phải chú trọng dạy kỹ năng, phương pháp, cách tiếp cận, thậm chí là cả dạy làm người. Nhưng giáo dục ĐH Việt Nam không có thời gian để dạy sinh viên làm người. Chính vì một trong những nội dung của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là phải chuyển ngay việc dạy coi trọng nội dung, nhồi kiến thức sang một nền giáo dục chỉ trên một nền kiến thức cơ bản, tối thiểu, dạy học sinh về kỹ năng.
Mặt thứ hai, vì giáo dục ĐH là đáp ứng nguồn nhân lực của xã hội nên tất yếu sẽ có các nhu cầu khác nhau về chất lượng, cấp độ. Ví dụ cũng cần kế toán trình độ ĐH, nhưng ở tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải khác với một doanh nghiệp do một gia đình thành lập. Thế thì làm sao đỏi hỏi tất cả các trường ĐH phải chất lượng cao, đều phải đẳng cấp quốc tế.
Các trường ĐH phải thích ứng với nhu cầu, đáp ứng các cấp bậc khác nhau của xã hội. Sự phân hóa, phân tầng của ĐH là một hiện tượng tự nhiên. Làm sao có thể đòi hỏi đồng nhất được. Đổi mới lần này, phải có cơ chế để tạo ra đáp ứng yêu cầu phân tầng hay thực tế là phải phân tầng giáo dục ĐH. Do đó luật GD ĐH đã đưa khái niệm này vào.
Phân tầng là một thuộc tính của giáo dục ĐH. Cho nên chúng ta không thể đòi hỏi phân tầng là phải chất lượng. Đây là một câu nói khẩu hiệu, không đúng. Ở Mỹ cũng có những trường ĐH còn kém hơn ở Việt Nam bên cạnh có những trường thuộc top đầu. Như vậy, triết lý đó đã có ở Việt Nam và có cơ sở pháp lý. Nay đến vấn đề triển khai, tức là thể thức hóa lại là chuyện khác, phải rất thận trọng.
Tôi không bình luận, nhưng với tư cách chuyên gia, tôi chỉ yêu cầu phải xem xét thật kỹ trên cơ sở khoa học. Tại sao là 6 loại, 3 cấp, tại sao 10% cái này, 20% cái kia, hãy giải thích cho xã hội. Theo tôi, phân tầng không phải là cái áp đặt từ trên xuống, không phải là quy định của nhà nước. Nếu nhà nước quy định, người ra sẽ chạy theo lối xếp hàng để được “chui” vào tầng bao nhiêu, cái này hết sức nguy hiểm. Đừng đặt vấn đề bao nhiêu %. Vì theo tôi đấy là chủ quan.
- PV: Nhiều ý kiến cho rằng các con số mà Bộ GD-ĐT đưa ra còn mang tính cảm tính, ông nghĩ sao?
-GS.TSKH Vũ Minh Giang: Tôi không nói các con số Bộ GD-ĐT đưa ra có thiên về số lượng hay không nhưng thế giới không ai làm thế. Tiêu chí mỗi năm phải đào tạo bao nhiêu tiến sĩ là vô lý. Có những năm có trường không có nghiên cứu sinh vào.
GS.TSKH Vũ Minh Giang |
Không có chuyện “sản xuất” đều đều tiến sĩ hàng năm được. Quy định con số đó là áp đặt. Phải có kế hoạch nào đó. Ví dụ như chúng ta đang cần nhân lực chất lượng cao thì thời gian bao lâu đạt được trên cơ sở năng lực của các trường. Còn đi vào chi ly mỗi năm các trường phải đào tạo bằng này tiến sĩ theo kiểu khoán là không tự nhiên.
Phụ thuộc vào “ thương hiệu”
- PV: Cũng có ý kiến cho rằng việc xếp hạng là động vào “nồi cơm” của các trường?
-GS.TSKH Vũ Minh Giang: Xếp hạng và phân tầng là hai chuyện khác nhau. Xếp hạng là những cái người ta quan sát, đánh giá một cách khách quan theo các tiêu chí vẫn định mà thế giới vẫn làm. Nhưng cái này không liên quan đến nhà nước.
