Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương, Chủ nhiệm đề tài “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng định hướng CCTP thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ giai đoạn 2021 – 2035” cho biết đề tài gồm 3 chương. Chương 1 gồm một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế về chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ đối với việc thực hiện quyền tư pháp và CCTP. Chương 2 phân tích thực trạng thực hiện các hoạt động CCTP thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ giai đoạn 2006-2020 trong 7 lĩnh vực: Xây dựng và hoàn thiện thể chế; tổ chức và hoạt động cơ quan điều tra, thi hành án; bổ trợ tư pháp; đào tạo cán bộ pháp luật, các chức danh tư pháp; hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật và về đảm bảo cơ sở vật chất cho các cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp.
Chương 3 nêu lên các định hướng CCTP thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ giai đoạn 2021-2035 gồm: Xây dựng hệ thống lý luận hoàn chỉnh về quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền; hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát thực hiện quyền tư pháp. Nghiên cứu thành lập Hội đồng tư pháp/Hội đồng thẩm phán quốc gia là cơ quan có chức năng nghiên cứu, đề xuất các vấn đề tư pháp ở tầm vĩ mô, thúc đẩy và đảm bảo sự độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án. Tiếp tục nghiên cứu chuyển Viện kiểm sát thành Viện Công tố, tăng cường trách nhiệm của công tố đối với hoạt động điều tra. Thiết lập cơ chế xử lý đối với các vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đổi mới phương thức, hình thức lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan tư pháp phù hợp với đặc thù tổ chức và hoạt động của Tòa án và các thiết chế liên quan trong điều kiện CCTP.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao giá trị lý luận, giá trị thực tiễn, tính thời sự và sự cần thiết của Đề tài. Nhóm nghiên cứu đã có phương pháp nghiên cứu phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của đề tài, đảm bảo độ tin cậy của các đánh giá, đề xuất kiến nghị; huy động được đông đảo các nhà khoa học lớn từ các cơ quan khác nhau. Nhờ vậy, đề tài đã đề xuất được nhiều vấn đề mới, có đóng góp cụ thể cho công tác khoa học pháp lý, đặc biệt là các giải pháp mang tính đột phá trong xác định định hướng, nhiệm vụ của Chính phủ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng cũng chỉ ra một số vấn đề cần chỉnh lý, làm sâu sắc hơn như: cơ sở lý luận về chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ đối với việc thực hiện quyền tư pháp, CCTP giai đoạn 2021-2035 và trong bối cảnh sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xu hướng đổi mới kiện toàn chức năng của Chính phủ trong giai đoạn mới; làm sâu sắc, đầy đủ hơn khái niệm CCTP để có cách tiếp cận toàn diện; cân nhắc bổ sung một số kiến nghị về thiết chế trọng tài và quản tài viên…
Đối với đề tài “Hoàn thiện mô hình tổ chức của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2021 - 2035 đảm bảo nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước”, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái, Chủ nhiệm đề tài cho biết mục tiêu của đề tài nhằm làm rõ những vấn đề lý luận về tổ chức của Bộ, ngành nói chung và Bộ, ngành Tư pháp nói riêng. Đánh giá thực trạng thực hiện chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của Bộ, ngành Tư pháp hiện nay, xác định các mối quan hệ giữa chức năng, nhiệm vụ và hệ thống tổ chức của Bộ, ngành Tư pháp qua các thời kỳ lịch sử và giai đoạn hiện nay, nghiên cứu so sánh với một số quốc gia trên thế giới. Xác định những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến việc thực hiện, chức năng nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp trong thời gian tới. Đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống tổ chức của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2021-2035; xác định được mô hình của các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan tư pháp địa phương bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tế giai đoạn 2021-2035.
Trên cơ sở thống nhất ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhận định đây là đề tài này có giá trị lý luận, thực tiễn cao, bởi “cơ cấu tổ chức, mô hình tổ chức của một cơ quan, đơn vị có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị đó”, Thứ trưởng nhấn mạnh. Thứ trưởng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục rà soát một số nội dung còn có lỗi diễn đạt, lỗi kỹ thuật để tiếp tục chỉnh lý đồng thời lưu ý đến một số vấn đề về dự báo chức năng nhiệm vụ của Bộ, cơ quan tư pháp địa phương; đánh giá thực trạng về tổ chức bộ máy và các đề xuất, kiến nghị chưa rõ cơ sở thực tiễn...