Dù không là lĩnh vực công việc mang tính chuyên môn như các mảng việc khác của một Bộ kinh tế ngành, nhưng nội dung hoạt động và kết quả công tác đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT luôn được trong, ngoài ngành này dõi theo.
“Chơi” với những tên tuổi lớn trên thế giới
Năm 2016 tiếp tục ghi nhận là năm có nhiều con số để nói về công tác cổ phần hóa đổi mới mô hình hoạt động các doanh nghiệp ở Bộ này. Đầu tiên là việc thực hiện chuyển đổi mô hình 4 công ty mẹ - tổng công ty (Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, Hàng hải Việt Nam, Công nghiệp tàu thủy) và 8 công ty con trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.
Ngoài ra, còn hoàn thành cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Vận hành Bảo trì đường cao tốc thuộc VEC. Đáng nói, 2 doanh nghiệp quy mô lớn là Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV), Bộ GTVT đã chỉ đạo đàm phán với nhà đầu tư chiến lược là các tập đoàn quốc tế, có năng lực, kinh nghiệm, cam kết hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Đến nay, đã hoàn thành đàm phán, ký kết hợp đồng cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines với hãng All Nippon Airways - hãng hàng không 5 sao Nhật Bản; bên cạnh đó tích cực đàm phán với Tập đoàn Aeróports de Paris - nhà đầu tư chiến lược của ACV, dự kiến ký kết các hợp đồng, hoàn tất giao dịch trong tháng 3/2017.
Đặc biệt, thực hiện quy định về giao dịch, niêm yết chứng khoán để nâng cao tính công khai, minh bạch và tạo kênh huy động vốn, Bộ GTVT đã chỉ đạo các doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa lập kế hoạch, thực hiện giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch; đến nay, đã có 37 công ty cổ phần thực hiện giao dịch, niêm yết cổ phiếu với tổng giá trị chứng khoán theo mệnh giá là trên 35.000 tỷ đồng.
Cụ thể, ngay trong những ngày đầu năm 2017, Vietnam Airlines đã có phiên giao dịch cổ phiếu đầu tiên tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Theo đó, hơn 1.227 triệu cổ phiếu của hãng này (mã cổ phiếu HVN) chính thức được niêm yết và giao dịch tại sàn UPCoM với mức giá chào sàn (tham chiếu) trong ngày giao dịch đầu tiên là 28.000 đồng/cổ phiếu, chiếm khoảng 11% tổng mức vốn hóa thị trường UPCoM và góp phần nâng cao mức vốn hóa của ngành hàng không trên thị trường chứng khoán.
“Với việc trực tiếp bổ sung cho thị trường chứng khoán Việt Nam thêm hơn 1,2 tỷ cổ phiếu, HVN đã đóng góp lượng cổ phiếu lớn thứ hai trên thị trường UPCoM xét về quy mô và giá trị”, ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines nói.
Chủ tịch Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh nhận Chứng nhận đăng ký giao dịch tại sàn UPCoM hôm 3/1/2017 |
Xã hội hóa lĩnh vực không cần chi phối
Theo Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), hiện Bộ này đã hoàn thành việc chuyển giao quyền đại diện sở hữu Nhà nước tại Tổng công ty Thăng Long - CTCP và 8 công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa với tổng giá trị vốn Nhà nước hơn 140 tỷ đồng về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Đối với 3 Tổng công ty Cienco 5, Cienco 8, Xây dựng đường thủy và Công ty Tracimexco, Bộ GTVT đang phối hợp với SCIC thẩm định hồ sơ để chuyển giao.
Cũng trong năm 2016, Bộ đã hoàn thành thoái vốn tại 22 công ty cổ phần, giá trị thu về đạt 2.301 tỷ đồng, toàn bộ số tiền thu được sau khi trừ chi phí đã được nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp; các công ty mẹ - tổng công ty thuộc Bộ đã thoái vốn tại 17 doanh nghiệp, thu về 262 tỷ đồng.
Vẫn với đà này, trong năm 2017, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã được phê duyệt, trên cơ sở thực tiễn, tiến hành rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, nhằm mục tiêu phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, tạo sự hấp dẫn để thu hút được các nguồn lực từ xã hội.
Đặc biệt, tăng cường thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước không cần giữ chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần; tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Tổng hợp các nội dung báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương triển khai, thực hiện cổ phần hóa 17 đơn vị chuyển tiếp từ năm 2016.
Ngoài ra, sẽ phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện thoái vốn Nhà nước tại 7 công ty cổ phần đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam; Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Cửu Long, VEC thoái vốn nhà nước ở các lĩnh vực không thuộc diện Nhà nước phải nắm giữ. Đẩy mạnh công tác giám sát hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Nâng cao vai trò người đại diện phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Tổng Giám đốc VEC Mai Tuấn Anh: Năm 2016, đã hoàn thành cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Vận hành Bảo trì đường cao tốc |
Mã chứng khoán duy trì tăng trưởng trong 20 năm
“Là Hãng hàng không Việt Nam đầu tiên và duy nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, Vietnam Airlines hân hạnh mang đến thị trường mã chứng khoán của một doanh nghiệp liên tục duy trì tăng trưởng trong hơn 20 năm hoạt động với chỉ số tài chính vượt kế hoạch ở mức cao; một hãng hàng không với đội tàu bay trẻ, hiện đại và đặc biệt là hãng duy nhất ở châu Á - Thái Bình Dương khai thác thành công cả 2 dòng tàu bay thế hệ mới nhất thế giới là Airbus A350-900 và Boeing 787-9; chất lượng dịch vụ 4 sao theo tiêu chuẩn hàng không quốc tế...”, ông Phạm Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines.