[links()] Những ngày này, bữa cơm gia đình của người Hà Nội (phần lớn đều có con đang học phổ thông) đều trở nên tất bật hơn bao giờ hết. Và bữa tối được xem là bữa ăn quây quần của cả gia đình sau một ngày mệt mỏi đã không còn nữa, thay vào đó là được chia thành nhiều ca khác nhau...
Ăn cơm tối cũng phải chia ca, ông bà ăn trước, bố mẹ, con cái ăn sau |
Gia đình ăn tối theo... ca (!)
Thay đổi giờ học, giờ làm đã gây tác động không nhỏ đến sinh hoạt, cuộc sống của các gia đình, giáo viên và học sinh, kéo theo nhiều xáo trộn. Chị Hồng Hà (ở quận Long Biên) mệt mỏi cho biết: “Mình sống với bố mẹ chồng đã già yếu và có hai cháu, một học Tiểu học, một học THPT.
Cả ngày có mỗi bữa tối được quây quần thì giờ đây được chia làm ba ca. 18h30 ông bà nội và cháu bé tan học lúc 17h30 ăn trước, rồi tới hai vợ chồng ăn xong sẽ đi đón cháu lớn vì bình thường tan học lúc 17h cháu đi xe đạp về, cháu có thể giúp mẹ tắm rửa cho em nhưng giờ vì quá muộn và nhà xa nên nếu để cháu tự về sẽ muộn và chúng tôi cũng không yên tâm. Và con bé lớn học lớp 11 tan học lúc 19h sẽ ăn sau cùng vì cháu về tới nhà khoảng 19h45”.
Đây cũng là tình trạng chung của các gia đình có con đang học bậc THPT khi theo quy định trường chỉ tan học sau 19h. “Cả gia đình có bữa tối là đông đủ nhất, giờ thì có muốn cũng khó sắp xếp được vì chẳng mấy gia đình nào có con nhỏ, bố mẹ già lại chờ được đến 20h mới ăn tối. Mà ăn như thế cũng không tốt cho sức khỏe” - một phụ huynh băn khoăn.
Em Hải Anh (Trường THPT Nguyễn Gia Thiều) cho biết: “Việc tan học sau 7h tối sẽ khiến việc sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, học thêm và chuẩn bị bài của tụi em gặp nhiều khó khăn. Tan học muộn thế này, nhanh cũng phải 8h tối mới được ăn cơm, chưa kể nghỉ ngơi và chuẩn bị bài cho hôm sau. Nhiều bạn nhà ở xa, đi học về muộn rất có thể sẽ không an toàn, chưa kể việc đi học thế này còn hơn cả... “chạy sô”, chẳng biết bọn em sẽ ăn, nghỉ vào thời gian nào nữa?”.
Không chỉ có học sinh khổ sở vì giờ học thay đổi, nhiều giáo viên có con nhỏ cũng hoang mang, tìm phương án để hài hòa giữa công việc và sinh hoạt gia đình. Tại các trường mầm non, thời gian nhận các cháu từ 7h30 sáng và trả đến 5h30 chiều, nhưng với thời gian dạy học của các giáo viên cấp 3, từ 7h sáng đến 7h tối, khiến nhiều người đau đầu giải quyết bài toán đưa, đón con nhỏ thế nào? Khi mỗi người trong gia đình có một kiểu giờ khác nhau cũng khiến bữa cơm tối không biết sẽ ăn vào lúc mấy giờ, thời gian nào để nghỉ ngơi và soạn giáo án?
Đổi giờ, nhiều gia đình có con gái học cấp 3 không yên tâm khi để con gái đi lại trên phố lúc tối trời thế này |
Nhà trường ngao ngán, mệt mỏi
Em Minh Trang, học sinh lớp 10 ngao ngán cho biết, khoảng 17h30 là chúng em thấy “oải” lắm, nghe giảng mà đầu cứ ong ong, vừa mệt vừa đói, chỉ mong được về nhà. Đã thế, giờ đấy chắc các thầy cô cũng mệt lắm rồi nên giảng bài cũng như chỉ cho xong, không có chút hứng thú, nhiệt tình nào cả, học sinh đã chán lại càng chán hơn... Không những thế, có hôm tiết cuối, trời tối vừa đói vừa rét mà chúng em phải xuống sân học môn giáo dục quốc phòng, rất mệt...
Thầy Đặng Đình Đại - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho rằng, việc thay đổi giờ học kéo dài tới 7h tối không hề tính đến yếu tố tâm sinh lý của cả người dạy và người học, rất phản khoa học, phản sư phạm, làm gia tăng tình trạng dạy nhồi, học nhét. Theo ông Đại, nếu tình trạng này kéo dài thì chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe thầy trò, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục ở khối THPT.
Bởi lẽ dù có tâm huyết, nhiệt tình và tài giỏi đến mấy thì việc dạy từ 7h sáng đến 7h tối cũng sẽ khiến giáo viên mệt mỏi, dạy đối phó. Đó là chưa kể giáo viên nữ có con nhỏ, bao nhiều công việc gia đình bộn bề chờ họ ở nhà vào khoảng thời gian từ 17-19 giờ khiến họ không thể chuyên tâm cho bài giảng trên lớp được. Do đó, ông Đại đề nghị nên thay đổi lịch học ca chiều, bắt đầu từ 1h chiều và kết thúc muộn nhất vào 6h chiều.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Trung Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng) nhận xét: “Cuối giờ chiều là quãng thời gian cần nhất để nghỉ ngơi, ăn uống... mà bắt giáo viên dạy, học sinh học thì chắc chắn ai cũng ngao ngán. Hơn nữa, với học sinh THPT, thời gian dành cho việc tự học, ôn luyện để thi cử là rất quan trọng”. Ông Dũng cho biết, hiện nay, phải bắt đầu lên lớp từ 7h sáng nên có giáo viên đến trường dạy xong tiết 1 lại lao về nhà đưa con đi học (vì khối mầm non, tiểu học bắt đầu học từ 8h), rồi lại đến trường dạy tiếp. Buổi chiều thì có người đón con đưa thẳng về trường để dạy những tiết cuối.
Bên cạnh đó, một vấn đề nan giải với học sinh lớp 9 và lớp 12 đó là lịch học và lịch ôn tập đã ổn định nay lại càng trở nên căng thẳng nên các em không biết thu xếp thời gian thế nào. Một cô giáo ở quận Hai Bà Trưng cho biết, “chẳng biết thay đổi múi giờ giảm ách tắc giao thông tới đâu nhưng nếu qua định này kéo thì chúng tôi hàng ngày phải đi chợ từ 5h sáng để kịp có mặt ở trường từ 7h sáng đến 7h tối và để nấu cho gia đình một bữa cơm chỉ là ước mơ xa xôi. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống thường ngày của chúng tôi. Chưa kể tới thời gian để chúng tôi soạn bài không biết sẽ thu xếp vào lúc nào nữa, khi thời gian kín mít như vậy”...
Uyên Na