Vì sao ông không chọn cách đơn giản, gọn nhẹ là ủng hộ kinh phí cho các tổ chức làm từ thiện như nhiều doanh nhân khác mà lại vận động, tổ chức hỗ trợ trực tiếp những người dân khó khăn trong suốt nhiều năm qua?
Tôi là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Kinh doanh Bếp và Gia dụng Việt Nam. Hội có hàng nghìn hội viên, ở khắp toàn quốc. Bên cạnh hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận cho công ty, chúng tôi luôn mong muốn được đóng góp cho xã hội, cộng đồng.
Doanh nhân Vũ Văn Hải |
Khoảng 6 năm trước, khi biết tin nhiều hộ dân ở khu vực Phú Thọ và Yên Bái bị ảnh hưởng bởi bão lũ rất nặng nề, các thành viên trong Hội bàn nhau cùng đóng góp, lên ủng hộ đồng bào. Chuyến đi đấy, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, có lúc cũng thấy lo lắng khi gặp núi lở, đồi lở. Lúc đoàn đến trường nội trú dành cho các em học sinh dân tộc ở Phú Thọ, bùn đất còn ngập mênh mông. Nhìn các cháu sống trong hoàn cảnh như thế, chúng tôi rất xót xa. Tại Yên Bái, khu vực chúng tôi đến thăm, có nhiều ngôi nhà tan hoang. Thời điểm ấy, chúng tôi mới chỉ mang được một số lương thực thực phẩm lên cho đồng bào, nhưng cũng cảm thấy ấm áp khi các phần quà của mình tạm đủ làm ấm lòng người dân trong hoạn nạn.
Chúng tôi không hẳn giàu có nhưng cuộc sống cũng tạm đủ đầy. Sau những chuyến đi như thế, chúng tôi thấy mình may mắn, muốn chia sẻ với những người khó khăn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, chúng tôi không tổ chức các hoạt động mang tính chất định kỳ mà căn cứ vào thực tế. Khi có khó khăn do thiên tai, dịch hoạ…, chúng tôi lại phát động, kêu gọi, vận động các hội viên và vận động các hội khác nếu có liên kết cùng chung tay góp sức, lên đường đến với đồng bào. Tất cả kinh phí, vật chất vận động được, chúng tôi đều trao hết ngay trong từng đợt. Các đợt sau, nếu đi mới vận động tiếp. Các khoản đi lại, chi phí trong chuyến đi,mọi người đều tự túc. Các đợt lũ lụt ở miền Trung, chúng tôi tham gia cung cấp lương thực thực phẩm cho đồng bào ở Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng Trị. Nơi nào đã có nhiều đoàn ủng hộ thì chúng tôi bàn cách hỗ trợ đồng bào gây dựng cuộc sống sau bão lũ. Ví dụ ở Quảng Bình, Quảng Trị, chúng tôi còn hỗ trợ cây, con giống, như gà nuôi…, phối hợp cũng Hội Nghệ sĩ trẻ Hà Nội xây trường cho trẻ em vùng sâu ở Quảng Bình. Những đợt dịch bệnh do COVID-19 căng thẳng, chúng tôi tổ chức nhận bao tiêu nông sản giúp bà con ở Hải Dương, Bắc Giang. Ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi kết hợp với địa phương mua và vận chuyển những vật dụng thiết yếu như gạo, đưa rau củ quả từ Đà Lạt về hỗ trợ đồng bào khó khăn. Gần đây nhất, tại Hà Nội, thời điểm dịch phát trở lại, phải thực hiện giãn cách, nhiều người bị “sốc” tâm lý, nhất là những người lao động tự do, họ phải thuê nhà, không đi đâu được, không kiếm tiền được nhưng vẫn phải trả tiền thuê nhà và rất nhiều chi phí sinh hoạt khác. Các thành viên trong Hội bàn nhau đóng góp, tổ chức mua mì, gạo, dầu ăn, mắm, muối, rau củ quả, hỗ trợ những người khó khăn…. Nói chung là cách làm của chúng tôi khá linh hoạt.
