Ngày 9/3, Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) và Công ty EPICOR (Top 5 nhà cung cấp giải pháp ERP – hoạch định nguồn lực doanh nghiệp - toàn cầu) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Vượt qua đại dịch - Chuyển đổi số để phục hồi và tăng trưởng sản xuất”.
Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp Lương Minh Huân cho biết, đại dịch COVID-19 không chỉ mang lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân và doanh nghiệp mà còn tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số.
“Quãng thời gian sống chung với COVID-19 chính là thời điểm quan trọng, là cú huých trăm năm, để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của chuyển đổi số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sau đại dịch”, ông Lương Minh Huân cho biết.
Cũng theo ông Huân, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp không thể chỉ đầu tư mua sắm ứng dụng các trang thiết bị số mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số. Vì vậy, Hội thảo được tổ chức lần này là một trong chuỗi các hoạt động của VCCI nhằm hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số -được xác định là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược của VCCI nhiệm kỳ 2022-2026, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến, chế tạo.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn, theo khảo sát bước đầu về chuyển đổi số mà VCCI thực hiện, về doanh thu của doanh nghiệp, nếu năm 2020 đã bị ảnh hưởng bởi COVID thì năm 2021 doanh nghiệp bị “ngấm đòn hơn” (chỉ riêng doanh nghiệp chế biến, chế tạo, đã có hơn 70% số doanh nghiệp bị giảm về doanh thu). Hay trong sản xuất kinh doanh, hơn 53,6% doanh nghiệp bị suy giảm năng lực sản xuất do giãn cách, dự đoán nguồn nguyên vật liệu, thiếu hụt nguồn cung trong nước…
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sớm triển khai chuyển đổi số có “sức chống chịu tốt hơn”, sẵn sàng thích nghi với điều kiện bình thường mới, đồng thời tận dụng được nhiều cơ hội mới để tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, khảo sát nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số cho thấy 35% doanh nghiệp đã nghe nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Bên cạnh đó, 17% doanh nghiệp chưa ứng dụng công nghệ mới nhưng có quan tâm. Các doanh nghiệp cũng cho biết nếu ứng dụng chuyển đổi số thì sẽ chú trọng vào quản trị nội bộ (chiếm 55%), tiếp theo là bán hàng, sản xuất, mua hàng… Về tiêu dùng sản phẩm công nghệ số, 7,3% doanh nghiệp đã áp dụng ERP, khoảng 12% chuẩn bị tiêu dùng và 35% chưa biết đến ERP.
Các doanh nghiệp khảo sát kỳ vọng ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp giảm chi phí, giảm giấy tờ; giảm tiếp xúc trực tiếp; quản trị kinh doanh hiệu quả; nâng cao chất lượng dịch vụ… Tuy nhiên, rào cản với doanh nghiệp là chi phí ứng dụng công nghệ số còn cao, thiếu cơ sở hạ tầng về công nghệ số, khó khăn trong thay đổi tập quán kinh doanh của mình…
Chính vì vậy, một số đại biểu tham dự Hội thảo đã cung cấp những minh họa sinh động từ chính doanh nghiệp của mình trong chuyển đổi số thành công. Điển hình như Công ty Plus Vietnam Industrial hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân phối văn phòng phẩm. Với 2 nhà máy có số nhân viên lên tới 2400 người, trên cơ sở kinh nghiệm của Epicor và đối tác triển khai trong ngành, Công ty đã mạnh dạn ứng dụng các giải pháp nhà máy thông minh toàn diện và mạnh mẽ không chỉ bao gồm ERP mà còn cả Advance MES và BI đã sẵn sàng cho các giai đoạn tiếp theo, công nghệ linh hoạt hiện đại hỗ trợ mở rộng kinh doanh.
Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số của doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Đình Giang (Công ty Rochdale Spears) cho rằng việc chuyển đổi số tập trung ưu tiên của Công ty vào khách hàng theo hướng tăng năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm/ giới thiệu sản phẩm mới cũng như quản lý chất lượng. Đồng thời, Công ty cũng tối ưu hóa chi phí sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất và đặc biệt là tối ưu dòng tiền (giảm bán thành phẩm, giảm nguyên liệu và hàng tồn kho); tái cấu trúc quy trình doanh nghiệp và hiện đại hóa hoạt động.
Theo một khảo sát mà VCCI đã thực hiện về thực trạng Chuyển đổi số của doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 cho thấy, 3/4 các doanh nghiệp khảo sát đã quan tâm ứng dụng các công nghệ số trước tác động của đại dịch COVID-19.
Mặc dù tỷ lệ các doanh nghiệp lớn ứng dụng các công nghệ số cao hơn, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã dần bắt kịp kể từ khi có COVID-19 xuất hiện. Đáng chú ý, tỷ lệ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến ứng dụng các công nghệ số cao hơn so với các doanh nghiệp phi sản xuất.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng chỉ ra một điểm đáng lưu ý là công nghệ số chỉ được các doanh nghiệp chủ yếu áp dụng đối với các hoạt động quản trị, logistic, marketing, bán hàng… trong khi khâu quan trọng nhất là sản xuất lại chưa được quan tâm đúng mức.