Đội đặc nhiệm “Tia chớp” của Ai Cập: Giải cứu xuyên quốc gia

Các thành viên đơn vị  đặc nhiệm 777 của Ai Cập
Các thành viên đơn vị đặc nhiệm 777 của Ai Cập
(PLO) -Không chỉ sử dụng lực lượng đặc nhiệm để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, Bắc Phi mà Ai Cập còn sử dụng đặc nhiệm trong chống khủng bố. Họ đã huấn luyện đội đặc nhiệm 777 theo mô hình đặc nhiệm Mỹ và lực lượng này đã tham gia nhiều vụ chống khủng bố hiệu quả. 

Tuy nhiên, có lúc hiệu suất chống khủng bố của đặc nhiệm Ai Cập chưa cao, điển hình là vụ giải thoát con tin ngày 24/11/1985, tại Malta.

Ác mộng trên chuyến bay 648

Lúc 20 giờ ngày 23/11/1985, chiếc Boeing 737 thực hiện chuyến bay 648, tuyến Athens (Hy Lạp) về Cairo, đã bị bắt cóc. Trên máy bay có 91 hành khách và 6 nhân viên phi hành đoàn, gồm: 34 người Ai Cập, 21 người Philippinnes, 17 người Hy Lạp, 3 người Mỹ, ngoài ra còn có người Pháp, Canada, Úc, Israel, Monaco. 

Hai mươi phút sau khi cất cánh, máy bay bay đến khu vực bầu trời trên đảo Milas trên biển Aegean. Khi nữ tiếp viên hàng không bắt đầu đi phát đồ uống và tạp chí cho hành khách thì thanh niên ngồi ở ghế số 4 của hàng ghế đầu đứng vụt dậy. Anh ta rút khẩu súng ngắn từ trong túi áo ra, gí sát nòng súng vào lưng nữ tiếp viên.

Cùng lúc, hai thanh niên đang ngồi ở hàng ghế cuối cũng bật dậy, một tên giơ súng liên thanh, một tên rút ra quả lựu đạn, chúng gào lên: "Tất cả ngồi yên, giơ tay lên, bây giờ chúng tôi sẽ chỉ huy chiếc máy bay này”.  

Cùng lúc này, hai tên ở gần buồng lái nhanh chóng lao vào buồng lái, một tên giơ quả lựu đạn đã rút chốt, tên kia lăm lăm khẩu súng côn đã mở chốt an toàn, dí vào gáy cơ trưởng Jalar: "Máy bay đã bị bắt cóc, tôi lệnh cho anh bay về Lybia!". 

Cơ trưởng Jalar hết sức bình thản, nói: "Bay đến Lybia cũng được, nhưng sẽ không có đủ nhiên liệu, máy bay có thể rơi xuống biển". "Cái gì? Mày dám lừa chúng tao hả?" Tên không tặc lấy súng thúc vào đầu người cơ trưởng. "Nếu không tin, các người hãy nhìn đồng hồ báo xăng”. 

Trong khoang, bọn không tặc uy hiếp, thu hộ chiếu của hành khách. Căn cứ vào quốc tịch, bọn khủng bố chia họ ngồi vào những khu vực định sẵn. Trong lúc bọn chúng đang lần lượt khám xét mọi người, một nhân viên an ninh Ai Cập đi theo máy bay bất ngờ rút súng, bắn gục một tên không tặc.

Những tên khác lập tức lao đến hỗ trợ, người nhân viên an ninh không chống lại được số đông, ngã gục xuống, hai hành khách cũng bị thương. Trong màn đấu súng vừa rồi, một viên đạn làm thủng khoang máy bay, áp suất trong khoang lập tức hạ xuống, không khí trở nên loãng đi.

Cơ trưởng lập tức cho máy bay hạ thấp độ cao, cung cấp mặt nạ dưỡng khí cho hành khách. Tiếng cơ trưởng vang lên trong loa: "Các hành khách chú ý, các anh bạn chiếm giữ máy bay nói rằng họ thuộc tổ chức cách mạng Ai Cập, họ nói sẽ không tiếp tục làm bị thương mọi người. Máy bay đang hạ thấp độ cao, xin mọi người đừng lo sợ!" 