Khi làm thiện nguyện mùa dịch, nhiều người có tâm lý ngại ngần hơn. Ông có gặp khó khăn gì khi thuyết phục các thành viên trong Hội và trấn an người thân của mình?
Nói thật là có, nhưng chúng tôi xác định, làm thiện nguyện cũng phải vượt qua chính mình. Khi triển khai, chúng tôi phải tính toán sao cho an toàn. Ví dụ, mua bán thì phải có khoảng cách. Chúng tôi hẹn địa điểm giao hàng. Họ chuyển hàng đến địa điểm đã hẹn, sau đó chúng tôi đến nhận. Thanh toán tiền qua tài khoản. Trong lúc chưa đủ vaccine cho mọi người tham gia hoạt động thiện nguyện, chúng tôi cố gắng khắc phục bằng khẩu trang, khử khuẩn, đồ bảo hộ, tấm chắn bọt, nước súc họng… Khi bán lại cho người dân ở Hà Nội, chúng tôi bố trí quầy riêng. Có những đợt chúng tôi không quy định người mua trả bao nhiêu tiền mà họ tuỳ tâm, thiếu bao nhiêu thì Hội bù. Chúng tôi có quỹ Hội riêng, từ tài trợ của các hãng.
Doanh nhân Vũ Văn Hải cùng đoàn thiện nguyện về miền Trung |
Chúng tôi là doanh nhân, có mối quan hệ rộng rãi, có nghề trong tổ chức công việc hơn nhiều nhóm làm thiện nguyện mang tính tự phát nên có nhiều lợi thế hơn trong hoạt động này. Ví dụ, thời điểm đầu Hà Nội thực hiện giãn cách để phòng chống dịch, khẩu trang là mặt hàng thiết yếu, thị trường khan hiếm, giá tăng vọt. Công ty Đức Chính của tôi được bạn hàng hỗ trợ khá nhiều khẩu trang, nước sát khuẩn. Đây là chính sách bình thường của nhiều công ty dành cho các đối tác. Chưa kể, chúng tôi có nhiều mối quan hệ, có các bạn hàng tin cậy, rất trọng uy tín. Ngay khi thị trường khan hiếm khẩu trang, giá khẩu trang tăng phi mã, họ vẫn sẵn sàng cung cấp với giá cả bình thường, thậm chí còn ủng hộ, lấy giá thấp hơn nếu chúng tôi tổ chức các hoạt động thiện nguyện.
Chúng tôi còn có nhiều lợi thế trong tổ chức phân phối hàng cứu trợ. Các hội viên của Hội Kinh doanh Bếp và Gia dụng Việt Nam có những điểm bán đẹp nhất ở Hà Nội. Chúng tôi sử dụng mặt bằng đó để đặt điểm bán hàng giải cứu nông sản, tặng quà hỗ trợ nên mọi người đi qua đấy đều dễ lấy được. Cách làm cũng rất sáng tạo. Có người tổ chức phát trực tiếp, có người để tại chỗ cùng tấm biển: Ai khó khăn thì nhận 1 phần, ai không khó khăn thì nhường cho người khác… Sau đợt này, chúng tôi đã tiêu thụ một khối lượng nông sản lớn, thu về khoảng 500 triệu đồng giúp các hộ nông dân ở Hải Dương, Bắc Giang trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất tại các địa phương này.
Hoạt động thiện nguyện hiện nay đang gây nhiều tranh cãi. Ông làm thế nào để thuyết phục được nhiều người đồng hành, hỗ trợ được đúng người cần hỗ trợ?
