Sử làng ghi, năm 1850 các bô lão làng Tân Minh khi lập đình làng, thấy trong làng có một đồi đất rất kỳ lạ, hai bên là ruộng nước nhưng ở giữa lại nổi lên một gò đất cao, rộng khoảng 4 ha, cây cối rậm rạp, đặc biệt có những loại cây chỉ mọc được ở trong rừng. Ngôi đình được dân làng lập nên ở đây.
Người xưa cấm tất cả phụ nữ bước vào khu vực đình làng, họ cho rằng phụ nữ vào đình làng sẽ “gây ô uế chốn linh thiêng” nên đe nẹt phụ nữ nào vi phạm sẽ bị bắt phạt.
Ông Nguyễn Chí Sáng cho rằng: “Trước đây đời ông cha người ta nghiêm lắm, có nguyên “bộ luật miệng” cấm con cháu chửi bậy “gây ô uế chốn linh thiêng”, cảnh báo những người chống lại “luật miệng” đều phải trả giá”.
Còn có truyền tai: “Trước đây có một phụ nữ vì đói quá, nghĩ trong đình làng mọc nhiều nấm mối nên đánh liều vào hái. Tuy chỉ đi vào vùng ven đình nhưng đến tối về người phụ nữ đã đột tử”.
“Luật” này đáng sợ đến mức ngày nay vẫn ít người phụ nữ nào dám cả gan bước vào địa điểm này. Một thời gian dài, chỉ có những người đàn ông vào quét dọn thắp hương.
Có nhiều sự tình cờ trùng lặp đã diễn ra. Ví dụ như trường hợp anh Nguyễn Quang Đức, táo tợn vào đình đốn cây về làm củi, còn cố tình văng tục chửi bậy trong cửa đình. Bất ngờ, một thời gian sau anh mắc bệnh lạ, không đi lại được, toàn cơ thể cứ teo lại, đi bao nhiêu bệnh viện cũng “bó tay”, hiện chỉ nằm một chỗ. Bệnh tật đến tình cờ, nhưng người mê tín lại được dịp cho rằng anh bị “trách phạt”.
Khi mới lập nên, đình làng nằm cách xa khu dân cư. Sau này dân số trong làng tăng lên, đất chật người đông, có những người đánh liều dựng nhà gần khu vực đình làng. Câu chuyện những người này thường gặp tai ương thêm một lần nữa khiến ngôi đình càng “đáng sợ”.
Bất hạnh hất là gia đình anh Nguyễn Quang Tú (SN 1962), cũng là người xây nhà gần đình làng nhất. “Tuy chẳng ai muốn, nhưng vì nghèo, tôi mới phải làm nhà gần chỗ đất này”, anh phân trần. Trước kia, sau khi xuất ngũ, anh làm nghề đi biển cho một chủ thuyền ở biển Gio Việt, quen chị Trần Thị Hà, đến năm 1989 lấy nhau. Cảnh nghèo, vợ chồng phải ở tạm nhà bố mẹ vợ.
Năm 2000, khi vợ sinh được 4 đứa con gái và đang có bầu đứa thứ 5 thì mẹ anh Tú qua đời. Anh Tú phải bỏ nghề biển, đưa vợ con về quê. Người đàn ông xin đất làm nhà nhưng mãi không tìm ra vị trí thích hợp, cuối cùng đành chọn vị trí cách đình làng khoảng 500m vì ở đây mới có điện, nước.
Mới làm ngôi nhà tạm bợ lên được 2 năm thì đứa con gái thứ 3 của anh qua đời. Anh rớt nước mắt kể lại: “Lúc đó con tôi mới tròn 8 tuổi, nhà nghèo nên đi chăn bò. Hôm nó mất, chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là đến Tết Nhâm Ngọ năm 2002. Trời lạnh thế, không biết ai xui khiến mà mùa đông nó đi chăn bò rồi ra đê tắm chết”.
Đến năm 2008, Nhà nước cấp cho gia đình anh ngôi nhà chính sách. Nhà vừa xây xong phần thô thì nỗi đau mất con lại một lần nữa ập xuống. Lần này cháu bé cũng bị chết đuối khi mới tròn 5 tuổi và cũng chỉ còn vài ngày nữa là đến tết Mậu Tý 2008.
Dù không mê tín nhưng sau hai cái chết trùng lặp như vậy, một số bô lão mới nhắc lại những câu chuyện truyền tai từ xưa “phải chăng nhà nằm gần chốn linh thiêng nhưng không biết giữ gìn sạch sẽ nên mới gặp tai ương”. Mang tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, cả nhà anh mất nhiều ngày dọn vệ sinh, rồi ra đình thắp hương xin “các ngài” bỏ lỗi.
Những tai nạn nêu trên chỉ là chuyện tình cờ. Phải chăng ẩn ý của dân làng qua sự thêu dệt “đình linh thiêng” là mong muốn sống vệ sinh, sống văn hóa?