Theo nhận định của Tổ điều hành thị trường trong nước, trong tháng 3 tới đây, sẽ có nhiều yếu tố gây sức ép đến việc tăng giá. Do giá xăng dầu thế giới và giá nhập khẩu tăng nên có thể tác động đến việc điều chỉnh giá mặt hàng này trong nước.
“Cho tăng giá xăng chắn chắn sẽ phát sinh nhiều hậu quả có thể thấy ngay” |
Phó tổng giám đốc Petrolimex Vương Thái Dũng cho rằng, hiện tại thì chênh lệch giá cơ sở vẫn cao cách biệt so với giá bán lẻ hiện hành. Theo đó, nếu như trước đây thuế nhập khẩu xăng A92 là 4%, giá cơ sở xăng A92 cao hơn hẳn 2.500 đồng/lít, thì sau khi thuế giảm kịch đáy về 0%, khoảng chêch lệch này vẫn không co lại là bao, với mức chêch tới 2.005 đồng/lít.
Như vậy, mặc dù Bộ Tài chính đã lùi thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng tỷ lệ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ vẫn không suy chuyển gì nhiều, với tỷ lệ ở xăng A92 là 9,6%, 7,8% và 5,9%.
Trong khi đó, theo Petrolimex, diễn biến giá xăng dầu thế giới 7 ngày qua vẫn không hạ nhiệt mà còn tăng cao. Vào thời điểm ngày 21/2, khi thuế suất xăng dầu giảm, trung bình giá thành phẩm trong 30 ngày đối với xăng A92 mới chỉ là 123,74 USD/thùng thì nay, đã tăng lên xấp xỉ 128 USD/thùng.
Riêng giá xăng A92 thành phẩm trên thị trường Singapore ngày 27/2 đã vọt lên tới suýt soát 134 USD/thùng. Đối với dầu diesel thành phẩm, hiện đã tăng tới gần 138 USD/thùng trong khi giá bình quân 30 ngày ở thời điểm 21/2 mới chỉ là 131,26 USD/thùng.
Trước ngày 21/2, một doanh nghiệp xăng dầu “xin” Bộ Tài chính tăng giá từ từ 1.000- 1.500 đồng/lít các mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp thuận, Bộ Tài chính chỉ điều chỉnh mức thuế, theo tính toán, mức giảm thuế nói trên chỉ đủ bù lại được khoảng 600-700 đồng/lít.
Theo phân tích của một số đơn vị kinh doanh xăng dầu, với tính toán của Bộ Tài chính thời điểm đó, giảm thuế cộng với việc xả Quỹ bình ổn tới 1.400 đồng/lít xăng, các doanh nghiệp hòa vốn, nhưng trên thực tế thì không được như vậy.
Trong khi Quỹ bình ổn giá xăng dầu một số đơn vị đã cạn kiệt, cộng với việc giá thế giới tiếp tục tăng như mấy ngày qua thì sức ép tăng giá mặt hàng này được nhận định là khó tránh khỏi.
Đại diện Petrolimex cho biết, tình hình lỗ xăng dầu đã kéo dài hơn 2 tháng nay, phía doanh nghiệp chỉ biết kiến nghị cho doanh nghiệp vận hành theo đúng Nghị định 84.
Theo đại diện SaigonPetro, doanh nghiệp này đang cân nhắc việc xin tăng giá xăng vào đầu tháng 3, nếu giá thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh như hiện nay. Trong khi đó, phía Petrolimex cho rằng là sẽ báo cáo đầy đủ tình hình biến động chi phí lên liên bộ, riêng việc điều chỉnh tăng giảm ra sao là doanh nghiệp không có ý kiến.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, doanh nghiệp tiếp tục than lỗ và nếu như Nhà nước cho tăng giá xăng chắn chắn sẽ phát sinh nhiều hậu quả có thể thấy ngay. Lạm phát chỉ mới "hạ nhiệt", do đó nếu để giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới sẽ đẩy mặt bằng giá tăng. Chưa kể tình trạng “tát nước theo xăng” bởi xăng dầu hiện là mặt hàng "đầu vào" của hàng trăm dịch vụ khác.
Theo ông Phong, 90% thị phần xăng dầu đang thuộc về 3 "ông lớn" là Petrolimex, PV Oil, Sài gòn Petro. Do đó không thể có khái niệm “giá thị trường” khi liên bộ chưa tạo được sân chơi lành mạnh, trong đó các doanh nghiệp “va đập” lẫn nhau. Nhà nước vẫn cần tung ra giải pháp để bình ổn mặt hàng này, đánh đổi để đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội.
Ông Phong cho rằng, công cụ thuế đã được sử dụng, vậy cần mạnh tay hơn trong việc “ép” doanh nghiệp hạ mức phí hoa hồng. Mức chiết khấu hiện nay lại là 350 – 400 đồng/lít xăng là mức lớn.
Như Trang