Tất cả các chương trình thiện nguyện của chúng tôi đều xuất phát từ tâm và tinh thần tự nguyện, không hô hào người dân mà chỉ vận động nội bộ hội viên, những người quen biết, lấy kinh phí của Hội và các Hội liên kết. Mỗi lần tổ chức, chúng tôi đều làm tổng kết, quay video, ghi hình, ai mua cái gì, trao cho ai đều có giấy tờ cụ thể, sau đó đăng công khai trong nhóm chung để mọi người cùng kiểm soát. Theo tôi thấy, nếu mình luôn minh bạch thì sẽ không ngại thị phi. Chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ đồng bào khó khăn, nhân rộng các hoạt động mang tính nhân văn trong Hội nhưng cũng thường “phân vai” rất rõ. Ví dụ, đợt đi Quảng Bình, Quảng Trị, chúng tôi phối hợp với Hội Nghệ sĩ trẻ Hà Nội và Cung Thiếu nhi triển khai. Hội chuẩn bị hàng nghìn con gà giống, đã tiêm vaccine đầy đủ, phân phát cho một xã ở Quảng Trị, 1 xã ở Quảng Bình. Cung Thiếu nhi vận động dụng cụ học tập cho các cháu như trống đội, sách vở, dụng cụ thể dục thể thao. Hội Nghệ sĩ trẻ vừa tham gia đóng góp, vừa tổ chức quay phim, chụp hình, tham gia biểu diễn, cung cấp tư liệu, chứng minh cho những người đóng góp tài chính một cách rõ ràng.
Mặt khác, như tôi đã chia sẻ ở trên là chúng tôi có lợi thế khi có hội viên ở trên toàn quốc. Khi xảy ra thiên tai, dịch hoạ ở tỉnh nào, chúng tôi có các hội viên ở đấy khảo sát trực tiếp, đánh giá cụ thể xã nào, thôn nào đó khó khăn, cần được hỗ trợ. Nơi nào khó khăn nhưng có nhiều các tổ chức đã đến rồi thì chúng tôi sẽ đến với địa phương khác. Khi đến hỗ trợ người dân, chúng tôi đều phối hợp với chính quyền, MTTQ ở địa phương, có chứng từ, ghi chép, quay phim, chụp ảnh lại, không phải để quảng bá mà là để mọi người trong nhóm đều có điều kiện kiểm tra lại. Chúng tôi biết nhau, hướng tới cái chung nên liên kết và vận động nhau tự hoạt động thiện nguyện. Bên cạnh hoạt động kinh doanh, chúng tôi luôn mong muốn tham gia công tác xã hội, các hoạt động thiện nguyện, lan toả sự nhân văn trong cộng đồng xã hội, hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ, để mọi người cùng cảm nhận cuộc sống này vẫn còn nhiều điều tốt đẹp, tử tế, phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người Việt.
Theo ông Vũ Văn Hải, dù làm kinh doanh hay làm từ thiện đều cần cái tâm. |
Nhắc đến doanh nhân Vũ Văn Hải, nhiều người thừa nhận, ông là người tiên phong tạo nên mạng lưới các doanh nghiệp – đại lý kinh doanh trong lĩnh vực bếp và gia dụng tại Việt Nam. Vì sao ông quyết định gắn bó với lĩnh vực này ngay khi việc sử dụng bếp và gia dụng có thương hiệu lâu năm từ nước ngoài về Việt Nam còn chưa phổ biến?
Hơn 10 năm trước, khi còn làm việc cho một tập đoàn nước ngoài, có dịp đến các gia đình của người châu Âu, tôi rất ấn tượng về căn bếp của họ. Người châu Âu rất chú trọng đồ dùng trong bếp. Họ thường sử dụng các đồ có thương hiệu, bền và phải đảm bảo sức khoẻ. Vật dụng của họ dùng không nhiều, chỉ có số lượng vừa phải, nhưng rất chất lượng. Vào căn bếp họ khiến người ta yêu cảm giác nấu nướng. Thời điểm ấy, tại Việt Nam, ngày càng nhiều người Việt chú trọng đến các đồ dùng có thương hiệu, độ bền cao, đảm bảo về vấn đề sức khoẻ hơn. Rất nhiều người trẻ từng sinh sống, học tập ở nước ngoài trở về nước. Họ chịu ảnh hưởng rất nhiều lối sống của người châu Âu và họ rất hiểu, rất quan tâm các vật dụng trong cuộc sống của họ. Ban đầu tôi nghĩ chỉ hướng tới các đối tượng có nguồn thu nhập nhất định nhưng không ngờ sau đó, rất nhiều người sử dụng các sản phẩm chúng tôi nhâp về. Họ là những người đi lao động ở nước ngoài, biết các sản phẩm đó như thế nào. Tất nhiên, khoảng thời gian đầu, những người sử dụng các sản phẩm này chưa phải là đa số và số lượng sản phẩm chúng tôi nhập khẩu về cũng không nhiều.