Không nơi hạ cánh

Máy bay bay về hướng Lybia. Cơ trưởng liên lạc vô tuyến với phía Lybia xin phép hạ cánh, nhưng Lybia từ chối không cho họ bay vào không phận của mình. Cơ trưởng lại liên lạc với Tunisia, vẫn bị từ chối. Máy bay đành lượn vòng trên ven bờ Địa Trung Hải, tìm điểm hạ cánh.

Đến 22 giờ, đèn đỏ báo hiệu nhiên liệu gần cạn nháy sáng, cơ trưởng quyết định cho máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Looca trên trên đảo Waleita của Malta. Cơ trưởng liên lạc vô tuyến với sân bay, sân bay này cũng từ chối cho phép hạ cánh.

Khi máy bay hạ thấp độ cao bay xuống sân bay, đài chỉ huy ra lệnh tắt mọi bóng đèn dẫn đường hạ cánh và phát đi tín hiệu "không cho phép hạ cánh". Nhưng chiếc máy bay chuyến 648 vẫn liều lĩnh lao xuống, hạ cánh bắt buộc xuống đường băng số 3. Bọn không tặc ném xác người nhân viên an ninh ra khỏi máy bay. 

Sau khi máy bay tiếp đất, tên cầm đầu bọn khủng bố Kasimu lập tức liên lạc với đài chỉ huy sân bay. Hắn hành động hoàn toàn không giống những kẻ khác, như yêu cầu thả đồng bọn đang bị giam giữ và tiền chuộc, cũng không tiết lộ hướng đi tiếp theo, mà chỉ đưa ra yêu cầu đòi tiếp dầu cho máy bay, đồng thời tuyên bố nếu yêu cầu không được đáp ứng cứ cách một giờ lại giết một con tin.

Chính phủ Malta khi nhận được tin chiếc máy bay của hãng hàng không Ai Cập hạ cánh xuống sân bay Looca lập tức thông báo cho các đại sứ quán có liên quan, đồng thời cử nhân viên an ninh chốt chặt sân bay Looca. Thủ tướng của Malta ngay trong đêm cho triệu tập các quan chức cao cấp của chính phủ bàn bạc tìm biện pháp đối phó. Phương châm chính phủ thống nhất đưa ra sau đó là: Chỉ cần bọn khủng bố thả toàn bộ con tin thì sẽ tiếp dầu cho máy bay. 

Các thành viên đơn vị đặc nhiệm 777 của Ai Cập
Các thành viên đơn vị  đặc nhiệm 777 của Ai Cập 

Lúc 22 giờ 40 phút, thủ tướng và các quan chức chính phủ Malta đi xe tới hiện trường. Ông Carmelo Mifeud Bonnia trực tiếp lên đài chỉ huy điện đàm với bọn khủng bố. Ông nói với Kasimu: "Nước chúng tôi luôn theo đuổi chính sách trung lập và không liên kết, chính phủ nước tôi đồng cảm sự nghiệp cách mạng Ả rập, các anh nên lập tức thả toàn bộ con tin, đầu hàng các nhân viên an ninh Malta, các anh sẽ được đối xử công bằng và cảm thông”. 

Nhưng phía Kasimu từ chối đầu hàng, cũng không chịu tiết lộ chúng sẽ bay đi đâu và tiếp tục yêu cầu đòi được tiếp dầu. Trong lúc cuộc đàm phán đang tiến hành, đại sứ của Mỹ, Hy Lạp, Israel, Lybia và đại diện của tổ chức giải phóng Palestin (PLO) cũng vội vã đến sân bay, hy vọng có thể thông qua điều đình, giải phóng cho các con tin. Bọn bắt cóc không muốn đối thoại với bất cứ đối tượng nào, thậm chí bao gồm đại biểu của tổ chức PLO. Kasimu chỉ đưa ra yêu cầu đại sứ của Lybia tại Malta đến máy bay đối thoại với chúng.

Ông đại sứ Lybia tất nhiên không dám mạo hiểm lên máy bay, chỉ thông qua máy vô tuyến điện tại đài chỉ huy nhiều lần giải thích với Kasimu về lập trường của Lybia: "Vì đã xảy ra sự kiện đổ máu, phía Lybia không muốn tiếp nhận chiếc máy bay này". Cuối cùng đại sứ Lybia đành phải vội vã rời khỏi đài chỉ huy với giọng nói đã khản đặc, đáp máy bay lập tức quay về Lybia. 