Nó giống như việc khám sức khỏe định kỳ. Xếp hạng này ảnh hưởng rất nhiều đến vị thế của trường ĐH đó trong mắt của người dân. Xếp hạng theo tôi cần để cho một tổ chức tương đối độc lập làm. Tổ chức đó mà xếp hàng “bậy bạ” thì vài năm sau không ai tin nữa. Còn phân tầng là điều muốn thực hiện phần của luật giáo dục ĐH.
Nhưng theo tôi, có vẻ như chưa thấm lắm triết lý của phân tầng. Tôi nói lại, phân tầng ĐH là thuộc tính tự nhiên, thương hiệu của các trường ĐH chứ không phải ai phân nó vào tầng nào. Cho nên nó ọp ẹp mà cho vào tầng cao thì người ta cho rằng “bế” lên tầng cao chứ chưa chắc phải đúng.
Còn đặt vấn đề đụng vào “nồi cơm”, tôi cho rằng cách đặt vấn đề đó không ổn. Vì cứ núp dưới danh nghĩa ù ù, mờ mờ để không công khai, để kiếm lợi, chất lượng kém đảm bảo điều kiện không đủ nhưng cứ thu tiền của nhân dân thì tôi phản đối. Nồi cơm ấy phải mở ra cho người ta xem là cơm gì. Còn cơm hẩm nhưng cứ dử người ta vào ăn. Nồi thì đẹp nhưng mở ra lại cơm hẩm hay đổ khoai là không được.
Tôi ủng hộ phải làm sao công khai chất lượng của các trường để xã hội xem xét, để thế giới biết là khi cần nồi cơm mà hẩm thì đổ, đóng.
-PV: Theo ông, việc phân tầng, hoặc xếp hạng liệu có làm được trong giai đoạn hiện nay? Và cái “được” của phân tầng là gì?
-GS.TSKH Vũ Minh Giang: Bao giờ cũng làm được, không có gì khó. Theo tôi nên từ kiểm định. Trên cơ sở những chuẩn mực kiểm định mà thế giới quen làm. Có thể chúng ta chưa áp dụng được chuẩn mực của các nước phương tây hay Mỹ thì có thể áp dụng tiêu chí của hiệp hội các nước Đông Nam Á (AUN). Trên cơ sở đó các trường sẽ biết mình nằm trong thang bậc nào của xếp hạng. Tôi nghĩ nên làm sớm.
Khi phân tầng, những sinh viên có năng lực học tập xuất sắc nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn thì Chính phủ và các trường ĐH vẫn phải đảm bảo chính sách hỗ trợ, cấp học bổng cho em đó. Còn những học sinh nào mức học tập bình thường hoặc trung bình khá có thể lựa chọn trường phù hợp. Qua đó, sẽ có trường ĐH ở tốp đầu, tốp giữa hoặc ở mức trung bình. Như vậy, học sinh có thể biết được chất lượng, mức học phí của từng trường để chọn lựa nên đăng ký vào trường nào phù hợp với sức học, khả năng tài chính của gia đình.
Thêm nữa, việc phân tầng, xếp hạng các trường ĐH cũng là hướng tới cơ cấu lại ngành nghề đào tạo cho xã hội. Theo đó, không nhất thiết tất cả học sinh tốt nghiệp THPT sẽ học ĐH mà có thể chuyển sang học nghề phù hợp với năng lực của bản thân.
Tự chủ ĐH sẽ giúp cho các trường nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Khi chất lượng giảng dạy tăng lên thì nhiều trường có thể trở thành những trường có thương hiệu trong khu vực và thế giới. Và nhờ vậy, họ có thể thu hút học sinh, sinh viên từ nước ngoài đến học tập.
Tuy nhiên, không phải là trường ĐH nào cũng có thể tự chủ và giám đứng lên tự chủ một cách toàn diện khi mà hiện nay, phần lớn các trường ĐH, CĐ ở nước ta đều được Nhà nước bao cấp về ngân sách để hoạt động.
Xin cảm ơn ông!