Chúng tôi mong muốn người trong nước được sử dụng những sản phẩm có thương hiệu, được sản xuất đúng chuẩn châu Âu với giá thành mà người Việt có thể chấp nhận được. Khi có một thị trường tương đối, tiêu thụ thường xuyên được một khối lượng sản phẩm đủ lớn, tôi đàm phán với tập đoàn ELO để họ cho mình là nhà phân phối chính thức ở Việt Nam. Thương hiệu này có hơn 60 năm trên thế giới, giá thành không đắt lắm. Khi trở thành nhà phân phối chính thức, chúng tôi không phải qua các khâu trung gian nên cắt giảm được nhiều chi phí không cần thiết, cung cấp đến người tiêu dùng trong nước với giá thành hợp lý. Sau đó tôi làm đại diện phân phối cho Falkelmanncủa Đức. Tập đoàn này chuyên sản xuất dụng cụ sử dụng trong gia đình, có thương hiệu trên 100 năm, phân phối trên toàn cầu, có nhiều đồ dùng rất truyền thống, mang tinh thần giá trị Đức, vừa hiệu quả, đảm bảo các chỉ số của người tiêu dùng Đức, không đắt lắm thì nhập về.
Gần đây nhất, tôi nhập thêm hàng của Taurus. Đây là một thương hiệu về đồ gia dụng điện ở Tây Ban Nha, chất lượng sản phẩm đạt chuẩn châu Âu, đã được tin dùng khoảng 30 năm nay và phù hợp với người Việt… Nói chung, các sản phẩm chúng tôi nhập về đều có thương hiệu quốc tế lâu năm, đạt chuẩn quốc tế, tuyệt đối không sang nhái, có hoá đơn, chứng từ, giấy tờ xuất nhập khẩu của Hải quan.
Trong những ngày đầu mới lập nghiệp, ông có gặp nhiều khó khăn không?
Chắc chắn là có. Với tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp, khó khăn đầu tiên là vốn và thị trường. Tôi là người đi làm công, làm thuê, sau đó mới làm chủ nên tiền vốn eo hẹp. Thị trường ban đầu còn mới. Để được doanh nghiệp nước ngoài có uy tín lâu năm tin tưởng, hỗ trợ về đặt hàng, thanh toán linh hoạt, chúng tôi phải chứng minh được năng lực thật sự của mình. Họ yêu cầu phải nhập với số lượng lớn nên giai đoạn đầu, chúng tôi quyết định chỉ nhập 1 sản phẩm phổ thông nhất ở Việt Nam, sau đó mới tăng dần. Chúng tôi phải nhập rời chứ không phải full công như bây giờ. Nhập hàng chủ yếu bằng đường biển nhưng những lúc thị trường khan hiếm hàng quá thì phải chấp nhận nhập bằng được hàng không. Thời điểm ấy, chúng tôi làm chỉ vì đam mê chứ thực thế lợi nhuận không bằng hoặc chỉ ngang với tôi đi làm thuê. Có chút lợi nhuận nào, tôi đều đổ dồn hết vào vốn.
Chúng tôi không phát triển “nóng” được và chỉ tập trung nhập, phân phối sản phẩm ở phân khúc trung cấp. Khách hàng là những người chú trọng đến chất lượng sản phẩm, không chỉ chú trọng giá cả. Tất nhiên, những người làm công ăn lương vẫn có khả năng sử dụng các sản phẩm này. Ví dụ, khách có thể có một bộ nồi, chảo với giá mấy trăm nghìn đến 2 triệu đồng đổ lại nhưng có thể dùng được đến 10 năm. Càng ngày chúng tôi càng tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng. Hiện nay, chúng tôi có trên nghìn sản phẩm khác nhau, đáp ứng nhu cầu khách hàng đa dạng hơn rất nhiều. Khi nhập các sản phẩm như thế, các doanh nghiệp trong nước cũng có cơ sở để so sánh, có sự cạnh tranh và nâng cao hơn.
