[links()]
Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn việc vi phạm bản quyền, các lực lượng chức năng của Chính phủ như Thanh tra Bộ Văn Hóa, Thể Thao & Du Lịch, Cuc Quản Lý Thị Trường, với sự hỗ trợ của Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) đã đẩy mạnh vấn nạn vi phạm bản quyền thông qua môt loạt hoạt động được tổ chức tại nhiều địa phương trọng điểm trong nước từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2011. Tổng cộng có hơn 10 đại lý máy tính đã bị phát hiện bán máy tính HP, Dell, Lenovo, Asus, Acer… có chứa các bản sao không có bản quyền của hệ điều hành Windows của Microsoft và các ứng dụng Office. Ước tính giá trị các phần mềm bị thu giữ từ các bên bán này lên đến hàng tỷ đồng.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp và cá nhân bị phát hiện có vi phạm sở hữu trí tuệ có thể đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 500,000,000VND . Tuy nhiên, thay vì đối mặt với các hậu quả này, Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) cho phép bên bán hàng được xin lỗi công khai và hứa sẽ không bao giờ tái phạm.
Bên bán hàng sẽ đăng lời xin lỗi công khai của mình trên các tờ báo có uy tín tại Việt Nam như: Thanh Niên, Pháp luật Việt Nam, Vietnam News, Đầu Tư, Tuổi Trẻ…với cam kết sẽ không bao giờ tái phạm, sử dụng phần mềm không bản quyền trong các giao dịch kinh doanh của doanh nghiệp.
Cơ quan chức năng kiểm tra tại siêu thị điện máy Chợ Lớn. |
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Giám đốc Misa cho rằng: “Nạn vi phạm bản quyền phần mềm gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong nước và góp phần làm giảm đáng kể các cơ hội và doanh thu cho doanh nghiệp và các công ty. Đa phần, người sử dụng và doanh nghiệp nghĩ rằng sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền có thể giúp tiết kiệm đầu tư, nhưng về lâu dài việc này có thể bắt họ phải trả giá đắt. Thậm chí đẩy các cá nhân và doanh nghiệp vào mê cung của tội phạm công nghệ thông tin, ví dụ như mất quyền riêng tư, mất đặc điểm nhận dạng và thậm chí rất dễ gặp rủi ro về tài chính”.
Cũng theo ông Hoàng, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở nước ta hiện nay là 83%. Con số này khuyến khích tất cả những người sử dụng cùng góp phần vào việc làm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền ở Việt Nam và hành vi đúng đắn nhất là chỉ sử dụng các phần mềm có bản quyền.
Hiện các doanh nghiệp phần mềm có kế hoạch tăng cường các hoạt động của mình trên cả nước nhằm tạo “sân chơi công bằng” cho các đại lý. Qua đó, giúp các doanh nghiệp tiếp cận và tôn trọng luật sở hữu trí tuệ hơn, tiến tới chỉ có thể bán các sản phẩm phần mềm có bản quyền, đồng nghĩa với tiến trình chấm dứt nạn vi phạm bản quyền.
Lê Hữu