Lúc 23 giờ, bọn khủng bố đồng ý để hai con tin bị thương rời máy bay. Tiếp đó chúng thả tự do cho 13 con tin bao gồm nữ chiêu đãi viên hàng không và một số phụ nữ, coi đó là hành động đổi lấy việc máy bay được tiếp dầu. Nhưng chính phủ Malta vẫn kiên quyết đòi hỏi phải trả tự do cho toàn bộ con tin, mới thực hiện tiếp dầu cho máy bay, hai bên rơi vào thế giằng co căng thẳng. 

Thủ tướng Bonnia nói chuyện lần cuối cùng với Kasimu ông cố gắng làm cho cuộc nói chuyện trở nên gần gũi, dễ chấp nhận: “Thưa ông Kasimu, ông nên tỉnh táo một chút, cho dù chúng tôi có để ông bay khỏi Malta, các ông cũng sẽ bị chặn lại trên không, và như vậy thì càng nghiêm trọng hơn". "Nếu vậy chúng tôi sẽ cho nổ tung máy bay!" Kasimu cứng rắn đáp lại. 

Tàn sát

Lúc này, những kẻ không tặc đang giận dữ lật giở tập hộ chiếu, rồi quay sang các hành khách gọi lớn: "Hai người Israel là ai?" Cô gái Israel, 20 tuổi và bạn gái của cô, 23 tuổi nghe gọi liền đứng dậy. Hai cô tưởng rằng được chúng thả ra vội vàng bước về phía cửa máy bay nhưng khi vừa bước chân ra tới cửa, tiếng súng đã nổ vang sau gáy.

Một cô thét lên, đầu hơi quay nghiêng, viên đạn bay sạt qua tai trái. Kasimu thấy cô không chết, liền nhằm vào nổ liền mấy phát đạn, cô ngã nhào ra khỏi cửa máy bay. Lúc này bạn cô, Medlsen, kinh hoàng trước cảnh tượng xảy ra ngã qụy xuống sàn, bọn không tặc trói hai tay cô, đẩy ra phía cửa tiếp tục nổ súng bắn chết rồi ném ra ngoài. Các hành khách đều rùng mình ghê sợ, không ai dám cử động. 

Gần mười phút sau, Kasimu lại gọi tên ba người Mỹ: Beeker (28 tuổi), Burage (30 tuổi), Lugakepu (38 tuổi). Ba người khi thấy gọi đến tên thì đứng dậy. Kasimu bắt Becker đi ra cửa. Becker đầu tóc rối bù nhưng khá bình tĩnh, anh ta là một nhà sinh vật học người Mỹ, vừa kết thúc kỳ nghỉ của mình tại Trung Đông và trên đường quay về Mỹ. Kasimu theo sát anh ta từ phía sau, chưa bước đến cửa hắn giơ súng và bóp cò.

Đúng vào tích tắc đạn nổ, Beeker quay đầu ngã xuống không hề động đậy. Đầu đạn chỉ bóc đi một mảng da đầu, nhưng cũng đủ để máu chảy đầy mặt anh ta, có thể do anh ta đã nắm được bản năng giả chết của một số loài động vật khi bị kẻ thù đe dọa. Kasimu đã quá tin tưởng vào khả năng bắn của mình, do vậy đã bị lừa. Kasimu ra lệnh cho hai hành khách đem "xác" của Becker ném ra ngoài xuống bãi cỏ phía dưới.

Becker hít vào một hơi luồng không khí dễ chịu bên ngoài, lẩm bẩm: "Cám ơn chúng mày, lũ ngu xuẩn!" Anh không còn để ý đến những đau đớn sau cú ngã, chồm dậy chạy, thoát được cái chết trong gang tấc. Nhưng Burage và Lugakepu thì không được may mắn như thế, Burage bị thương nặng còn Lugakepu thì trúng đạn chết. 

Sau màn giết chóc vẫn không thấy phía bên kia có phản ứng gì, Kasimu gọi cho đài chỉ huy cảnh cáo và đe dọa: "Chúng tao đã giết chết năm người rồi. Sau một tiếng rưỡi nữa vẫn không tiếp dầu thì sẽ lại có người chết!"…

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.