Bộ máy công ty chúng tôi tinh giản tối đa và chỉ chú trọng ngời tâm huyết, đam mê với lĩnh vực này. Ban đầu, họ có thể yếu ở một mặt nào đó nhưng bắt buộc phải chăm chỉ. Chúng tôi chia sẻ công việc với một số công ty khác để họ tự chịu trách nhiệm với việc tổ chức con người trong bộ máy của họ và hưởng lợi nhuận từ phần việc họ. Điều đó giúp chúng tôi linh hoạt hơn trong điều kiện kinh tế khó khăn, thiên tai dịch hoạ.
Doanh nhân Vũ Văn Hải cùng các đơn vị xây trường học cho học sinh vùng khó khăn tỉnh Quảng Bình. |
Ngày càng nhiều người tham gia kinh doanh bếp và đồ gia dụng. Ông làm thế nào để thuyết phục khách hàng, phát triển cty trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt hiện nay?
Chúng tôi tập trung vào thế mạnh truyền thống của mình là các sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, có thương hiệu lâu năm, có nguồn gốc xuất xứ cụ thể, được các quốc gia và đại sứ quán của nước sở tại ghi nhận. Khách sử dụng sản phẩm của chúng tôi chỉ cần lên mạng tìm hiểu thông tin rất dễ. Theo tôi, website có thể làm sai được nhưng theo tôi, lịch sử công ty thì không ai có thể thay đổi được. Đặc biệt là ViClick giúp ích cho người tiêu dùng rất nhiều. Đây là cơ quan độc lập, không thay đổi thông tin được.
Chúng tôi cung cấp sản phẩm cho khách hàng với giá hợp lý vì mua số lượng lớn, là người đại diện chính thức của các thương hiệu nói trên ở Việt Nam, nhập trực tiếp từ họ nên bớt được chi phí qua các khâu trung gian. Nếu trực tiếp mua sản phẩm ở nước ngoài mang về nước, người sử dụng cũng không thể đến mua trực tiếp từ nhà máy sản xuất mà phải qua cửa hàng, trung tâm thương mại. Như thế là đã phải qua khâu trung gian và họ chỉ mang được một số lượng nhỏ, đi đường hàng không, cước phí rất cao. Khi về Việt Nam thì giá thành có thể đội lên gấp đôi của chúng tôi.
Khi mua trực tiếp từ nhà máy sản xuất của nước ngoài, sản phẩm chúng tôi phân phối tại Việt Nam có giá thành tốt hơn so với sản phẩm có giá thành tương đương ở Việt Nam. Tôi khẳng định điều này vì cùng một sản phẩm của một thương hiệu ở Tây Ban Nha nhưng ở Tây Ban Nha, chi phí vận hành lớn hơn, từ nhân công lao động cho đến các chi phí khác, có thể lớn hơn gấp 5 gấp 10 ở Việt Nam và chi phí cho đại lý của họ lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, giá mua sản phẩm của họ, mang về Việt Nam sẽ không thể tốt hơn của chúng tôi được. Chưa kể, hiện nay, nhiều người tin dùng “hàng xách tay” nhưng vấn đề là ai kiểm nghiệm được đó là hàng xách tay chính hãng? Trong khi sản phẩm của chúng tôi được bảo đảm bằng nhiều yếu tố nói trên, có xuất xứ, hoá đơn rõ ràng. Khi đã trải nghiệm sản phẩm của chúng tôi, khách hàng sẽ cảm nhận rất rõ điều đấy. Những trải nghiệm thực tế của người sử dụng về sản phẩm của các thương hiệu mà chúng tôi cung cấp là những đánh giá tốt nhất, cách quảng bá tốt nhất, cách thuyết phục tốt nhất của chúng tôi dành cho khách hàng của mình.
Xin cảm ơn ông!